20/03/2015 09:29 GMT+7 | Trong nước
Trong một thông điệp được ghi âm và đăng tải trên Internet, IS tuyên bố hai phần tử vũ trang hạng nặng của nhóm này đã tấn công Bảo tàng Bardo bằng vũ khí tự động và lựu đạn, đồng thời đe dọa sẽ tiến hành thêm các vụ tấn công khác.
Đoạn ghi âm được đưa ra trong bối cảnh gia tăng quan ngại rằng các tay súng Tunisia ở nước ngoài sẽ trở lại tấn công Tunisia. Theo nhà chức trách, khoảng 3.000 công dân Tunisia đã tham gia các nhóm thánh chiến tại Iraq, Syria và Libya, trong đó có IS.
Cùng ngày, Thủ tướng Tunisia Habib Essid thông báo 2 tay súng bị tiêu diệt trong vụ khủng bố ngày 18/3 đã được xác định là Yassine Abidi và Hatem Khachnaoui, có thể là người Tunisia, trong đó Abidi từng có tiền án, tiền sự. Hai phần tử trên đều từng tham gia huấn luyện tại một trại thánh chiến ở Libya từ tháng 9/2014.
Ngoài ra, theo thông báo của Phủ Tổng thống Tunisia, 4 đối tượng liên quan trực tiếp tới vụ khủng bố và 5 đối tượng bị tình nghi có liên hệ với các thủ phạm cũng đã bị bắt giữ.
Trước đó ngày 18/3, hai phần tử tấn công mặc quân trang Tunisia đã xả súng vào khách tham quan khi họ vừa xuống xe buýt ở bên ngoài bảo tàng Bardo, ngay sát tòa nhà Quốc hội nước này, sau đó bắt giữ nhiều con tin và cố thủ khi bị lực lượng an ninh bủa vây. Vài tiếng sau, cảnh sát đã quyết định tấn công vào bảo tàng, tiêu diệt 2 kẻ khủng bố và giải cứu toàn bộ con tin.
Tổng số nạn nhân thiệt mạng là 17 người, trong đó có 5 du khách Nhật Bản, 4 công dân Italy, 2 người Colombia. Các nước Australia, Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha đều có 1 công dân thiệt mạng trong vụ tấn công. Hai nạn nhân còn lại là công dân Tunisia, trong đó một người là cảnh sát.
Người dân Tunisia cũng như cộng đồng quốc tế đã tiếp tục lên án vụ khủng bố đẫm máu trên. Ngày 19/3, khoảng 200 người biểu tình đã tập trung bên ngoài bảo tàng Bardo, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân và hô vang khẩu hiệu phản đối chủ nghĩa khủng bố.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Nkosazana Dlamini-Zuma ra tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ vụ tấn công và khẳng định sự đoàn kết của AU với Tunisia. Theo bà Dlamini-Zuma, vụ việc đã một lần nữa hối thúc các quốc gia châu Phi tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và bạo lực cực đoan.
Qua cuộc điện đàm ngày 19/3 với Tổng thống Tunisia, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân trong vụ tấn công, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Tunisia trong chống khủng bố và đối phó với các vấn đề an ninh lớn hơn nữa.
Trả lời phỏng vấn tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu rõ nước này "không bao giờ tha thứ cho chủ nghĩa khủng bố" và sẽ dốc toàn lực hợp tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố. Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida xác nhận có 3 công dân nước này thiệt mạng trong vụ tấn công bảo tàng Bardo.
Bộ trưởng Ngoại giao Italy Paolo Gentiloni ngày 19/3 nhấn mạnh vụ tấn công "gây đau đớn tột cùng cho Italy cũng như các quốc gia khác có công dân thiệt mạng", kêu gọi nước này tăng cường an ninh trước mối đe dọa khủng bố vốn đã lần lượt nhằm vào Pháp, Bỉ và Tunisia trong thời gian qua.
Báo chí Italy cùng ngày cũng đã dành thời lượng lớn để đưa tin về 4 người nước này bị sát hại tại bảo tàng Bardo cũng như tường thuật lời kể của các du khách sống sót.
Cũng trong ngày 19/3, các cơ quan Chính phủ Ba Lan đều treo cờ rủ để tưởng niệm hai công dân thiệt mạng trong vụ việc trên. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Grzegorz Schetyna cho biết còn 1 công dân nước này mất tích và 10 người bị thương phải nhập viện tại Tunisia. Ba Lan đã cử một số bác sĩ và quan chức ngoại giao sang hỗ trợ Tunisia cũng như đưa công dân bị thương về nước.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất