06/02/2017 06:50 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Trên mạng xã hội, những ngày giáp Tết rộ lên dư luận đòi bỏ Tết Âm lịch, chỉ Tết Dương lịch thôi. Phần lớn trong số đó là những người trẻ tuổi, có người được đào tạo từ Tây về mang theo ánh sáng văn hóa Âu châu như một điểm tì vững chắc và rất tự tin.
Cuộc sống thật ra đâu có đơn giản như vậy? Nếu chỉ bỏ cái Tết mà đất nước giàu có thì tôi chắc Tết Âm lịch bị bỏ lâu rồi, không đợi đến ý kiến các bạn.
Các bạn chắc ai cũng biết Thế chiến II, trục phát xít Đức - Ý - Nhật khuấy đảo thế giới thì khi đó người Nhật đã chế tạo được máy bay, tàu chiến, xe tăng, súng ống… Họ đã có hẳn một nền công nghiệp quân sự tiên tiến cho bộ máy chiến tranh. Khi đó ta chỉ mã tấu, tầm vông giáo mác. Khá lắm thì có khẩu súng kíp. Về khoa học, họ đã là cây cao bóng cả, ta chỉ là đám cỏ may lúp xúp, chẳng có gì để sánh.
Kết thúc chiến tranh trên đống tro tàn, xây dựng lại đất nước họ đã mau chóng hồi sinh với lực lượng lãnh đạo ưu tú, dù không có ODA, nhưng bộ máy quản lý đất nước thực sự có hiệu quả đã làm nên kỳ tích về tái kiến thiết sau chiến tranh.
Tất nhiên, thành quả ấy còn thêm nhiều yếu tố khác góp vào, nhưng cơ bản vẫn là con người và trí tuệ được tận dụng để tự tin đi đúng một hướng nhằm đạt được hiệu quả cao.
Không phải họ giàu có vì bỏ Tết Âm lịch đâu, đừng ngây thơ như thế.
Người Trung Quốc vẫn ăn Tết Âm lịch như ta, nhưng 30 năm qua họ vẫn tăng trưởng chóng mặt với sự mở cửa có hiệu quả.
Tôi cho rằng rồi đây các thế hệ tiếp sau chúng ta sẽ có sự lựa chọn lấy một cái Tết trong năm, nếu thấy điều đó là cần thiết. Nó sẽ là nhận thức và bước chuyển biến sẽ là tự nguyện. Khi cả xã hội gần nhau về nhận thức cái gì cần giữ, cái gì cần thay thì sự đổi thay sẽ dần diễn ra. Đó là quy luật, bất kể sự chống đối! Thời đại nào, văn hóa ấy, sẽ có kế thừa và có phát sinh các yếu tố mới từ cuộc sống mới đó. Nó không thể bị áp đặt, hoặc cũng không thể chỉ là sự mong muốn chủ quan khi chẳng có chỗ tì dựa nào.
Tết Âm lịch là một giá trị văn hóa hình thành từ lâu đời và có thử thách qua thời gian. Việt Nam một thời nông nghiệp chiếm trên 90% nền kinh tế thì “tháng Giêng là tháng ăn chơi” là có cái lý của nó. Tháng ấy lúa mới đứng chân, chưa phải cào cỏ, người nông dân tranh thủ xả hơi để bước vào vụ Hè nóng nực. Bây giờ sản xuất nông nghiệp đã giảm xuống, nhưng nông nghiệp vẫn là ưu thế…
Bước sang giai đoạn mới, sự chuyển hóa đó sẽ có nhưng không phải ngay tức thời theo mong muốn của một số người “cấp tiến”. Việc thay đổi sẽ liên quan đến từ giáo dục, văn hóa, phương thức sản xuất mới định hình… tất cả những yếu tố đó còn đang trong giai đoạn dò tìm mà hướng ra chưa rõ ràng thì việc đổi thay cái Tết chưa thể xảy ra ngay được!
Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất