16/11/2015 16:55 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như những CĐV Pháp hát vang quốc ca trên đường rời sân là dũng cảm và thể hiện lòng ái quốc thì sự sợ hãi không muốn trở lại Pháp của những ngôi sao quốc tế David Luiz và Edison Cavani có phải là sự hèn nhát, bất nghĩa với nước Pháp?
Có ít nhất hai tuyển thủ (cựu và hiện tại) Pháp chia sẻ rằng người thân của họ một suýt và một đã thiệt mạng trong cuộc khủng bố đẫm máu ấy. Toàn thế giới rúng động, nhưng hơn ai hết, những người ở trong hoàn cảnh đó và như Antoine Griezmann và Lassana Diara mới thấy sự an toàn mới mỏng manh nhường nào trước sự liều lĩnh của những kẻ nhân danh tôn giáo để ra tay.
Như để chứng minh cho sự mong manh ấy, David Luiz và Cavani, một người Brazil và một người Uruguay đang chơi bóng ở Paris cho đội bóng nổi tiếng nhất nước Pháp, PSG, đã bày tỏ rằng họ không muốn trở lại Pháp.
Cùng một thời điểm, thế giới ghi nhận nhiều người muốn đứng bên cạnh nước Pháp, chia sẻ với người Pháp, trong khi tin gửi đi từ Paris đa phần nói rằng người Pháp rất mạnh mẽ, dù cuộc sống xáo trộn, một số điểm du lịch phải đóng cửa, nhưng không phải mọi người đều núp trong nhà và múa bàn phím điện thoại.
Người thân của Griezmann suýt bị bọn khủng bố sát hại
Phải chăng những người như Luiz và Cavani có trái tim chuột nhắt, và trong lúc người Pháp cần họ thì họ quay lưng? Họ ham sống sợ chết, và là bằng chứng cho cái IS (tự nhận là chủ mưu của vụ khủng bố) có thể gọi đó là chiến thắng của chúng, và rằng IS sẽ không để cho phương Tây yên ổn, và Pháp không còn là nơi an toàn để sống, để chơi bóng, để đón hơn 80 triệu khách du lịch mỗi năm?
Chứng minh cho nước Pháp là an toàn không phải là nhiệm vụ của những cầu thủ đá bóng. Không ai trông đợi họ sẽ chơi bóng trong khi bom nổ và tiếng súng khủng bố đì đùng nổ quanh tai để truyền thông quay phim quảng bá.
Các thông tin tiết lộ (dần dần) giúp thế giới hình dung rõ hơn về trận đấu giữa Pháp và Đức diễn ra trong thời điểm mà bọn khủng bố ra tay ở sáu điểm khác nhau tại Paris, trong đó có một vụ xảy ra ngay Cửa J của Stade de France. Trận đấu phải tiếp tục diễn ra cho tới phút cuối cùng không phải vì người Pháp muốn chứng tỏ sự hiên ngang, mà đó là lựa chọn của Tổng thống Pháp Hollande, người cũng đã dự khán cùng với Bộ trưởng Nội vụ Pháp.Nếu như trận đấu bị dừng lại, CĐV tràn ra đường trong bối cảnh súng nổ nhiều nơi trên thành phố và những kẻ khủng bố đã định vào sân sẽ có thể trở thành thảm họa. Stade de France lúc ấy thành một trong những nơi trú ngụ an toàn nhất (Bomb shelter) ở Paris.
An ninh Pháp trong đó công tác tình báo để ngăn chặn từ xa sẽ phải làm bất cứ những gì có thể để chứng minh rằng Paris, rằng nước Pháp là an toàn trở lại nếu không là như trước thời vụ trả thù tòa soạn báo biếm họa Charlie Hebdo thì cũng như trước vụ "khủng bố ngày 13 thứ Sáu" rằng dân thường không phải là mục tiêu.
Trận đấu giữa Pháp và Đức diễn ra trong thời điểm mà bọn khủng bố ra tay ở sáu điểm khác nhau tại Paris, trong đó có một vụ xảy ra ngay Cửa J của Stade de France
Mà nói về khủng bố, nước Mỹ có lẽ là nơi chịu nhiều nguy cơ, đe dọa khủng bố nhiều nhất thế giới. Cộng với sự đe dọa của những vụ xả súng diễn ra khắp nơi khiến thế giới đặt câu hỏi có nên tới Mỹ. Thường thì những người ở bên trong ít run rẩy hơn những người bên ngoài. Nó phản ánh qua thực trạng là các sinh viên Việt thường phải trấn an gia đình ở cách xa nửa vòng trái đất vốn chỉ đọc báo và xem truyền hình tác nghiệp theo “chiến thuật” là tập trung vào các điểm nóng tạo cảm giác như là chiến sự.
