Mạng nhện “đinh tặc”

14/11/2011 08:46 GMT+7 | Thế giới

Cung đường “đinh tặc” nóng nhất là tuyến quốc lộ 1A đoạn từ cầu Đồng Nai qua ĐHQG TP.HCM đến khu vực cầu Bến Cát, Q.12 (xem sơ đồ). Nếu trước đây “đinh tặc” xuất hiện ban đêm, gần đây hoạt động trắng trợn giữa ban ngày.


 Vị trí tiệm vá xe ở cung đường “đinh tặc” - Đồ họa - V. Cường







Hoàng Văn Hòa đang cắt đinh trong một quán cà phê chòi - Ảnh chụp từ video clip quay được trong quá trình điều tra của phóng viên

Hoàng Văn Hòa quê ở Thanh Hóa, trước đây làm nghề tài xế phụ ôtô. Một thời gian sau, anh ta sống lang thang dọc quốc lộ 1A đoạn từ Suối Tiên về Q.12. Hòa phụ sửa xe cho tiệm của Thanh (dưới chân cầu bộ hành Suối Tiên thuộc P.Linh Trung, Q.Thủ Đức).

Tiệm của Thanh không tên tuổi, chỉ dựng tấm bảng bên hành lang đường bộ với dòng chữ “Honda tay ga, vá xe, thay nhớt” và cho đến cuối tháng 10 vừa qua thì thêm vào dòng chữ “cà phê võng Lan Anh”. Tiệm vá xe lợp bằng lá dừa nước, phía ngoài treo chỏng chơ mấy cái lốp cũ.

“Đinh tặc” vá dạo

“Truyền nghề” rải đinh

Ngày 8-10, ngồi trong tiệm sửa xe của Thanh, Hoàng Văn Hòa chỉ cách rải đinh cho đệ tử: “Rải thì phải rải đều, đinh cầm vào tay trái vừa chạy vừa hé tay rải. Đừng rải dồn một cục xe hút đinh sẽ hút hết.

Mỗi lần chỉ nên cắt từ 20-30 đinh. Rải đinh thưa và số đinh vừa đủ sẽ có xe cho mình vá cả ngày. Chứ nếu rải một cục, xe cán cùng một lúc thì làm không xuể”.

Ngày 10-10, Hòa đi vào các tiệm ve chai hỏi mua dây đai về cắt đinh. Anh ta ghé điểm phế liệu không tên trên quốc lộ 1A (đối diện Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) nhưng không có hàng. Hòa tiếp tục chạy xuống một điểm thu mua phế liệu khác dưới chân cầu vượt Linh Trung.

Có hai loại nguyên vật liệu mà anh ta chọn mua là dây đai và thép thanh. Đối với dây đai, Hòa cắt dọc làm đôi rồi cắt chéo hình thoi (đinh át rô). Còn thép thanh thì đưa vào máy cắt tôn để cắt.

Ngày 11-10, Hòa đi xe máy vào một quán cà phê ven quốc lộ 1A để “sản xuất” đinh. Tại đây, anh ta lôi trong túi ra một sợi dây đai. Sợi dây đai dài khoảng 1m được Hòa cắt làm hai, rồi cắt chéo thành những hình thoi. Trước đây Hòa thường cắt đinh bằng kéo loại to.

Nhưng gần đây đi vá dạo, bỏ kéo trong xe nên Hòa chỉ cắt đinh bằng kéo thường để dễ bề ngụy trang. Cứ thế, Hòa cắt, rải đinh lai rai kiếm sống trên tuyến quốc lộ này. Làm cho Thanh, Hòa còn kiêm luôn nghề vá dạo, sửa xe dạo. Trên xe của Hòa luôn có bộ đồ nghề sửa xe. Hòa vá xe dạo nhưng “chém” giá ngất ngưởng, thay một ruột xe lấy 120.000 đồng (trong khi giá chỉ 18.000 đồng).

Nguyên tắc bất thành văn của những tay “đinh tặc” trên cung đường này là không tàng trữ đinh trong nhà, không hé miệng nói đến “rải đinh - cắt đinh”. Đó là cụm từ tối kỵ. Từ ngữ mà họ hay nói với nhau là “vãi mạ” (tức là rải đinh, rắc đinh trên đường được ví như vãi mạ trên ruộng lúa). Rải lần nào cắt lần đó. Cắt đinh xong thì mang giấu ngoài gốc cây, khi nào rải mới ra lấy. Sau các vụ “đinh tặc” bị bắt ở Bình Dương, nhiều chủ tiệm sửa xe rút kinh nghiệm hạn chế cắt đinh trong tiệm mà ra các quán cà phê hay bãi đất trống để cắt.

Hòa nổi danh là thẳng tay “chém” giá. Anh ta từng bơm một chiếc xe bị xẹp lốp trong đêm với giá 50.000 đồng. Khách nào nhùng nhằng thì cứ bỏ đi, anh ta sẵn sàng xua tay đuổi vì khách có dẫn xe đi cả mấy chục mét rồi cũng phải vào tiệm khác do anh em, người thân, không thì bạn bè cùng quê của Hòa làm.

Trước đây, Hòa từng làm thợ sửa xe cho tiệm của Thủy (cùng quê Thanh Hóa) ở khu vực Cát Lái, đoạn giáp ranh với xa lộ Hà Nội. Thời điểm này, làm chung với Hòa còn có Truyền (“đinh tặc” vừa bị bắt vào sáng 12-11). Hòa nổi danh trong giới là một trong những “đinh tặc” lão luyện, ranh ma. Anh ta có thói quen luôn đảo mắt nhìn quanh, nghi ngờ tất cả những người lạ mặt và tuyệt đối không tiếp cận với người không quen biết.

Hòa từng nói với một người xin học nghề ở tiệm của Thanh: “Anh cần đinh không, tôi sẽ cắt cho anh một mớ. Nhưng mà này, đừng có mà sẩy mồm sẩy miệng là đi tù. Ở Cát Lái trước đây, tôi làm đấy! Rải đinh lai rai mà vá xe thường xuyên. Cắt nhỏ xíu thôi. Bà Điểm, Hóc Môn, Q.12..., bất cứ chỗ nào cũng có người của mình. Nói thật, ở cái TP này làm nhiều thuộc rồi, quen rồi. Khi đi rải thì xe mình có cán phải cũng rải”.

Giăng khắp nơi

“Bà con, anh em” cùng dân Thanh Hóa làm nghề sửa xe của Hòa dọc theo quốc lộ 1A đoạn xa lộ Đại Hàn rất đông. Hòa thường lui tới người anh rể tên Tám trên quốc lộ 1A (khu phố 4, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức). Cách đó mấy căn nhà là tiệm sửa xe của Truyền. Cách tiệm của Truyền chừng 10m là tiệm của Toàn, từ tiệm của Toàn chạy xuống ngã tư Gò Dưa là tiệm của Lý (anh trai Toàn), còn chạy xuống một tí về phía cầu vượt Sóng Thần là tiệm chú của Toàn... Cứ thế, mạng nhện “đinh tặc” giăng kín khu vực này.

Chỉ tính sơ từ Suối Tiên đến ngã tư Bình Phước đã có rất nhiều tiệm sửa xe lớn nhỏ. Điều đáng nói là hàng trăm tiệm này có mối quan hệ anh em, bà con với nhau. Một đối tượng rải đinh là cả làng đồng hương “đinh tặc” được hưởng lợi nên không ai hé miệng tố cáo.

Thấy rải đinh kiếm tiền dễ, nhiều đối tượng đã mở một lúc 4-5 tiệm sửa xe trên quốc lộ giao cho vợ hoặc anh em thân thích trông coi. Hòa có một người thân đồng hương tên Hùng mở đến ba tiệm sửa xe ở khu vực cầu vượt An Sương, Q.12. Theo những đối tượng này, để mở một tiệm sửa xe cần chọn địa điểm tốt, “ngon” nhất là ở các khúc đường chỉ có một tiệm sửa xe ngự trị. Kiếm được chỗ như thế thì tha hồ rải đinh mà “ăn hàng”.

Khách dính phải đinh chỉ có nước vào tiệm vá xe chứ không còn cách nào. Hiện nhiều “đinh tặc” đang săn tìm các mặt bằng mở tiệm sửa xe xa hơn khu vực TP.HCM như tuyến quốc lộ 13 (Bình Dương), quốc lộ 1A đoạn từ Tiền Giang đến Long An và quốc lộ 51 (Đồng Nai), vì các tiệm sửa xe ở khu vực TP.HCM đã quá nhiều.



Toàn xé ruột chiếc xe 51P7-5346, trong khi người khách đang nói chuyện điện thoại - Ảnh chụp từ video clip


Đâm nát ruột, bẻ gãy vỏ xe

“Ăn nên làm ra” nên Toàn, một đồng hương của Hòa, đang đi tìm thêm một mặt bằng nữa để mở tiệm sửa xe cho em trai vào làm. Bà con, anh em dòng họ của Toàn vào đây làm nghề sửa xe rất đông. Tiệm của Toàn tên Văn Minh đề dòng chữ “chuyên sửa xe tay ga - honda”. Toàn làm nghề sửa xe hơn sáu năm. Câu cửa miệng của Toàn là “chỉ cần vá và thay ruột là đủ”. Năm 2005, Toàn vào đây bắt đầu hành nghề sửa xe. Chú của Toàn tên Tới (mở tiệm Tuấn Anh, ở dưới chân cầu vượt Sóng Thần), thuê mặt bằng cho Toàn hành nghề.

Sáng 29-10, một người khách có xe cán phải đinh lủi thủi dẫn xe vào tiệm của Toàn. Chiếc xe Wave màu đỏ biển số 51P7-5346 quặt quẹo lốp. Toàn thoăn thoắt móc ruột ra.

Liếc nhìn thấy khách ngồi dán mắt vào điện thoại, Toàn nhanh tay bơm ruột xe, dồn hơi về một phía rồi móc móng tay xé ruột. Toàn gọi khách: “Thay ruột đi, rách nhiều như thế này sao vá”. Vừa nói Toàn vừa xé dài miếng rách. Khi người khách nhìn thấy thì miếng rách đã thành một đường dài ngoằng, đành đồng ý thay ruột. Chưa dừng lại ở đó, Toàn còn dùng kìm bẻ gãy luôn cả vỏ xe rồi bắt khách thay với giá 230.000 đồng.

Ngày 5-11, Lý (anh trai của Toàn) cũng vừa vá xe vừa đâm nát ruột xe rồi bắt khách thay giá 70.000 đồng. Ngay sau đó, Lý còn “phù phép” thay lốp với giá 280.000 đồng (trong khi giá mua chỉ 130.000 đồng).

Theo Tuổi Trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link