Canh nông vi bản

19/11/2010 13:53 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hai thế kỷ trước, trong Thái bình thập sách (10 kế sách để giữ nước thái bình), danh thần Nguyễn Công Trứ đã đề cập đến vấn đề phát triển nông nghiệp, phục hưng nền kinh tế. Trong 10 kế sách, thì kế sách hàng đầu theo ông là: “Muốn an định xã hội, đưa đời sống nhân dân lên một hoàn cảnh tốt đẹp hơn thì phải phát triển nghề nông, lấy nông nghiệp làm căn bản” (Canh nông vi bản).

Nguyễn Công Trứ làm quan, không ngồi trong phủ, ông đi kinh lý khắp vùng bãi bồi duyên hải, vẽ sơ đồ, phát trâu bò, nông cụ, xây dựng sách lược kêu gọi nông dân khẩn hoang. Ông chiêu mộ dân tình, đắp đê lấn biển lập ấp, khai sinh ra hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Đền thờ ông như thành hoàng làng vẫn còn ở đó.

Trước đấy, cách đây 3 thế kỷ, thoại hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người “mang gươm đi mở cõi” đất phương Nam, khi trở thành Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai, Nguyễn Hữu Cảnh đã ngược dòng Đồng Nai đến đóng đại bản doanh ở Cù lao Phố. Thuở ấy phương Nam toàn là sông rạch chằng chịt, rừng núi âm u, hùm beo, trăn rắn, ác ngư đầy rẫy... Ông đưa ra nhiều kế sách khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương, lập phủ Gia Định... Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng Đồng Nai - Bến Nghé đã nhanh chóng trở nên trù phú, rộng lớn. Sự trù phú sinh sôi ấy, tất cả đều dựa vào bờ xôi ruộng mật, dựa vào mưa nắng của người nông dân tay “lấm chân bùn”.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Nỗ lực của các bậc tiền nhân đều hòng đưa Việt Nam lớn mạnh dựa trên thực túc binh cường. Sự lớn mạnh của đất nước trước nay đều giữ gốc canh nông vi bản. Dựa vào lương thực để phát triển vững bền. Chỉ cách đây vài ngày, tại Hội nghị lúa gạo Thế giới lần thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, bảo đảm an ninh lương thực không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế hay nhân đạo mà còn góp phần tích cực vào ổn định chính trị xã hội của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới.

Đến nay, hàng trăm năm sau, về thực phẩm, lúa gạo, rau củ, quả thì chúng ta luôn tự hào là một trong những nước đứng đầu thế giới. Ăn không hết còn xuất khẩu lớn. Nhưng hẳn những bậc tiền nhân mở đất sẽ sửng sốt khi hôm nay, con cháu họ đang nhập hàng nghìn tấn cọng hành, củ tỏi, mớ rau... từ nước láng giềng.

Ví dụ như số liệu của riêng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cũng đã thấy sơ sơ rằng chỉ 10 tháng năm nay, có khoảng 21.300 tấn cà rốt từ Trung Quốc được nhập về. Đến như hành mà cũng tăng vọt từ 947 tấn (trong 5 tháng đầu năm) lên đến 8.350 tấn; các loại nấm từ 887 tấn vọt lên gần 7.740 tấn. Tất nhiên còn vô số các loại nông sản khác như bắp cải, cải thảo, xà lách...

Người nông dân chỉ còn biết sửng sốt đứng nhìn mà không hiểu vì sao, nông sản của nước láng giềng ấy sao “rẻ thế”. Giá chỉ bằng phân nửa so với những thứ họ làm ra. Giữa lúc giá hàng hóa trong nước leo cao thế này, nếu là bà nội trợ, ra chợ dù muốn hay không cũng rất dễ xiêu lòng với mức giá ấy. Dù chưa biết chất lượng thế nào, hàm lượng chất độc hại ra sao. Và thứ thực phẩm ấy đang len lỏi vào từng ngõ ngách đời sống người dân, nhất là người nghèo và công nhân. Chỉ tội người nông dân một nắng hai sương.

Tết Nguyên đán cũng đã cận kề, nhu cầu thực phẩm trong cả nước sẽ tăng cao nhất trong năm. Miền Trung lại đang xảy ra trận lũ lớn, nhiều nơi chưa thể khôi phục sản xuất. Có cầu ắt có cung, rau củ nước láng giềng ấy đang tận dụng tối đa cơ hội để hoành hành. Liệu sẽ có nhiều người hơn phải ăn cái Tết mà từ cọng hành, mớ rau cũng của ngoại ấy không?

Và trong lễ cúng tổ tiên, ông bà, các bậc tiền nhân Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Công Trứ... điều ấy thật đau lòng và hổ thẹn.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link