Nhưng liên quan tới an ninh thì không thể chỉ thuyết phục, thanh minh và hô hào. Trước vụ "khủng bố ngày 13 thứ Sáu", vụ khủng bố liên quan tới thể thao gần nhất của thế giới là vụ đánh bom cuộc đua Marathon Boston ở bang Massachusette (Mỹ) làm 3 người chết và 264 người bị thương. Cuộc đua ngay sau đó đã bị hủy, và chỉ trở lại vào năm sau, sau khi người Mỹ đã truy tìm được thủ phạm để minh định căn nguyên và đưa ra các giải pháp đảm bảo an ninh.
Paris và nước Pháp cũng phải làm như thế. Sự lên tiếng của David Luiz và Edison Cavani có thể làm người Pháp tự ái, có thể làm ai đó sứt mẻ tình cảm dành cho hai cá nhân cầu thủ này, nhưng cũng phản ánh lo ngại liên quan tới công tác an ninh cho một Euro đang chuẩn bị diễn ra.
Ngành du lịch đóng góp tới 7,5% GDP của Pháp (theo con số của BBC)
Mà không chỉ bóng đá. Nó còn là vấn đề của kinh tế Pháp khi ngành du lịch đóng góp tới 7,5% GDP của quốc gia này (theo con số của BBC). Một Paris đẹp còn cần phải an toàn. Như Madrid đã phải làm rất nhiều sau vụ đánh bom năm 2004 khiến 191 người thiệt mạng và hơn 2000 người bị thương để lấy lại được sự tin cậy của du khách thế giới.
Đừng để bóng lăn khi tiếng súng nổ
Những ngày qua, có một sự so sánh hay liên hệ giữa máu đổ ở Paris với máu đổ ở Trung Đông, nơi hàng thập kỷ qua bóng vẫn lăn trong tiếng rít của rocket và bom nổ.
Đó không phải là hình mẫu của thế giới ngày nay mà là bằng chứng của nỗi đau khổ ngập tràn. Những thách thức mà bóng đá ở đó phải đương đầu chẳng là gì so với hình ảnh những đứa trẻ Palestine đến trường do Liên hợp quốc xây dựng và vận hành nhưng bom của Israel vẫn không tha chúng, với lý do là du kích Hamas cũng ẩn náu ở đó.
Tôi còn nhớ cựu HLV đội tuyển Việt Nam Alfred Riedl từng kể về cuộc sống bóng đá khi trở lại Việt Nam sau thời gian dẫn dắt đội tuyển Palestine. Ông đùa rằng trên mũi ông còn nguyên mùi thuốc súng. Nhưng thực ra, đội tuyển ấy được nuôi bởi những tỷ phú Palestine sống lưu vong, lấy các quốc gia khác làm địa bàn đóng quân trong mỗi lần tập trung đội tuyển và hầu như không chơi bóng trên sân cỏ Palestine.
Họ chơi bóng vì niềm đam mê và khát vọng muốn nói với thế giới rằng chiến tranh không tiêu diệt được bóng đá mà không cần phải chơi dưới mưa bom lửa đạn. FIFA từng ca tụng, tôn vinh họ mà cũng không cần họ phải thay đổi cơ chế “vận hành lưu vong”.
Thực tế này phản ánh trong thế giới bóng đá,những người dũng cảm được ca ngợi. Những người chọn cho mình đứng ngoài lề, và chỉ nghĩ về bản thân họ dù không đáng khen nhưng đó là sự lựa chọn của cá nhân, và cho gia đình họ. Việc truyền thông và dư luận phương Tây không tranh cãi về quyết định của Luiz và Cavani là rất đáng tham khảo và càng có giá trị với một nơi xa tít tắp vốn dĩ cũng đầy những lo toan mà lại đang tốn thời gian tranh cãi thế nào mới là bác ái và nhân văn như ở Việt Nam.
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất