13/11/2015 06:05 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Như đã đề cập ở số báo trước, bên cạnh những HLV đã và đang chiếm lĩnh được đỉnh cao với nghiệp huấn luyện, hoặc kinh doanh,… cũng không hiếm các trường hợp cựu danh thủ gặp khó khăn trong việc hoà nhập cộng đồng, sau treo giầy. Sau khi “tận thu”, việc nền bóng đá đẩy họ cho xã hội kể cũng có phần bất nhẫn.
Đấy là lời khuyên của Trịnh Tấn Thành, cựu tiền đạo Đồng Tháp và ĐT Việt Nam, cũng thuộc môn phái “lưu linh” và thậm chí đã đạt đến tầm “tiên tửu” dành cho các thế hệ cầu thủ đàn em. “Mũi tên đen” của bóng đá xứ bưng biền lẫy lừng trên sân cỏ đến đâu, nhanh và chớp thời cơ giỏi đến đâu, từng có giai đoạn đến đỡ trái bóng không nổi.
Năm 2001, Trịnh Tấn Thành treo giầy và quyết định mở quán nhậu ở Cao Lãnh, gọi là kiếm kế sinh nhai. Vì bản thân thích chè chén, bằng hữu lại đông, nên thế cũng có thể xem là “đam mê và công việc” gộp vào một. “Là bạn hay là bè/Mình cùng nhau lè nhè/Cho nhau câu vè câu đối/Bạn ơi tôi đã say rồi”, trích “Vợ ơi anh đã sai rồi” của Hải bột.
Bài hát này quả rất sát nghĩa với những đệ tử lưu linh như Tấn Thành. Ngày qua ngày, đời gọi Thành ngủ vùi. “Khách quán vẫn cứ đông nườm nượp, nhưng toàn chơi môn “gô sỉ” (tức ghi sổ), nên hàng quán to đến mấy cũng vỡ. Sức khoẻ yếu đi và sợ những gì thân yêu cũng bỏ đi luôn thì quả đáng tội, nên tôi quyết định dẹp quán”, Tấn Thành nhớ lại.
Trịnh Tấn Thành là một con người cực hài hước, đặc biệt là khi trong người có tí men. Tửu nhập, ngôn xuất mà. “Tôi khuyên anh em là làm gì thì làm, nhưng đừng làm cái nghề bán thận, bán phổi (ý mở quán nhậu), đừng vì cái lợi trước mắt mà làm liều, bởi về lâu về dài rất tai hại, đặc biệt là vấn đề sức khoẻ và sự minh mẫn”, Tấn Thành chia sẻ.
Không kinh doanh “nhà hàng”, tự mình làm chủ, thì bây giờ làm gì? Không làm chủ thì ắt phải đi làm thuê thôi. Từ cắt tỉa cây cảnh đến lái xe cho một ngân hàng,… việc gì có đồng ra đồng vào là Thành làm. “Những năm đầu mở cửa, việc tái hoà nhập là rất khó khăn với giới quần đùi áo số, chỉ giỏi nhất chuyện bóng bánh. Mình nào được như chúng bạn”.
Trong khi những đồng đội như Quốc Cường trở thành doanh nhân thành đạt, kinh doanh xe khách Bắc – Nam, Công Minh gắn với nghiệp huấn luyện, thì Tấn Thành chấp nhận cái chân lái xe ở ngân hàng nọ. Cho đến cuối năm 2012, khi cựu cầu thủ Công an TP.HCM (cũ) và Đồng Tháp tái đấu trận chung kết năm 1996, Tấn Thành mới được tìm thấy, được “khai quật” trở lại.
Thông qua sự giúp đỡ của các đồng đội cũ thời “thế hệ vàng”, mà cụ thể là Trần Minh Chiến, Thành được mời về PVF làm nghề “gõ đầu trẻ”. “Mình bao năm rời xa bóng đá đỉnh cao, kiến thức – bằng cấp huấn luyện không có, cũng khó trăm bề. Nhưng may mắn là Ban Giám đốc đã có những đặc cách, rồi anh em giúp đỡ, nên cũng ổn dần”, vẫn lời Thành.
