David De Gea gia nhập Quỷ đỏ: Vinh dự và trách nhiệm

29/06/2011 11:40 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH)- Khi Phil Jones gia nhập M.U, giới chuyên môn chỉ dám kỳ vọng anh sẽ là một Chris Smalling thứ hai. Dù được đánh giá rất cao nhưng Asley Young sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Nani và Valencia. Còn mảnh ghép thứ ba David De Gea? Anh mặc nhiên được xem là người kế tục số một của Erwin van der Sar trong khung gỗ của M.U.

Không phải Chelsea hay Man City, chính M.U mới là đội bóng chi tiêu mạnh tay nhất tính cho đến thời điểm này của thị trường chuyển nhượng. Với bản hợp đồng trị giá 18 triệu bảng (có nguồn tin nói là 20) và có thời hạn 5 năm mang tên De Gea, Sir Alex đã chi hơn 50 triệu bảng để tậu ba tân binh chất lượng cho mùa giải mới, phá kỷ lục 44 triệu bảng ở hè 2007 (với 3 cầu thủ Nani, Anderson, Hargreaves). Và chắc chắn M.U chưa dừng lại, bởi họ còn đang ngắm nghía một tiền vệ kiến tạo chất lượng nữa để lấp vào khoảng trống mà lão tướng Paul Scholes để lại. Sneijder đã được nhắc đến từ khá lâu, nhưng các phương án có vẻ khả thi hơn là Samir Nasri hay Thiago Alcantara.

De Gea được xem là người kế tục số một của Erwin van der Sar- Ảnh Getty

Với 18 triệu bảng, De Gea đã trở thành thủ môn đắt giá nhất trong lịch sử Premier League, gần gấp đôi so với kỷ lục cũ của Craig Gordon. Con số ấy chưa thể sánh với kỷ lục thế giới của Gianluigi Buffon cách đây hơn một thập kỷ (23,3 triệu bảng, từ Parma sang Juve), nhưng quá đủ để minh chứng độ "hot" của chàng trai trẻ này. Trở về từ Đan Mạch với vị thế của một nhà vô địch châu Âu ở lứa tuổi U21, De Gea đã có một màn PR tên tuổi không thể tốt hơn. Anh xứng đáng được coi là người kế tục của van der Sar, không chỉ vì những nét tương đồng về ngoại hình. 

Và dĩ nhiên, M.U không bỏ ra chừng ấy tiền chỉ để sắm một thủ môn dự bị. Ở Old Trafford, De Gea sẽ nghiễm nhiên được giao vị trí số một trong khung thành. Tomasz Kuszsczak chuẩn bị sang Leeds để thoát kiếp dự bị. Lindegaard, người mới thi đấu vỏn vẹn 2 trận cho M.U ở mùa giải trước, rất khó có cơ hội bắt chính, trong khi Ben Amos có thể được đem cho mượn để tích lũy kinh nghiệm. Và các manucian đang rất hồi hộp chờ đợi màn ra mắt của De Gea, người có ngoại hình và phong cách bắt bóng rất giống với đàn anh van der Sar: sử dụng chân tốt, đầy tự tin trong những pha đối mặt, và rất giỏi cản phá phạt đền.

Do vừa phải thi đấu VCK U21 châu Âu ở Đan Mạch trở về, nên De Gea sẽ được ưu tiên tập trung muộn hơn so với những đồng đội mới. Sang tuần tới, M.U sẽ có những buổi tập đầu tiên sau kỳ nghỉ hè, còn tân binh người Tây Ban Nha chỉ hội quân vào giữa tháng Bảy, khi M.U du đấu trên đất Mỹ.

Trẻ có phải lợi thế?

Ashley Young mới 25 tuổi, Phil Jones kém Rio Ferdinand hơn một giáp, còn De Gea thậm chí còn đáng tuổi... con cháu của van der Sar. Rõ ràng những bản hợp đồng mới của M.U đều phục vụ cho mục tiêu trẻ hóa. Liệu Sir Alex có thành công với thế hệ 9X của mình. Với Smalling, Chicharito và anh em nhà Silva, câu trả lời là có, và người ta đang mong chờ điều tương tự với Phil Jones và De Gea.

