22/09/2015 13:47 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 5/1980. Lực lượng dân sự phản kháng năng lượng nguyên tử ở Đức lui vào rừng và thành lập một nhà nước tự trị mang tên “Cộng hòa Wendland Tự do”. Nó trở thành điểm đến ưa thích của đám người tọc mạch hay các cụ ông cụ bà về hưu rỗi hơi. Cho đến khi trực thăng của lính biên phòng đổ bộ xuống.
Cuốn hộ chiếu màu xanh
… của nước Cộng hòa Wendland Tự do được phát cho tất cả những ai bỏ công xuyên rừng ở Trebel thuộc bang Niedersachsen, kiên nhẫn đợi trước cây barie cho đến khi hai nhân vật hippie xuất hiện, thu 10 D-Mark và đóng dấu “nhập cảnh”. Nhiệt liệt chào mừng quý vị đã đến chốn “Địa đàng”.
Marianne Fritzen, một nữ công dân của Wendland ngày ấy, nay đã qua ngưỡng tuổi 90 khả kính. Bà lập cập lôi ra cuốn lịch của năm 1980. Ở ô 5/5 còn rõ dòng chữ bút bi “Chiều đi đến 1004, công trường, lễ cất nóc cho nhà trung tâm”.
Bà nhớ rõ ngày 5/5/1980, hai hôm sau khi lực lượng biểu tình phản đối năng lượng nguyên tử chiếm giữ một khoảnh rừng, khi bà dừng chân trước cây chắn và không hết ngạc nhiên. Hơn 5.000 nhà hoạt động trong phong trào đó đã dựng lên một xóm giữa rừng, đặt cho một danh hiệu hoành tráng và chào đón những ai cùng ý chí. “1004” là điểm đánh dấu một lỗ khoan sâu, ở đó người ta dự định đào xuống một mỏ muối bỏ hoang để kiếm chỗ chứa các thanh nhiệt đã sử dụng nhưng còn nhiễm xạ hàng trăm năm nữa.
Chốn “Địa đàng” vừa là nơi nghỉ ngơi, sinh sống, mà cũng là hậu phương của phong trào đấu tranh cho năng lượng xanh ở Đức - tất cả tương đối tự phát và là sản phẩm của trí tưởng tượng không biên giới.
Sau mấy ngày lưỡng lự
… bà con nông dân ở các làng lân cận đem tiếp viện bánh mì, khoai tây, bánh ngọt, rau quả… cho nhóm hippie tóc dài. “Như trong Kinh Thánh vậy. Hãy sống đi, đừng lo cho ngày mai”, Lilo Wollny nhớ lại. Hồi đó cô làm việc trong bếp, cung cấp đồ ăn cho cả xóm.
Wendland đã thay đổi cuộc đời cô cho đến tận hôm nay. Giữa khu rừng, một cộng đồng kỳ dị xuất hiện giữa nước Đức như chưa bao giờ có. Cư dân Wendland gặp may: ngày nào cũng nắng ráo và đêm không quá lạnh, công trường hoạt động suốt ngày đêm, xây đường đi lối lại và cả công viên.
Dần dần trong Wendland có cả luật sư, giáo viên, nghệ sĩ, nhà báo... từ mọi nơi trong nước Đức. Họ không chỉ theo đuổi mục đích vận động chính quyền đóng hết nhà máy điện nguyên tử, mà còn muốn sống trong một cộng đồng khác hẳn.
Chính quyền thì có những nỗi lo khác hẳn: bộ máy công chức ngồi chăm chỉ liệt kê các văn bản pháp luật bị vi phạm: Luật Xây dựng, Luật Phòng tránh dịch bệnh, Luật Kiểm lâm, Luật Báo chí, Luật Hộ khẩu. Bộ trưởng Nội vụ bang, đảng viên Dân chủ Cơ đốc giáo Egbert Moecklinghoff, vắt óc nghĩa ra ngày X là thời hạn cho xe ủi đến cào bằng mọi thứ.
Wendland được dư luận ủng hộ nồng nhiệt. Từ mọi miền đất nước, người dân đổ đến tham quan, không quên đem theo công cụ để giúp nhóm xây dựng, đồ ăn thức uống, hay chỉ đơn giản là tranh luận về chủ đề năng lượng. Trên những tấm ảnh lịch sử, người ta nhận ra Gerhard Schroeder, Bí thư Đoàn thanh niên của Đảng Xã hội Dân chủ và sau này làm Thủ tướng CHLB Đức.
Tại các địa điểm hội họp
… ngày nào cũng có thảo luận chính trị, trước tiên là tìm cách đối phó phi bạo lực với các biện pháp đàn áp sắp tới. Mấy tờ lá cải bịa ra nhiều kho vũ khí và xăng dầu, khiến không khí ngày càng sôi sục. Sau 33 ngày, nước Cộng hòa Wendland Tự do bị tấn công. Lần đầu tiên Marianne Fritzen ở qua đêm, dĩ nhiên không hề chợp mắt trên nệm rơm vì căng thẳng.
Hàng ngày họ nhận được thông tin về cảnh sát xiết chặt vòng vây. Sáng tinh mơ ngày 4/6/1980 cuộc đàn áp bắt đầu. Cảnh sát và an ninh bôi đen mặt mũi, lái xe ủi và 15 trực thăng quân sự tiến vào như có chiến tranh.
Cư dân Wendland ngồi quàng tay nhau hát, trùm áo mưa để chống lại xe vòi rồng, mặt bịt tã thấm nước chanh phòng hơi cay. Một số vẫn tiếp tục xây nhà, trạm radio tường thuật trực tiếp từng động thái của cảnh sát.
Sau này sẽ có một đồng đội đào lên từ đống đổ nát chiếc máy phát thanh và tặng Marianne Fritzen nhân sinh nhật thứ 91. Bản thân bà trở thành một chính trị gia xuất sắc, đồng sáng lập Đảng Xanh ở Đức và tham gia từng cuộc biểu tình chống nhà máy điện hạt nhân trên chiếc ghế gấp. Bà còn giữ tấm hộ chiếu ngày nào, dĩ nhiên, và vui vẻ kể: trông nó thật đến nỗi đã có người dùng nó nhập cảnh ở châu Phi!
Mới đây bà có khách từ kênh truyền hình Tokyo. Sau vụ Fukushima, họ tới Wendland để tìm hiểu về chính sách năng lượng ở Đức. Bà tặng họ một cuốn hộ chiếu làm kỷ niệm và để nhắc rằng nước Đức sẽ đóng hết nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022 - một trong những thí dụ hiếm hoi trên thế giới. Nhưng thật lòng mà nói, bà Marianne Fritzen lẩm bẩm, bà không tin vào quyết tâm của người Nhật…
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất