MARVIN GAYE: Một bi kịch cuộc đời

22/04/2009 06:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ca sĩ, nhà cải cách nhạc Soul tài năng Marvin Gaye lẽ ra đã tròn 70 tuổi vào tháng Tư này, nếu như không có cái “ngày Cá tháng Tư” năm 1984 ấy - sau một cuộc tranh cãi chí tử với cha mình. Một kết cục bi thảm của một cuộc đời đầy bi kịch...

Tiểu thuyết, nhạc kịch, cụm từ “Ngày Cá tháng Tư”, “cuộc đời ba chìm, bảy nổi”... là những thứ luôn bám theo cuộc đời bi thảm của ca sĩ nhạc Soul lừng danh thế giới Marvin Gaye. Cuốn Pháo đài cô đơn của nhà văn Mỹ Jonathan Lethem là một trong số đó, và rất ăn khách. Lấy nguồn cảm hứng từ cuốn sách này, các ca sĩ của ban nhạc Rap Fettes Brot đã hát: “Ngày xưa có một ca sĩ vĩ đại, khiến các thiên thần phải tím tái hờn ghen/Theo năm tháng chàng đã thay đổi, sống phóng túng, hoang tàng, khiến cha chàng vô cùng đau khổ/ Và cha con đã tranh cãi chí tử...”.

Marvin Gaye (tên khai sinh Marvin Pentz Gay) sinh ngày 2/4/1939 tại Washington D.C, có cha là một mục sư. Ông đã cho thêm chữ “e” vào họ như thần tượng Sam Cooke từng làm để tránh cái chữ “Gay” không lấy gì làm hay ho trong tiếng Anh và cũng để phân biệt với người cha mộ đạo của mình. “Gay” có nghĩa là đồng tính luyến ái và tuyệt không phù hợp với cuộc sống phóng túng giữa những người đàn bà đẹp của Marvin Gaye. Khốn nỗi, giống như Sam Cooke, việc thêm chữ “e” lại trở nên oan nghiệt: Marvin Gaye đã bị hạ sát bởi Marvin Gay, tên của người cha thiếu chữ “e” của ông.

Một người tình lý tưởng?

Marvin từng tham gia dàn đồng ca nhà trường, học piano, bộ gõ và sau đó là ban nhạc Miracles cũng như nhiều ban nhạc khác. Sau một lần xem buổi biểu diễn đầy ấn tượng của anh ở Detroit (Michigan), ông trùm của hãng sản xuất đĩa Motown Records - Berry Gordy Jr. - đã ký hợp đồng với Marvin Gaye. Thực ra Marvin luôn tự coi mình là người hát những bản tình ca êm nhẹ nối gót Frank Sinatra. Nhưng với màu da đen và nụ cười đầy chinh phục của mình, anh lại rất phù hợp cho vai người tình của các cô gái trẻ trong dòng sản phẩm của Motown Records. Ông trùm Berry Gordy đã biến Marvin trở thành thần tượng của các cô gái da đen ở Mỹ.

Năm 1961, Marvin Gaye cưới Anna Gordy - em gái của ông trùm Berry Gordy Jr. - làm vợ. Sau khi thành công đôi chút với bài hát Pride And Joy (1963), Marvin Gaye không hài lòng với địa vị hiện tại của mình và cho ra album đầu tay Together (1964). Cho đến năm 1965, Marvin Gaye đã đóng góp 39 trong tổng số 40 ca khúc hàng đầu của Motown Records, trong đó có nhiều bài song ca với Mary Wells, Kim Weston và Tammi Terrell. Cùng với Tammi Terrell, Marvin Gaye đã cho ra mắt nhiều ca khúc nổi tiếng như Ain’t No Mountain High Enough (1967), Your Precious Love (1967), Ain’t Nothing Like The Real Thing (1968) và You’re All I Need To Get By (1968). Sau một chuỗi thành công này, năm 1987, Marvin Gaye đã được ghi tên tại Đại sảnh danh vọng Rock & Roll (Rock & Roll Hall Of Fame).
 