Người ta so sánh De Gea với van der Sar, nhưng thực tế hoàn cảnh của họ không hề giống nhau. Thủ thành người  Hà Lan đến sân Old Trafford ở tuổi 34, với một kho kinh nghiệm chinh chiến, từ cấp độ CLB cho đến ĐTQG. Đến tháng 11 này, De Gea mới kỷ niệm sinh nhật thứ 21. Anh mới có hai mùa giải bắt cho Atletico, và thậm chí còn chưa hề khoác áo ĐT Tây Ban Nha (chỉ mới được triệu tập vào danh sách sơ bộ). Trước khi bắt cho M.U, van der Sar đã rất quen thuộc với bóng đá xứ sương mù, sau khi có 4 mùa giải thi đấu thành công với Fulham. Còn với De Gea, đây mới là lần đầu tiên xuất ngoại. Việc từ bỏ ánh nắng ấm áp của Nam Âu để đến với cái lạnh lẽo miền Tây Bắc nước Anh là hoàn toàn không dễ dàng.

Và còn một thách thức lớn hơn cả: Liệu De Gea có vượt qua được chính mình hay không. Đối với một cầu thủ trẻ như anh, thành công quá sớm hoàn toàn có thể trở thành một con dao hai lưỡi. Năm 2005, van der Sar tới Old Trafford với giá vỏn vẹn 2 triệu bảng, và chẳng hề chịu áp lực nào cả. De Gea, người mới ở tuổi đôi mươi song sẽ phải đối mặt với sức ép rất lớn vì số tiền 18 triệu bảng. Để chứng tỏ giá trị của mình, anh sẽ phải vượt qua cái bóng quá lớn của đàn anh người Hà Lan.

Tuấn Cương


David De Gea

1990: Sinh ngày 7/11 tại Madrid

2007: Vô địch U17 châu Âu, á quân U17 thế giới

2008: Thi đấu cho đội dự bị Atletico Madrid tại Segunda B

2009: Ra mắt đội một Atletico trong trận gặp Porto, thay Roberto. Sau đó ra mắt La Liga khi đẩy một quả phạt đền ở trận đấu với Real Zaragoza.

2010: Cuối mùa giải 2009-10, chiếm vị trí chính thức tại Atletico. Vô địch Europa League sau chiến thắng trước Fulham. Được gọi vào danh sách sơ bộ dự World Cup 2010 nhưng sau đó bị loại. Đẩy một quả phạt đền giúp Atletico hạ Milan và giành Siêu cúp châu Âu.

2011: Vô địch U21 châu Âu cùng ĐT Tây Ban Nha, sau chiến thắng 2-0 trước Thụy Sĩ. Ký hợp đồng 5 năm với M.U với số tiền chuyển nhượng nên đến 18 triệu bảng, lập kỷ lục thủ môn đắt giá nhất xứ sương mù.

De Gea suýt về... Wigan

Tất nhiên không phải bây giờ, mà là hai năm trước, khi anh mới chỉ là một tiềm năng, chứ chưa tạo dừng được tên tuổi như bây giờ. Theo tiết lộ của HLV Roberto Martinez thì suýt chút nữa thì ông đã có được sự phục vụ của tài năng trẻ đồng hương. Hè 2009, Martinez đã xoa tay hoan hỉ sau khi được Atletico đồng ý cho mượn De Gea trong hai mùa giải. Tuy nhiên, đúng 11 tiếng trước khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa thì đội bóng TBN đã thay đổi, với lý do cần người bởi cả hai thủ môn số một và số hai đều dính chấn thương. "Thật không may là bản hợp đồng ấy lại không trở thành hiện thực vào phút chót. Vấn đề không phải ở chỗ chúng tôi, Atletico Madrid muốn anh ấy ở lại, và họ đã đúng", Martinez tiếc rẻ.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link