“Còi vàng” Dương Văn Hiền: Tôi cấm con trai làm nghề trọng tài

15/07/2010 13:59 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Khi trái bóng Jabulani ngừng lăn, cũng là lúc  V-League trở lại vòng quay thường lệ. Hơn ai hết, những nhà làm giải đang lo ngay ngáy với “cơn bão tiêu cực” vốn thường đổ bộ vào cuối mùa. Dĩ nhiên, trọng tài luôn là đề tài nhạy cảm và nhức nhối . TT&VH đã có cuộc trao đổi với cựu trọng tài Dương Văn Hiền về những điểm nóng V-League và cuộc sống sau khi giải nghệ.

* Trọng tài không phải là… cỗ máy

* Thưa ông, dưới con mắt của một Giám sát trọng tài, cho đến vòng 18 V-League, ông thấy công tác trọng tài như thế nào?

-Đánh giá công tác trọng tài là nhiệm vụ dành cho những người có chuyên môn và điều hành cao nhất. Cá nhân mà nói, với tư cách là người từng trong nghề thì tôi cho rằng, mỗi năm có một đặc điểm, nhưng rõ ràng lực lượng trọng tài chúng ta đang đã và đang cố gắng làm hết mình để công tác điều hành các trận đấu được diễn ra trọn vẹn

* Nhưng người ta nói rằng: “Đội ngũ trọng tài kế cận,cũng như những trọng tài trẻ hiện nay chưa có mấy ai có “tầm” và bản lĩnh cầm còi tốt như ông…”


- Tôi không cho là vậy, trọng tài Việt Nam vẫn có nhiều người giỏi. Cho đến thời điểm này, tôi đánh giá cao sự tiến bộ của các trọng tài trẻ. Dĩ nhiên, phải thừa nhận, họ cũng có một vài sai sót, nhưng tất cả đang đi đúng hướng.



Trọng tài Dương Văn Hiền đã 3 lần liên tiếp giành danh hiệu Còi vàng

* Không phải vô cớ nhiều đội bóng phải “gào” lên vì những “ông vua áo đen”. Rõ ràng, chuyên môn cùng như những vấn đề liên quan của trọng tài đang không ổn?

- Tôi từng nói rằng trọng tài ở Việt Nam có những cái khổ của riêng mình, có những điều khác với trọng tài thế giới. Anh thấy đấy, ở World Cup vừa rồi nhiều trọng tài FIFA phải xách vali về nước sớm vì những sai sót chết người. Thế nhưng, cũng phải thông cảm vì họ đều là con người chứ không phải cỗ máy được lập trình.


Tôi nói thật, ở Việt Nam, mấy ông thổi như vậy chắc sống không nổi. Thực tế cho thấy, chỉ có những người có kinh nghiệm, bản lĩnh mới vượt qua được sau mỗi lần vấp ngã. Còn trọng tài trẻ ở ta, đôi khi chỉ cần một cú “sốc” thôi cũng đủ để đánh gục, làm họ không gượng dậy nổi.


* Nói như thế có “tát nước theo mưa” không, thưa ông?


- Không, tôi không lấy đó làm cái cớ, tôi không vin vào lí do trọng tài FIFA giỏi mà vẫn mắc lỗi để bào chữa cho cái sai, để biện hộ cho những sự non kém ở ta. Điều mà tôi muốn nói ở đây là qua cái sai đó, chúng ta nhìn, biết được lí do, vì sao lại sai, để rút ra những bài học trong cách xử lí tình huống, cách di chuyển…để không lặp lại những sai lầm của người khác, đó mới là cái tâm, sự kính trọng nghề nghiệp của những người làm trọng tài.


Chơi “dây”, ai mà không có…


* Người ta đang lo ngáy ngáy sau World Cup “bão tiêu cực” sẽ đổ bộ vào những vòng cuối cùng của V-League. Chuyện “bắn thủng” trọng tài vẫn là câu chuyện thời sự còn nóng hổi. Theo ông, cần phải làm để hạn chế điều này?


- Tôi không tin có chuyện tiêu cực trong giới trọng tài. Còn nếu các đội, các cầu thủ móc nối, đi đêm với nhau thì chúng tôi có biết cũng chẳng ngăn chặn được Trên sân, chúng tôi chỉ làm tròn thiên chức của người “cầm cân nẩy mực”, cứ ra sân thổi đúng người đúng tội, vậy thôi.


* Không đơn giản, bởi bây giờ người nói rằng, trọng tài cũng cần có “dây”, chuyên môn giỏi chưa đủ, mà còn phải biết khéo trong hậu trường. Thì đấy chuyện bầu chọn Còi vàng, Cờ vàng… cũng làm người ta xầm xì đấy thôi.


-Tôi hiểu ý anh, nhưng nói thật, trong cuộc sống, con người có dây nọ dây kia là chuyện bình thường, nói gì đến trọng tài. “Dây” mà con người có được là nhờ người ta sống bằng cái “tâm” của mình, làm sao để mọi người yêu quý, thương mình. Tôi lấy ví dụ: nếu tôi và bạn cùng làm một công ty, có năng lực chuyên môn ngang nhau. Nhưng tôi được mọi người quý trọng. Tôi tin chắc khi cân nhắc lên làm lãnh đạo, tôi sẽ được mọi người lưu tâm, cân nhắc hơn. Trọng tài nôm na cũng như thế. Tôi may mắn được đồng nghiệp thương nên có được những danh hiệu cao quý như ngày hôm nay.


Tôi “cấm” con tôi làm trọng tài


* Bây giờ ông đã treo còi đi làm Giám sát, cuộc sống của Còi vàng hẳn có nhiều đổi thay?


- Bây giờ, một tuần dạy 2 buổi (TT Dương Văn Hiền hiện đang là giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM). Ngoài giờ rảnh rang thì coi sóc, chăm nom cái sân bóng giúp bà xã. Đôi khi thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng, không giống như những áp lực khủng khiếp như thời gian cầm còi nữa.


* Hỏi thật nhé, có một tích tắc nào, ông có hối hận về chuyện treo còi không?. Giả sử thôi nhé, lỡ một mai V-League lại “cầu” ông cầm còi trở lại, ông sẽ cân nhắc?


- Tôi không hối hận, bởi những danh vọng trong sự nghiệp (3 lần được bầu làm Còi vàng) tôi đã có. Đó là một sự may mắn không phải ai muốn cũng có được. Còn chuyện cầm còn trở lại chắc là không.


* Ông có 2 con trai, nghe nói cậu út “mê” nghề của cha nó lắm, ông có định cho quý tử nhà mình theo nghiệp của cha không?


- Trọng tài là nghề bạc bẽo. Cháu chỉ nhìn và được nghe những thứ màu hồng, trên báo, trên truyền hình...Mỗi khi ở bên con, tôi cũng chỉ kể cho cháu nghe những điều tốt đẹp, chứ chưa nói về những góc khuất của nghề cha nó đã và đang làm.


Nó đam mê thật, nhưng tôi sẽ không cho nó đi theo con đường mà tôi đã đi, bởi có quá nhiều sức ép, cám dỗ… những điều không hẳn, con trai tôi sẽ bước qua được như ba nó.


* Xin cám ơn, chúc ông và gia đình nhiều sức khỏe và may mắn!


ĐAM SAN  - thực hiện

Có nhiều kỉ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp 23 làm nghề của tôi. Tuy nhiên, kỷ niệm mà tôi thấy cay đắng, hãi hùng nhất chính là trận đấu mà H.Thanh Hóa đã thua 1-2 trước TCDK.SLNA trên sân Thanh Hóa (vòng 20, V-League 2007, ngày 13/8/2007). Một trận đấu mà tôi đã bắt tốt, nhưng người ta cứ trút lên đầu trọng tài tất cả những cái sai, những tội lỗi. Họ đã đổ thêm dầu vào lửa, cho những người quá khích nổi loạn, và cuối cùng máu đã đổ trên sân, lẫn ngoài sân cỏ, có cả cảnh truy sát, cứ diễn ra như phim xã hội đen của Hong Kong…


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link