Thư châu Âu: Buổi học đầu tiên sau vụ khủng bố ở Paris

17/11/2015 06:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Buổi học đầu tiên của lớp con gái tôi sau vụ thảm sát ở Paris rất đặc biệt. Rất nhiều nến ở ngoài hành lang của trường. Sự hiện diện của quân cảnh Italy với súng tiểu liên lăm lăm ở tay phía cổng vào là một dấu hiệu cho thấy tình trạng khẩn cấp.

Khuôn mặt của thầy giáo hiệu trưởng, người luôn đứng ngoài cổng để đón các học sinh vào lớp mỗi ngày, cũng có vẻ buồn hơn. Và phụ huynh sau khi đưa con đến lớp cũng ít tụ tập như trước, mà nhanh chóng về nhà hoặc đi làm.

Con gái kể, cả trường làm một phút mặc niệm, vào thời điểm cả nước Pháp ngưng tất cả các hoạt động để tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong cái đêm đau buồn ấy ở Paris. Sau đó, cô giáo chủ nhiệm, một người Pháp xinh xắn nhưng có cái nhìn rất cương nghị, kể cho tất cả các em về những gì đã xảy ra hôm ấy. Cô nói về những kẻ khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã ra tay tàn bạo thế nào, kể về những người đã sống sót nhờ giả chết ở nhà hát Bataclan, những người đã chết khi cứu người khác và câu chuyện về một vài nạn nhân được báo chí viết tới.


Bé gái thắp nên tưởng niệm cho nạn nhân vụ khủng bố đẫm máu vào giữa Paris. Ảnh: AFP

Họ là bất cứ ai, là kĩ sư, nhà nghiên cứu, nhân viên tư vấn, sinh viên... Sau khi nói về những xung đột của một thế giới hỗn loạn và đầy bất trắc mà ta đang sống, cô nói, "bọn khủng bố muốn chúng ta sợ hãi. Chúng ta không được sợ hãi". Và rồi, cô kết luận: "Cô mong sau này, khi lớn lên, các trò hãy làm những người tốt, những việc tốt, để thay đổi thế giới này".

Tôi nghe câu chuyện của con gái mà hiểu tại sao nó quý mến cô đến thế. Cô không chỉ là người đã nói với nó trước một vở kịch mà nó chỉ đóng một vai rất phụ rằng, không có phân biệt chính và phụ, và những vai như của nó mới thực sự quan trọng, mà cô còn truyền cảm hứng sống có ích cho con gái tôi và bạn bè cùng lớp nó trong những câu chuyện hàng ngày, từ vui vẻ, cho đến buồn bã như vụ thảm sát ở Paris.

Những người thầy như thế thật đáng quý, và họ có rất nhiều trong những ngôi trường ở đây. Họ vừa giúp bọn trẻ tiếp cận được những gì đã xảy ra và có thể ảnh hưởng đến cuộc đời chúng, nhận thức của chúng, nhưng cũng biết cách để giúp chúng đối mặt với một phần sự thật, và vượt qua những nỗi đau, những cú sốc mà chúng phải đương đầu khi tiếp nhận những thông tin bi thảm như thế và cả những nguy cơ khủng bố đối với bản thân chúng và gia đình.

Phải làm gì cho bọn trẻ hiểu được những gì đã xảy ra không đơn giản, nhưng không kích động thù hận và có những cách hiểu tiêu cực còn là chuyện phức tạp hơn nữa, để bọn trẻ không quay sang thù hận nhau, nếu như khác màu da hoặc tôn giáo. Bởi đấy là một ngôi trường quốc tế không chỉ có học sinh theo Công giáo, với mà gần một nửa là người mang quốc tịch Pháp mà còn có các học sinh Hồi giáo, và có thể những gì chúng nghĩ khác hẳn với những học sinh không theo đạo Hồi.

Nhưng tôi tin, những chuyện như thế giữa bọn trẻ theo Công giáo và Hồi giáo ở đây sẽ không xảy ra (trên thực tế chưa từng xảy ra), bởi chúng rất yêu thương nhau. Trường đã từng có những buổi cho học sinh thảo luận về việc không phân biệt chủng tộc và sống khoan dung, tôn trọng sự khác biệt của nhau, dù đấy là vẫn là một ngôi trường của Pháp, và truyền bá những tư tưởng và văn hóa Pháp.

"Nhưng liệu cha mẹ của những kẻ khủng bố có cảm thấy xấu hổ vì những điều con cái họ gây ra ở Paris không?", một bạn của con gái tôi hỏi cô giáo. Cô không trả lời vào câu hỏi, mà trích dẫn câu của một ai đó, nói rằng cha mẹ cũng như cái cung, còn con cái của họ là mũi tên.

Cha mẹ làm đà bắn con cái đi, nhưng không phải mũi tên nào cũng đi thẳng... Những cuộc tranh luận về thế giới vẫn còn tiếp tục, và cô là người dẫn dắt bọn trẻ trong những câu chuyện. Tự dưng tôi nhớ đến câu chuyện mà có lần con gái đi học về kể, cô giáo cho bọn trẻ viết thư đến những người lãnh đạo có uy tín trên thế giới để kêu gọi hòa bình.

Bọn trẻ viết thư cho Giáo hoàng, cho Thủ tướng Italy, cho cả Tổng thống Mỹ. Những lá thư không được gửi đi, chắc chắn rồi. Nhưng lũ trẻ được nói lên những điều mà chúng suy nghĩ, về hòa bình cho thế gian. Lòng hướng thiện thấm vào chúng và những vấn đề thời sự của thế giới cũng được chúng cảm nhận theo cách ấy.

Trở lại câu chuyện cuộc tấn công ở Paris, tại Ý, người ta đã nói đến việc làm thế nào để cha mẹ nói cho các con, nhất là những đứa còn nhỏ, hiểu được về điều gì đã xảy ra ở Paris và cuộc chiến chống IS. Antonella Costantino, một chuyên gia tâm lí học thanh thiếu niên, đã đưa ra 5 chỉ dẫn cho các bậc cha mẹ để họ giúp con tránh những nỗi lo lắng, hay chấn động về tâm lí, khi chúng nhận thức được về những cuộc thảm sát đẫm máu ở Pháp.

"Các bậc cha mẹ không nên giả vờ như không có chuyện gì xảy ra", bà nói trên truyền hình Italy. "Bọn trẻ biết nhiều hơn là chúng ta có thể tưởng tượng, khi chúng cảm nhận được những điều kinh khủng đã xảy ra, khi chúng nghe đài, xem tivi, nghe cha mẹ nói chuyện với nhau. Chúng có thể sẽ cảm thấy sợ hãi". Theo bà, các bậc cha mẹ cần phải giải thích một cách dễ hiểu sao cho bọn trẻ nắm bắt được điều gì xảy, khủng bố cực đoan là gì, nhưng cũng tránh làm cho trẻ trở nên lo lắng, sợ sệt và điều quan trọng nhất, là "không thù ghét người nước ngoài, người nhập cư, người theo tôn giáo khác".

Có thể thấy rõ từ những bài học đầy nhân văn ấy: không làm cho bọn trẻ bị những chấn động và căng thẳng như người lớn đang trải qua, người ta cũng không dạy bọn trẻ sự thù hận, mà phân biệt được những điều tốt và xấu, đồng thời bảo vệ những giá trị của mình. Cô giáo con gái lớp tôi nói về sự tự do. Bà chuyên gia tâm lí học nói về việc không kì thị người nước ngoài và người khác tôn giáo sống cùng trong một xã hội với những đứa trẻ người Ý kia và cha mẹ chúng.

Tạp chí uy tín l'Espresso lại viết một bài dành riêng cho các giáo viên tới lớp ngày hôm sau sẽ nói gì với các học sinh về những điều kinh khủng đã xảy ra. "Vấn đề không phải là không nói hay không, mà là nói thế nào", tờ báo viết. "Hãy mở ra một cuộc tranh luận để biết được bọn trẻ đang nghĩ gì, phản ứng ra sao trước sự kiện ở Paris và từ đó, nếu có thể, giúp chúng cảm nhận được những gì chúng làm cho thế giới".

Châu Âu đã bắt đầu quen với những gì mà thế giới hỗn loạn này đang chứng kiến, khi khủng bố đã đứng trước cửa nhà họ. Và họ đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến để bảo vệ những giá trị của mình cho lứa trẻ, theo cách ấy.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link