12/07/2017 07:23 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Không hẹn mà gặp, hai trong số những cuốn sách gần nhất về việc chống xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam đều có xu hướng đề cập nhiều tới vai trò của người cha.
1.Người cha, chứ không phải người mẹ. Theo nhận định của những người làm sách, với thực tế xã hội Việt Nam, dường như những ông bố vẫn ít nhiều có phần… vô tâm trước nạn ấu dâm.
Sự vô tâm ấy không hẳn là những chuyện nhỏ (mà không nhỏ) theo kiểu bỏ con một mình với người lạ, hoặc hồn nhiên vạch quần cho con… đi tè giữa đường phố đông người. Đôi khi, đó chỉ là những mặc định trong suy nghĩ, theo quán tính từng có của cách suy nghĩ cũ, ở việc “khoán” phần giáo dục giới tính cho con về phía người mẹ - hoặc ngần ngại khi trò chuyện, trao đổi với con về những vấn đề như thế.
Bởi thế, đầu tháng 6 vừa qua, tại phố sách Hà Nội, nhóm Sách giáo dục ETS của Alpha Books đưa ra hẳn một slogan “Trách nhiệm của cha - đẩy xa lạm dụng” trong buổi ra mắt cuốn sách Tôn trọng cơ thể mình.
Tôn trọng cơ thể mình là cuốn sách được biên dịch từ nguyên bản của Catherine Dolto, bác sĩ tâm lý người Pháp, có tính chất như một cuốn cẩm nang giúp trẻ em tự bảo vệ trước nạn ấu dâm. Chưa đủ, kèm theo cuốn sách là dự án Ba kể con nghe (do ETS phối hợp với tổ chức CSAGA triển khai), với mục đích tổ chức gây quỹ nhằm phát miễn phí đủ 5 triệu bản sách này tới tay trẻ em, mà trước mắt là trẻ em vùng cao.
“Chúng tôi đặc biệt đề cao vai trò của người cha trong việc bảo vệ con mình khỏi nạn xâm hại tình dục” - chị Hoàng Thị Phượng, trưởng nhóm ETS chia sẻ với Thể thao &Văn hóa (TTXVN) - “ Đã đến lúc, những người cha cần xốc vác hơn và cùng hành động, chung sức với toàn xã hội để đẩy lùi vấn nạn ấy”.
Khá trùng hợp, cũng tại phố sách Hà Nội mươi ngày trước đó, 30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại một cuốn sách với nội dung tương tự đã được giới thiệu. Điều khác biệt: đây là một cuốn cẩm nang “thuần Việt”, được viết bởi tác giả Hoàng Anh Tú.
Hoàng Anh Tú, trong những lần chia sẻ trước đó, cũng nhắc nhiều tới sự vô tâm của những… ông bố Việt Nam. Điểm lại những nghi án ấu dâm liên tục được dư luận nhắc tới, tác giả này so sánh: “Tôi thấy trong những quán bia, các ông bố vẫn rôm rả nói với nhau về 3 vụ án thay vì trở về nhà sớm hơn cùng vợ mình chăm sóc con. Tôi thấy nhiều ông bố quá siêu khi tìm ra Facebook của thủ phạm, thay vì với thời gian đó, tài năng đó, họ tìm kiếm những thông tin về kỹ năng, kinh nghiệm giúp con phòng tránh bị xâm hại tình dục…”.
2. Những cuốn cẩm nang trên được viết để trẻ em đọc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua sự hướng dẫn của phụ huynh. Bởi thế, không có gì khó hiểu khi những nội dung chuyển tải được thể hiện khá mạch lạc, ngắn gọn và thường xuyên có hình minh họa xen kẽ.
“Sự thẳng thắn ở những dòng chữ trong sách sẽ giúp phụ huynh, nhất là các ông bố, cũng có sự thẳng thắn tương tự khi chia sẻ vấn đề giới tính với con mình” - chị Phượng cho biết. “Có những phụ huynh thổ lộ rằng ban đầu từng băn khoăn nghĩ tới việc thay đổi một số từ ngữ trong sách. Nhưng khi đọc, họ lại thấy cuốn sách chính là giải pháp để họ có thể chia sẻ thẳng thắn những câu chuyện mà mình có chút ngần ngại hoặc coi là nhạy cảm”.
Thực tế, tại các nước phát triển, trẻ em được giáo dục về giới tính từ rất sớm, và mức độ kiến thức thường xuyên được điều chỉnh để phù hợp với lứa tuổi. Chẳng hạn, ở độ tuổi 2-3 tuổi, trẻ đã được dạy về sự khác nhau của các bộ phận cơ thể giữa nam và nữ và được gọi tên chính xác từng bộ phận nhạy cảm. Ở độ tuổi từ 4-5 tuổi, trẻ sẽ được dạy cụ thể hơn về việc bảo vệ bản thân, tôn trọng cơ thể mình và những tình huống cần xử lý để tránh bị xâm hại trong cuộc sống.
Đó là điều dễ hiểu, khi tại phương Tây, những quy tắc bảo vệ trẻ em trong các trườnghợp đặc biệt đã được ban hành từ thập niên 1940 - trước khi Luật Phòng chống xâm hại trẻ em được ban hành vào thập niên 1970.
Và so với những quốc gia này, vốn đã có những cuốn sách hướng dẫn trẻ phòng chống xâm hại và tự bảo vệ mình từ thập niên 1970, rõ ràng chúng ta mới chỉ đang ở những bước cơ bản nhất của việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về nạn ấu dâm bằng xuất bản phẩm.
Bởi thế, trong nỗ lực đồng hành cùng cuộc chiến của xã hội với vấn nạn ấu dâm, Tôn trọng cơ thể mình, 30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, so với các loại hình như phim ảnh, ca nhạc hay video hướng dẫn, sách luôn có một ưu thế đặc biệt ở giá thành và khả năng phổ biến rộng về địa lý.
(Kỳ 4: Im lặng là đồng lõa với tội ác)
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất