AFF Cup: Cơ sở của niềm tin

05/12/2014 16:22 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Những gì đã thể hiện ở vòng bảng, đặc biệt là màn trình diễn trong trận đấu quyết định với Phillippines là cơ sở cho niềm tin của người hâm mộ vào đội tuyển Việt Nam hồi sinh trở lại. Nhà báo Hồng Ngọc trò chuyện cùng Cà phê thể thao tuần này.

Cà phê thể thao: Màn trình diễn ở vòng bảng AFF Cup 2014 của đội tuyển Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ và giới chuyên môn. Anh có hài lòng với những gì đội tuyển đã thể hiện không, anh Hồng Ngọc?

Hồng Ngọc: Tôi hài lòng… hai phần ba. Xét về trận đấu thì trận đầu tốt về tổng thể nhưng bị che lấp bởi các sai sót cá nhân ấu trĩ trong phòng ngự; trận thứ hai thì quá tệ, chỉ có kết quả là tạm chấp nhận được; trận thứ ba thì rõ ràng là đỉnh cao của đội tuyển tại vòng bảng, và có lẽ tất cả tinh hoa của ĐTVN hiện nay đã được bộc lộ. Như vậy là chúng ta còn thiếu sự ổn định.

Xét về từng khía cạnh chuyên môn thì ĐTVN ở vòng bảng được tổ chức rất tốt, với việc giữ liên lạc giữa các tuyến, hỗ trợ nhau trong tấn công và phòng ngự tốt, tổ chức tranh chấp, gây sức ép tốt ở giữa sân. Các đối thủ ở vòng bảng không có cơ hội ghi bàn đáng kể. 2 bàn thua trước Indonesia đều là những sai sót cá nhân rất đáng tiếc, bàn thua trước Phillippines theo tôi là do thủ môn thiếu kinh nghiệm. Thể lực cũng rất ấn tượng, chúng ta giữ được tốc độ chơi bóng và khả năng tranh chấp đến những phút cuối cùng của trận đấu. Nhưng tôi không đánh giá cao sự nhuần nhuyễn trong các pha phối hợp, cũng như các phương án tiếp cận khung thành của đội tuyển Việt Nam. Qúa nhiều đường bóng bổng mà không phải từ các pha xuống biên. Các bàn thắng của chúng ta phần nhiều đến từ sai lầm của đối phương hoặc các pha xử lý cá nhân xuất thần.



Đội tuyển Việt Nam (phải) thi đấu khởi sắc tại AFF Cup 2014. Ảnh: Thanh Hà

Anh có khó tính quá không? Những pha bóng bổng trong trận đấu với Indonesia được coi là “lấy độc trị độc”?

Ca ngợi việc lấy sở đoản của mình để đấu với sở trường của đối phương là điều hài hước. Nó chỉ thể hiện việc chúng ta không có phương án tiếp cận khung thành đối phương, nên đành phải làm cái việc dễ làm nhất là thực hiện các đường chuyền dài từ dưới lên, và cầu nguyện cho đối phương gặp “tai nạn”. Bàn mở tỷ số trước Indonesia là một tai nạn của họ như vậy, khi đối phương phá bóng như chuyền trong vòng cấm. Tôi đánh giá cao cách tạo ra bàn thắng thứ hai hơn: một pha đột phá cá nhân của Văn Quyết, phối hợp với tiền đạo đá cặp là Công Vinh, và kết thúc bằng một cú sút không thể cản phá của chân sút gốc Nghệ, cho dù cũng có “tai nạn” của đối phương khi phá bóng tới chân người sút. Nhưng đó là sai lầm mà chúng ta buộc họ phải mắc phải, chứ không phải là sai lầm mà họ tự dâng lên như trong bàn thắng thứ nhất.

Chiến thắng trước Indonesia không phải đến từ các pha bóng bổng, mà thực chất là đến từ khả năng nắm giữ thế trận, gây sức ép suốt cả trận đấu của ĐTVN, và trong điều kiện đó thì đối phương khó tránh khỏi sai lầm.

Trận đấu với Phillippines cũng tương tự, chúng ta kiểm soát suốt 90 phút, khiến đối phương cứ nối tiếp sai lầm. Đầu tiên là phản xạ quá kém của thủ môn đội bạn trong bàn thắng thứ nhất. Tiếp đến là hậu vệ đối phương để Minh Tuấn qua người quá dễ dàng trong bàn thắng thứ hai. Bàn còn lại là cú sút xa xuất thần của Thành Lương.

Vậy là chúng ta đã thắng theo một cách đối phương không thể ngăn cản khi áp đảo thế trận và buộc họ phạm sai lầm. Anh còn muốn gì hơn nữa?

Thắng bằng cách áp đảo đối phương suốt cả trận đấu luôn là điều mơ ước, dù bàn thắng đến theo cách nào. Nhưng điều đó chỉ có khi đội bóng vượt trội đối thủ. Tôi không mong đợi chúng ta vượt trội theo cách tương tự trước Malaysia và nhất là Thái Lan. Nên để tiến xa, một đội bóng phải biết cách giành chiến thắng ngay cả khi không áp đảo, bằng cách tạo ra những tình huống quyết định dựa trên sự nhuần nhuyễn, sắc bén, hoặc bất ngờ. Những điều này dường như chúng ta còn thiếu.

Vậy điều gì khiến ĐTVN nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả đến vậy tại sân Mỹ Đình, và niềm tin của người hâm mộ cả nước, dù trước giải đấu chúng ta bi quan về điều đó?

Hai yếu tố cơ bản là tinh thần và một thứ bóng đá có màu sắc hiện đại. Dường như “hiệu ứng U19” đã có tác dụng kích thích tinh thần thi đấu của các tuyển thủ quốc gia. Đội bóng cũng chơi một thứ bóng đá có tổ chức, tốc độ cao mà chúng ta thường thấy ở giải Ngoại hạng Anh. Hiệu ứng U19 cộng với việc HLV trưởng là người Nhật Bản cũng mang đến cho đội tuyển một thứ bóng đá tử tế hơn, dù đôi lúc vẫn còn những động tác thừa khi vào bóng, là “tàn dư” của thứ bóng đá xấu xí, triệt hạ nhau phổ biến ở V-League.

Những điều đó đủ cho anh có niềm tin vào việc đội tuyển có thể vượt qua được Malaysia ở bán kết, nhất là khi chúng ta mới thắng họ trong trận đấu giao hữu trước thềm AFF Cup?

Trong những năm gần đây, Malaysia luôn trội hơn chúng ta về việc tổ chức trận đấu, và sức mạnh trong các pha tranh chấp. Với những gì mà ĐTVN đã bộc lộ ở vòng bảng, thì khả năng tổ chức của chúng ta hoàn toàn không thua kém họ. Sức mạnh của cầu thủ Việt Nam cũng không còn tệ nữa, dù chúng ta phải tránh đua tranh về sức mạnh với họ trong những khoảng không gian lớn. Nhưng chúng ta có thế mạnh ở sự khéo léo và linh hoạt, dù tính thực dụng trong các pha bóng quyết định thì còn phải học người Mã.

Nếu duy trì được thể lực và tổ chức trận đấu như trong hai trận đấu quyết định ở vòng bảng, và hạn chế được những sai lầm cá nhân ở hàng thủ, triển vọng thắng Malaysia ở bán kết là sáng sủa.

HLV Toshiya Miura đang được ca ngợi như chìa khóa thành công của ĐTVN, anh có chia sẻ với cách nhìn nhận này không?

Tôi vẫn tin rằng đội tuyển Việt Nam cần một HLV ngoại để… có tinh thần dân tộc, và sau đó là các phương pháp làm việc hiện đại. Miura là một HLV như vậy. Công việc của một HLV về cơ bản là chuẩn bị thể lực, tổ chức đội bóng và xây dựng lối chơi, chuẩn bị tâm lý, và với nhiều HLV còn là lên phương án chiến thuật cụ thể cho từng trận đấu. Trong hầu hết các phần việc, HLV Miura đều đang làm tốt, ngoại trừ sự nhuần nhuyễn trong lối chơi, và các phương án tiếp cận khung thành. Nhưng đó thường là việc sau cùng, và cần có thêm thời gian.

Tôi đánh giá cao HLV Miura trong việc xử lý các vấn đề về con người. Công Vinh là tiền đạo số 1, nhưng đang gặp vấn đề về phong độ, và thường tự đặt cho bản thân sức ép quá lớn, và ông đã giúp giải tỏa sức ép ấy bằng việc cho anh ngồi dự bị ở trận mở màn. Thủ môn Nguyên Mạnh và trung vệ Tiến Thành mắc sai lầm ấu trĩ trong trận mở màn, nhưng ông đều trao cho họ cơ hội kế tiếp và cả hai đều thể hiện mình xứng đáng được trao cơ hội ấy. Nếu thiếu sự nhân văn và điềm tĩnh, có thể cả hai đang ngồi ghế dự bị và tự dằn vặt về sai lầm đó, còn đội tuyển thì đang loay hoay sửa sai lầm đó bằng… các sai lầm khác.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link