Cưới báo hỷ, tiệc trà, giảm cỗ - nếp sống văn minh thời 'Cô vy'

02/04/2020 08:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Không tụ tập nơi đông người, không tổ chức cưới hỏi dềnh dang, đám tang hạn chế người đến viếng, tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang nơi công cộng… là những thay đổi tích cực trong đời sống người dân cả nước thời gian gần đây.

Dịch COVID-19: Xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng

Dịch COVID-19: Xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng

Chiều 30/3, UBND thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng (Bình Phước), đã ra quyết định xử phạt hành chính 12 trường hợp vì hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Giữa cao điểm mùa dịch, không còn lạ khi có nhiều đám cưới hoãn không tổ chức, hoặc tổ chức gọn nhẹ trong phạm vi gia đình, họ tộc. Cán bộ văn hóa các địa phương tếu táo, chưa bao giờ việc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi lại thuận lợi như bây giờ.

Báo hỷ, tiệc trà, giảm cỗ

Điển hình là Hà Nội, Sở VHTT đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương tăng cường khuyến cáo, vận động người dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và thành phố về phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, như: tổ chức cưới trong một ngày theo hình thức báo hỷ, tiệc trà trong nội bộ gia đình, hạn chế tối đa việc ăn uống tập trung đông người. Đặc biệt, khi tổ chức, gia đình cần phối hợp với cơ quan y tế địa phương để tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Thực tế trong thời gian này, những đám cưới ở Hà Nội dừng mở cỗ, chỉ báo hỷ, nếu có tổ chức cũng rất hạn chế số lượng khách mời, khách đến dự đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn… Ngày vui trăm năm của các bạn trẻ không vì thế mà giảm đi mà ngược lại, mọi người đều cảm nhận được ý thức và trách nhiệm với nhau, với cộng đồng trong một bối cảnh chưa từng có như thế này.

Chị Đỗ Lan ở quận Đống Đa và chồng, anh Clive Eric tổ chức đám cưới tại một nhà hàng trên địa bàn quận Tây Hồ vào thời điểm Hà Nội vừa xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Mọi công việc cho đám cưới đã được chuẩn bị. “Sát ngày cưới, một số người bạn gọi điện chúc mừng và xin lỗi không đến dự đám cưới vì dịch bệnh đang phức tạp. Vợ chồng tôi vui vẻ và bước vào ngày lễ trọng đại của cuộc đời một cách an nhiên nhất. Dù có khách tham dự hay không thì đó cũng là một ngày quan trọng nhất đối với chúng tôi…”, chị Lan tâm sự.

Chú thích ảnh
 Đám cưới thời Covid-19, khách đeo khẩu trang đảm bảo an toàn. Ảnh: Linh Anh

Một điều đặc biệt mà các đám cưới trước đây không hề có, đó là đám cưới thời Covid đều chú trọng các yếu tố phòng dịch bệnh. Các gia đình đều đặt những chai nước khử trùng ở cửa đón tiếp, trên mỗi bàn ăn để mọi người cùng rửa tay, khử khuẩn trước và sau khi dùng tiệc, bên cạnh đó bố trí người đo thân nhiệt... “Đó cũng là kỷ niệm mà chúng tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên. Sau khi mùa dịch qua đi, chúng tôi sẽ cùng nhau ôn lại những điều đáng nhớ trong đám cưới của mình”, chị Lan nói thêm.

Trên địa bàn huyện Quốc Oai, việc thực hiện nếp sống mới trong tổ chức cưới xin được triển khai rất nghiêm túc trong thời điểm này. Gia đình chị N.T.N ở thị trấn Quốc Oai có cậu con trai duy nhất nên cũng mong muốn tổ chức một đám cưới tươm tất. 70 mâm cỗ được đặt, cùng với việc thuê phông bạt, dịch vụ cưới hỏi và gửi thiếp mời đến họ hàng, bạn bè… Tuy nhiên, sau khi nhận được Công văn của UBND huyện Quốc Oai về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19, gia đình đã quyết định hủy toàn bộ 70 mâm cỗ và gọi điện thông báo đến toàn thể họ hàng, bạn bè. Đám cưới chỉ gói gọn 2 bên gia đình, không tổ chức tiệc như kế hoạch.

Nếp sống mới thay đổi từ quan niệm

Phong trào cưới văn minh lồng ghép phòng, chống dịch bệnh đã được nhiều địa phương tích cực hưởng ứng với những cách làm sáng tạo, cùng với đó là sự động viên, khích lệ kịp thời của chính quyền địa phương. Đơn cử như tại quận Bắc Từ Liêm, từ ngày 16-20.3, đã có 35 gia đình được khen thưởng do chủ động hoãn tiệc cưới hoặc chuyển mô hình từ tiệc cưới sang hình thức báo hỷ. Việc khen thưởng nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa trong việc cưới, ghi nhận hành động đẹp vì cộng đồng, đồng thời khuyến khích nhân rộng hơn nữa những mô hình như thế trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Những hình ảnh quen thuộc ở đám cưới trong mùa dịch

Tại phường Minh Khai cũng đã có 24 gia đình hưởng ứng cuộc vận động “Cưới văn minh - chung tay phòng, chống dịch bệnh”, trong đó có 5 đám cưới tạm hoãn, 19 đám cưới tổ chức nội bộ, gói gọn các nghi thức và tiệc mừng chỉ từ 5 đến 10 mâm cỗ…

Như vậy, có thể thấy công tác tuyên truyền tích cực cùng với sự tự thay đổi, nâng cao nhận thức trong nhân dân đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn minh. Với quan niệm cưới văn minh để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, có thể thấy đây là hành động hết sức thiết thực, góp phần chung tay chiến thắng “giặc Covid-19” và tạo đà cho nếp sống văn minh trong việc cưới lan tỏa. Nhìn nhận theo khía cạnh tích cực về những thay đổi trong quan niệm sống mùa dịch Covid, những suy nghĩ trước đây cho rằng mâm cao cỗ đầy mới làm nên một đám cưới đáng nhớ đã lỗi thời, thậm chí trở thành gánh nặng của gia đình và cộng đồng. Người ta thấy rằng, những đám cưới giản dị, an toàn, lo lắng và yêu thương nhau mới thực sự là những giá trị làm nên hạnh phúc.

Bên cạnh việc cưới, thời gian này Hà Nội cũng tuyên truyền, vận động và giám sát việc tổ chức việc tang, lễ mừng thọ, giỗ chạp gọn trong phạm vi gia đình. Giảm tối đa thời gian tổ chức, thực hiện việc hỏa táng, hạn chế tổ chức mời khách ăn cỗ, đồng thời tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã phối hợp đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL, UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội, di tích và các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn.

Theo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link