Marvin và Tammi Terrell - bạn hát hoàn hảo nhất của anh

Một trong những thế mạnh của Marvin Gaye là hát đôi với các nữ ca sĩ. Marvin từng song ca với các ngôi sao ca nhạc Kim Weston, Tina Turner..., có quan hệ “trên cả tình bạn” với Diana Ross và họ từng là một cặp lý tưởng của Motown Records. Thế nhưng bạn hát hoàn hảo nhất của Marvin Gaye chính là Tammi Terrell. Giọng hát của Marvin và Tammi hòa quyện, quấn quýt lấy nhau và tạo ra một thứ hương vị tình ái đầy ma lực trong các ca khúc hát đôi của họ, khiến cho người nghe có cảm giác rằng đây chính là một cặp tình nhân ngoài đời. Khổ nỗi Tammi Terrell là “ván đã đóng thuyền” và chồng cô là võ sĩ quyền Anh Ernie Terrell, người chỉ chịu nhường đai vô địch thế giới trước huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali. Nhưng có vẻ như bao giờ cũng vậy, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”..., trong một chuyến lưu diễn năm 1967, Tammi Terrell đã gục ngã trong vòng tay cuả Marvin Gaye bơi môt cơn đôt quy, ngay trên sân khâu. Cô bị mắc căn bệnh ung thư não. Cơn đột quy này đã dẫn đến một loạt các cuộc phẫu thuật sau đó với Tammi; còn với Marvin là những bài hát rung động tới tận đáy lòng. Song những tiếng gọi da diết của tình yêu, kiểu như “Với anh, em là tất cả... Không ngọn núi nào đủ cao, không con sông nào đủ rộng có thể chia cắt đôi ta...” cũng đã không thể khiến thần chết mủi lòng. Và Tammi Terrell đã giã từ cuộc đời năm 1970, khi mới chỉ 24 tuổi...

Nhà cải cách nhạc Soul

Cùng trong năm 1970 nghiệt ngã này, em trai Frankie Gaye của Marvin (cũng là một nhạc sĩ, và giống như anh trai, cũng có chữ “e” trong họ Gay của mình) từng tham chiến ở Việt Nam và trở về nước với những cơn ác mộng. Qua lời kể của Frankie, năm 1971 Marvin đã cho ra đời What’s Going On? (tạm dịch: Điều gì đang xảy ra), một nhạc phẩm trái ý ông trùm Berry Gordy, người luôn cho rằng chính trị là một thứ thuốc độc và khăng khăng giữ lấy khuôn mẫu bắt buộc các ca khúc nhạc Soul chỉ có độ dài ba phút.
 
Thần tượng của các cô gái trẻ
 
What’s Going On?, một trong những album nhạc Soul nổi tiếng nhất, khác lạ với các album cùng loại bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn các thành tố nhạc Jazz và nhạc cổ điển cũng như các ca từ đề cập đến chiến tranh Việt Nam, những vấn đề bảo vệ môi trường, tham nhũng chính trị, lạm dụng ma túy... Trong album này, Marvin Gaye đã bày tỏ thái độ phản chiến, nỗi buồn sâu sắc về cái chết của Tammi Terell và nhiều tâm sự riêng tư khác của anh. Ấy vậy mà lúc đầu, ông trùm Gordy đã từ chối xuất bản What’s Going On?. Về sau ông này phải nhượng bộ khi Marvin Gaye dọa sẽ rời bỏ Motown Records. Sau thành công vang dội của ca khúc, nhất là khi giành được ngôi vị số 1 của R&G và số 2 của US-Pop-Charts, ông trùm Gordy đã quay ngoắt 180 độ và yêu cầu Marvin cho ra một album liên khúc What’s Going On?. Trong album này, Marvin Gaye đã vẽ lên một bức tranh toàn cảnh của nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, bị rúng động bởi một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cho đến nay, What’s Going On? vẫn luôn được ghi nhận là một tuyệt tác của dòng nhạc Soul chính trị.
 
Marvin Gaye tại London năm 1976

Với ca khúc này, Marvin Gaye đã giải phóng Motown Records khỏi khuôn bó ba phút cố hữu của mình, kéo dài các bài hát của mình lên tới năm - sáu phút. Nhiều ca sĩ nổi tiếng khác, ví như Stevie Wonder, cũng nhiệt liệt hưởng ứng và noi theo “nhà cải cách” Marvin Gaye.

Một kết cục bi thảm

Album Let’s Get It On chào đời năm 1973 đã trở thành album bán chạy nhất tại thời điểm đó. Album nói về tình ái trần trụi này khiến ông trùm Berry Gordy hài lòng, nhưng lại khiến cho mục sư Gay Sr. nổi đóa. Năm 1982, Marvin Gaye ký hợp đồng với Columbia Records và cho ra đời album Midnight Love. Trong album này có một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của Marvin Gaye là Sexual Healing. Ngay từ khi còn làm cho Motown Records, Marvin Gaye đã bị nghiện ma túy. Sau khi sức khỏe có vấn đề trong khi lưu diễn, Marvin Gaye đã trở về sinh sống với người cha vào mùa Thu năm 1983. Là một mục sư sùng đạo, Gaye Sr. không thể tiếp tục chịu đựng cuộc sống hoang tàng, trác táng giữa những người đàn bà và sự nghiện ngập ma túy của con trai. Trong một cuộc tranh cãi chí tử ngày 1/4/1984 giữa hai cha con, mục sư Gaye Sr. đã dùng súng bắn chết Marvin, một ngày trước khi Marvin Gaye tròn 45 tuổi, đúng vào thời điểm trở lại cực kỳ ngoạn mục với ca khúc Sexual Healing làm siêu lòng đám khán giả MTV của Marvin Gaye. Và ông mục sư chỉ phải nhận án treo.
 
Minh Châu (tổng hợp)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link