“Có đức mặc sức mà ăn”, Tấn Thành tuy là nhận được nhiều sự giúp sức, nhưng cũng cần phải bồi bổ kiến thức, đại tu lại chính mình. Và mới đây, “mũi tên đen” hoàn thành lớp bằng B HLV được tổ chức tại An Giang, cùng với các thế hệ đàn em như Việt Thắng, Hồng Sơn, Anh Đức… Giảng viên lớp học nói vui, chỉ cần đỡ quả bóng không ngã là cho đậu.
Giờ công việc ổn định, lương tháng đôi chục triệu, đủ giúp Tấn Thành trang trải chi phí gia đình với 2 cô con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi học. Sau các giờ đứng lớp, Tấn Thành thi thoảng cũng “lai rai” với đồng nghiệp hay bạn bè, chỉ cần đủ tay là nhậu, nhưng sức uống kém hơn trước nhiều rồi.
Cần lắm những Chi hội cựu cầu thủ
“Tôi để ý là một số các cầu thủ có giá chuyển nhượng tiền tỷ sau này rất cẩu thả. Họ không thi đấu để sẵn sàng làm HLV, mà thi đấu vì tiền và vì những thú vui xã hội. Cần chắc rằng, vinh quang trong bóng đá chỉ là cái trước mắt. Tiền bạc cũng thế, không đem đi được. Cái còn là cái để lại và đừng để nước đến chân mới nhảy”, danh thủ Trần Minh Chiến nói.
Song song với việc phải xem xét một cách nghiêm túc việc thành lập Hiệp hội cầu thủ và HLV chuyên nghiệp, thì các tổ chức như Chi hội cựu cầu thủ hay đại loại thế, cũng rất cần thiết, để chăm sóc, giúp đỡ những thân phận neo đơn, gặp khó khăn. TP.HCM dường như là địa phương duy nhất có Chi hội này để thường xuyên tổ chức các giải đấu cho cựu cầu thủ.
Bên cạnh trách nhiệm công việc, các chia sẻ với xã hội, những hoạt động thiện nguyện dành cho cá nhân hay tổ chức cũng được các thế hệ cựu cầu thủ duy trì. Phải, nếu không có trận tái diễn chung kết năm 1996 giữa Công an TP.HCM và Đồng Tháp, ai biết được Tấn Thành đang ở đâu, làm gì?! Mà Thành chỉ là một trong rất nhiều các trường hợp cần giúp.
1. Năm 2008, sau khi đạt được bản hợp đồng lớn đầu tiên trong đời (7 tỷ đồng), Công Vinh cùng với đồng đội – người anh thân thiết là Dương Hồng Sơn đã quyết định mở một nhà hàng to đùng trên Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, chỉ để phục vụ khách VIP, nhưng không kéo dài được lâu, trước khi phải sang bán gần hết cổ phần. 20. Với trên dưới 20 HLV, phần lớn đều là cựu danh thủ các thế hệ, lò đào tạo PVF đương nhiên tập hợp được nhiều hảo thủ nhất. Tuy nhiên, không ít trong số này được trao việc theo kiểu “từ thiện” ở đầu vào. Và sau một thời gian, PVF cũng đã có những đào thải và mới nhất, Hoàng Bửu và Võ Văn Hạnh đã nói lời chia tay. 40. Sau khi trích lục lại tư liệu, Thể thao & Văn hoá đã tìm lại được trên dưới 40 cầu thủ thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam. Phần lớn trong số này đều tiếp tục gắn với nghiệp HLV và thành công ở mức độ khác nhau, số còn lại cũng tản mát, làm đủ ngành nghề. Và Chí Bảo có lẽ là “ngôi sao” kém may mắn nhất. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất