26/02/2012 01:06 GMT+7 | Thể thao
(TT&VH Cuối tuần) - Cuộc cạnh tranh vị trí số 1 thế giới giữa các tay vợt đôi khi không ghê gớm và khốc liệt như Adidas và Nike, hai hãng sản xuất trang phục thể thao hàng đầu của nhiều môn thể thao, trong đó có tennis, mà đỉnh cao là giày.
Khi Djokovic xoạc dài trên mặt sân Plexicushion ở Rod Laver thoải mái như đang trên sân đất nện, CEO của hãng Adidas Herbert Hainer ngồi nở nụ cười với gương mặt mẵn nguyện. Ông đã nín thở khi một cú xoạc ngang khi Djokovic vươn người ra chém bóng hụt, anh suýt lật cổ chân. Djokovic dù đã chia tay với quần áo, mũ tất của Adidas, nhưng anh vẫn trung thành với đôi giày của hãng thể thao có nguồn gốc từ Đức.
Đôi giày Zoom Vapor 9 Tour PE do Nike thiết kế riêng cho Roger Federer - Ảnh Getty
Chỉ từ năm 2011 tới nay, Nike mới phải thường xuyên nếm trải cảm giác của nhà tài trợ cho người thất bại. Thương hiệu xuất phát từ tiểu bang Oregon, Mỹ gắn liền với sự thống trị của Federer và Nadal ở nam, Serena Williams ở nữ và cả cô gái được mệnh danh là nữ hoàng banh nỉ Sharapova. Nike được bù đắp bởi người đánh bại Sharapova ở trận chung kết Australian Open cũng là một Niker (người sử dụng Nike): Azarenka và vô địch Wimbledon 2011 danh giá là Kvitova, người mặc trang phục và đi đôi giày có gắn biểu tượng là một “dấu phẩy”.
Adidas + Reebok và cuộc chiến hai đánh một
Novak Djokovic sử dụng đôi giày Barricade 6.0 của Adidas - Ảnh Getty
Thực ra chiến thắng của Djokovic không bù đắp được sự thất thế của Adidas trước Nike ở địa hạt giày tennis, mà cách nay 7 năm hãng này đã quyết định tìm cách giải quyết vấn đề. Thương vụ mua lại hãng Reebok trị giá 3,8 tỷ USD năm 2005 của Adidas là để tạo nên cuộc chiến hai đánh một với Nike và sân chơi chính là nước Mỹ với thống kê rằng ít nhất mỗi người ở đây có 2 đôi giày thể thao.
Con số thống kê của hãng Hoover cho thấy năm 2004, Nike là số 1, thu về 3,36 tỷ USD tiền bán giày (trong đó có tennis) ở Mỹ, trong khi Reebok đứng thứ hai với hơn 1,1 tỷ USD, và Adidas chỉ có doanh thu 822 triệu USD, đứng thứ tư (sau cả hãng giày với biểu tượng là chữ N - New Balance). Nếu tính cả thế giới, Nike thu về từ tiền bán giày khoảng 6,8 tỷ USD, chiếm chừng 32%. Trong khi đó của Adidas là chừng hơn 3 tỉ và chiếm 15%. Đến năm 2008, doanh số bán giày trên cả thế giới (trong đó tennis có phần không nhỏ) là 9,8 tỷ USD.
Sai một ly đi trăm triệu USD
Adidas dù mãn nguyện với chiến thắng của Djokovic nhưng họ lại không thể sử dụng hình ảnh của tay vợt này cho dù với bất kỳ mục đích gì. Đó là kết quả của quyết định từ Adidas bỏ Djokovic để chọn Murray làm gương mặt đại diện hồi cuối năm 2009. Murray vẫn đang vật vã đi tìm danh hiệu Grand Slam đầu tiên, còn Djokovic đã giành thêm 4 giải chỉ trong vòng 1 năm, trong bối cảnh nhà vô địch mặc gì, fan thường mặc nấy. Adidas còn có Tsonga và Verdasco là đáng kể trong danh sách các đối tác, nhưng một vẫn đang hy vọng sẽ có ngày làm nên lịch sử còn một đang tụt dốc không phanh.
Rafael Nadal với đôi giày Air Max Courtballistec 4.3 của Nike - Ảnh Getty
Nhưng Adidas vốn dĩ cũng không có nhiều sự lựa chọn, bởi khả năng thu hút các tay vợt của họ bị hạn chế khá nhiều từ ngân sách dành cho quảng cáo. Nếu như Adidas trả cho khách hàng ruột của mình Murray 5 triệu USD/năm trong bản hợp đồng 5 năm thì Nike có đủ khả năng trả cho Nadal và Federer mỗi người gần chục triệu USD/năm (riêng Federer là thời hạn trọn đời), và ngay cả Sharapova cũng được trả khoảng hơn 7 triệu USD với thời hạn 10 năm.
Trong năm 2007, Nike chi 2,8 tỷ USD cho quảng cáo, nhiều hơn gấp rưỡi so với Adidas với con số 1,8 tỷ USD chi cho lĩnh vực marketing. Adidas có một sự lựa chọn nhầm thứ hai (nếu có thể nói như thế) là gửi niềm tin ở Caroline Wozniacki, số 1 thế giới trong hai năm nhưng vẫn chưa giành một chức vô địch Grand Slam nào, và vừa trượt dốc trên bảng xếp hạng.
Một trong những chìa khóa giúp cho Nike trở nên khó đuổi bắt đối với Adidas là bởi sự khác biệt về tầm mức kiểu dáng, sự phong phú của phong cách mà Nike theo đuổi. Chẳng hạn, nếu như Adidas chỉ có 17 mẫu giày dành cho khách hàng tự thiết kế kiểu dáng và màu sắc, thì Nike có tới 109 kiểu (loại giày này khách hàng có thể lên website rồi tự tay thiết kế trên nền tảng cơ bản, và giá thường đắt hơn khoảng 30-50%).
Và ngay từ cuối năm 2011, fan của Nadal và Federer đã biết là họ sẽ mặc gì và đi giày kiểu dáng nào ở US Open cuối năm 2012 để chờ đợi và lựa chọn từ Nike, trong khi mẫu của Murray, Tsonga... vẫn còn là một bí ẩn.
Tuda
Adidas là hãng thời trang của Đức, được sáng lập bởi Adolf “Adi” Dassler từ năm 1948, sau sự kiện Adolf và anh trai của mình chia tách công ty Gebrüder Dassler Schuhfabrik (lập từ năm 1924). Tên của ông khi viết tắt cũng chính là tên của thương hiệu "Adi" và "das". Người anh của ông, Rudolf sau đó cũng lập ra hãng Puma. Nike sinh sau đẻ muộn, được thành lập bởi một vận động viên điền kinh, Phil Knight, từng thi đấu cho trường Đại học Oregon, vào năm 1964. Tên ban đầu của hãng là Blue Ribbon Sports. Hiện nay, trong danh sách 100 thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới, Nike đứng thứ 30, còn Adidas đứng thứ 71. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất