Liệu có bùng nổ một cuộc chiến Iran?

10/01/2012 09:10 GMT+7 | Trong nước

Những căng thẳng gần đây giữa Iran và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, xoay quanh eo biển Hormuz khiến dư luận nghĩ tới khả năng một cuộc chiến có thể xảy ra.

Đầu tháng 11, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra báo cáo về tình hình hạt nhân của Iran trong đó khẳng định Iran đang có những hoạt động nhằm phát triển vũ khí hạt nhân, mặc cho nước này ra sức bác bỏ. Tờ New York Times trích dẫn báo cáo này nói rằng, các thành viên của đoàn công tác của IAEA đã tìm thấy bằng chứng “Iran đã tạo các mô hình trên máy tính về các vụ nổ hạt nhân, đồng thời hoàn thành các nghiên cứu về loại đầu đạn hạt nhân có thể được phóng bởi tên lửa tầm trung”.

Ngay lập tức báo cáo này đã làm dấy lên sự lo ngại trên thế giới. Hãng AP đưa tin, các quan chức ngoại giao và quân sự của các nước Mỹ, Úc, nhiều nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đã nhóm họp tại Ý bàn các biện pháp nhằm trừng phạt Iran, gây sức ép để quốc gia Trung Đông này từ bỏ chương trình hạt nhân. Chính quyền Mỹ sau đó ráo riết chuẩn bị một nghị quyết mới để luật hóa việc trừng phạt Iran cho Quốc hội Mỹ thông qua trước năm mới.

Các nước châu Âu cũng đã đồng ý với Mỹ trên nguyên tắc sẽ áp dụng lệnh trừng phạt đối với Iran từ cuối tháng này.

Căng thẳng leo thang
 



Iran tiến hành cuộc tập trận Velayat 90 trong những ngày cuối năm 2011, đầu năm 2012. Ảnh: Xinhua

Trước thềm năm mới khi cũng chỉ còn vài ngày nữa là quyết định trừng phạt Iran được Mỹ đưa ra, Phó tổng thống Iran Mohammad-Reza Rahini đã tuyên bố Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz. Ông Rahini được tờ New York Times trích lời nói: “Nếu họ (phương Tây) áp đặt lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu dầu của Iran thì một giọt dầu cũng không qua được eo biển Hormuz.”

Rõ ràng mục đích của tuyên bố này là nhằm phản ứng lại trước việc Mỹ chuẩn bị đưa ra lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ đã không chịu lùi bước, lệnh trừng phạt vẫn được thông qua, và sẽ được triển khai ngay trong vòng 60 ngày tới. Lý do theo nhận định của Fox News, các nước phương Tây đã dần mất hết kiên nhẫn với việc thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. Mỹ và các nước phương Tây trong nhiều năm qua đã cực lực lên án việc Iran sử dụng chương trình hạt nhân dân sự nhằm che đậy cho mục đích phát triển vũ khí hạt nhân. Iran bác bỏ những cáo buộc trên và cho rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ để cung cấp điện và sử dụng cho mục đích y tế.

Để tăng cường trọng lượng cho tuyên bố đóng eo biển Hormuz, trong diễn biến mới đây nhất của Iran hôm thứ năm cho biết, Iran đã có kế hoạch diễn tập quân sự mới cũng tại eo biển Hormuz, dù trước đó một cuộc tập trận tương tự đã diễn ra trong vòng 10 ngày và mới kết thúc hôm thứ ba.

Theo AP, để giải thích cho động thái này, hồi tuần trước các quan chức quân sự của Iran nói rằng mục đích của cuộc tập trận, bao gồm cả bắn thử tên lửa loại hải đối hải trên chiến hạm Ghader và hải đối không (surface-to-air) trên chiến hạm Mehrab là để phô diễn khả năng quân sự trong phòng thủ của Iran. Còn cuộc tập trận sắp tới này đơn giản là phần thứ 7 của diễn tập thực hiện hàng năm với tên gọi Nhà Tiên tri vĩ đại.

Các nhà phân tích cho rằng, Tehran đang dùng đến những lá bài cuối cùng nhằm trả đũa lệnh trừng phạt mà phương Tây đang gia tăng đối với nước này. Cựu đại sứ Mỹ tại Marốc, Alan Ginsberg, trong một bài viết đăng tải trên tờ Huffington Post nhận định rằng “Tất cả những hành động quân sự gần đây của Iran chỉ là để tăng thêm trọng lượng cho các tuyên bố đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz.”

Tờ Wall Street Journal thì nhận định, cuộc tập trận Velayat 90 có tính “đe dọa” hơn nhiều so với các cuộc diễn tập trước đó, bởi nó diễn ra ở ngay tại eo biển Hormuz và các khu vực xung quanh. Đồng thời lực lượng thủy quân Vệ binh Cách mạng Iran, đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ bờ biển cũng sẽ tham gia. Lực lượng này có tính cơ động hơn các đơn vị thủy quân bình thường khác của Iran, và thường thiên về các chiến thuật đánh du kích, bao gồm cả việc tấn công chớp nhoáng bằng thuyền, mìn và các tàu chiến có trang bị tên lửa.

Hãng tin Fars của Iran trích lời của chỉ huy lực lượng này, đô đốc Ali Fadavi khi tuyên bố: “Iran có toàn quyền đối với khu vực này cũng như các hoạt động qua eo biển này”. Trước đó đô đốc thủy quân Iran Habibolla Sayyary nói rằng “đóng cửa eo biển là việc rất dễ dàng đối với Iran”.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ New York Times, các quan chức của chính quyền Obama vẫn khẳng định rằng, Mỹ “đã có kế hoạch để giữ cho eo biển này thông thoáng”.

Hôm 6/1, Anh tuyên bố đã gửi thêm chiếc tàu chiến mới nhất HMS Daring, đến vùng Vịnh để bổ sung cho hạm đội đã đóng tại đây trước đe dọa của Iran. Trả lời câu hỏi về những kế hoạch quân sự tiếp theo, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, trong chuyến thăm Washington tuần vừa rồi khẳng định cả Mỹ và Anh đều cố gắng đảm bảo rằng bất kỳ phản ứng nào cũng đều được cân nhắc cẩn thận, dù hai nước này không thể trả lời được liệu phía bên kia có kế hoạch leo thang hay không.

Eo biển Hormuz
 



Bản đồ eo biển Hormuz nối liền vịnh Ba Tư (vùng Vịnh) với vịnh Oman ở phía bắc biển Arab. Đồ họa: AFP

Hormuz là một eo biển nhỏ nằm giữa vịnh Ba Tư và biển Arập. Chiều rộng của Hormuz chỉ khoảng 34 dặm (55 km), nằm ngay gần bờ biển của Iran. Đây là một trong những kênh vận chuyển đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới. Có đến một phần năm lượng dầu tiêu thụ trên thị trường thế giới được vận chuyển qua đây từ vùng vịnh Ba Tư.

Chính bởi vị trí chiến lược như vậy, nên việc đóng cửa eo biển này sẽ có tác động lớn đến kinh tế thế giới cũng như an ninh trong khu vực. Theo các nhà phân tích, nếu Iran đóng cửa eo biển này giá dầu có thể tăng lên đến 150 USD/thùng. Ngay sau khi Iran tuyên bố về khả năng đóng Hormuz, giá dầu trên thế giới đã tăng lên đến hơn 100 USD/thùng. Bản thân Iran cũng là một nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 4 trên thế giới với khoảng 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Việc cắt giảm nguồn cung từ Iran cũng làm ảnh hưởng đến thị trường thế giới.

Mỹ cũng là nước có các chiến hạm đi qua khu vực này trong đó có USS John C. Stennis, một tàu sân bay thuộc Hạm đội số 5, đơn vị hải quân chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực vịnh Ba Tư, biển Đỏ, biển Arab và vùng bờ biển phía Đông Phi cho tới tận Kenya. Việc đóng eo biển này sẽ khiến cho các tàu chiến của Mỹ không còn ra vào được vịnh Ba Tư, nơi có vai trò quan trọng đối với an ninh dầu mỏ của các nước trong khu vực cũng như toàn thế giới. Phản ứng trước tin Iran có thể đóng eo biển Hormuz, người phát ngôn của hạm đội 5 của Mỹ, nói: "Hải quân nước này sẽ giữ sự hiện diện trong khu vực và sẵn sàng đáp trả lại bất cứ hành động xấu xa nào để đảm bảo sự thông thoáng của giao thông đường thủy nơi đây”.

Tuy nhiên đây cũng không phải là lần đầu Iran đe dọa đóng eo biển Hormuz. Năm 2008, Iran cũng đã từng dùng đến con bài này để cảnh cáo Mỹ và Israel nếu hai nước này tấn công Iran.

Ảnh hưởng của lệnh trừng phạt
 


Tổng thống Iran trong chuyến thăm Venezuela. Ảnh: AFP

Lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ áp dụng đối với ngân hàng Trung ương của Iran, theo đó Mỹ sẽ trừng phạt bất cứ công ty nào có giao dịch làm ăn với ngân hàng này. Dù lệnh trừng phạt này miễn trừ đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm, thuốc men hay các mặt hàng nhân đạo khác, nó sẽ là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế của Iran. Ngay sau khi Mỹ tuyên bố lệnh trừng phạt, giá trị đồng Rial của Iran giảm 15%, mặc dù sau đó giá trị đồng Rial đã tăng thêm, nhưng vẫn chưa trở lại được mức trước đó.

Dầu thô chiếm đến 80% nguồn thu từ xuất khẩu của nước này. Hạn chế các giao dịch qua ngân hàng trung ương của Iran cũng đồng nghĩa với việc cô lập về kinh tế đối với quốc gia Trung Đông này. Mặc dù phần lớn lượng dầu của Iran được xuất khẩu sang châu Á, nhưng ngay sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được thông qua, Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận của Mỹ, đã hưởng ứng. Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản tuần trước thông báo rằng họ đang tìm nguồn cung dầu khác bù đắp cho việc cắt giảm nhập khẩu dầu thô từ Iran. Trung Quốc trước đó giảm khoảng 3% lượng dầu nhập từ Iran.

Khó khăn về kinh tế do lệnh trừng phạt gây ra sẽ tăng áp lực lên chính trường đầy chia rẽ của Iran, tăng thêm thách thức cho tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad trước cuộc bầu cử quốc hội nước này sẽ diễn ra vào tháng ba tới. Tổng thống Ahmadinejad đã phải công du sang các nước Mỹ Latin tìm kiếm sự hỗ trợ trước sức ép của các nước trên thế giới. Điểm dừng chân của ông này sẽ là các nước không thân Mỹ như Venezuela, Cuba và Ecuador.

Kịch bản nào?

Liệu Iran có tức giận và đường cùng sẽ chọn một giải pháp tiêu cực hay không? Không ai có thể dám chắc. Hiện tại tất cả vẫn đang còn dừng ở những căng thẳng trong ngôn từ.

Phương Tây vẫn chưa tin rằng Iran có thể đóng eo biển Hormuz, bởi theo đánh giá, tiềm lực quân sự của nước này sẽ không đủ chống đỡ nếu kịch bản này xảy ra và các nước đồng minh buộc phải dùng vũ lực để khai thông tự do hàng hải ở trong vùng. Cũng trong bài viết đăng trên Huffington Post, cựu đại sứ Mỹ tại Marốc, Alan Ginsberg, nhận định rằng nếu trường hợp Iran đi đến một quyết định cực đoan như vậy, một cuộc chiến tại eo biển này tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, theo cựu đại sứ, nếu trường hợp này xảy ra, Israel và Mỹ sẽ tấn công vào các cơ sở khai thác dầu của Iran, bất chấp việc giá dầu thế giới có thể gia tăng. Iran cũng có một vài lựa chọn hạn chế là tấn công vào các bể dầu dự trữ của một bên thứ ba gây ra những thiệt hại đối với nguồn cung dầu trên thế giới.

Dù bất cứ kịch bản nào xảy ra thì hậu quả đầu tiên sẽ là những ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu vốn đã đang phải chống đỡ với những khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính. Một bản tin trên tờ New York Times cho rằng Nhật và Hàn Quốc dù miễn cưỡng hưởng ứng Mỹ, cũng đang kêu ca về những khó khăn cho chính nền kinh tế của họ khi phải chịu ảnh hưởng từ giá dầu tăng và thay đổi nguồn cung. Các nước châu Âu khác đang nhập khẩu dầu từ Iran hay nguồn nhập khẩu được vận chuyển qua eo biển này sẽ vấp phải những vấn đề về cung cấp năng lượng giữa mùa đông giá rét này. Mặt khác các nhà phân tích cũng lo ngại rằng nếu Iran bị dồn vào đường cùng và có những tính toán sai lầm thì đây sẽ là một vấn đề lớn và lâu dài đối với an ninh khu vực và kinh tế toàn cầu.

Theo VnExpress


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link