14/12/2014 06:40 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Điền kinh, môn thi đấu có số lượng huy chương nhiều nhất và được chờ đợi nhất tại Đại hội, đã khép lại vào sáng qua tại Nam Định. Lần đầu tiên sau nhiều năm, trật tự trên bản đồ điền kinh Việt Nam đã bị phá vỡ bởi sự vươn lên đầy bất ngờ của những cái tên mới, đồng thời là sự sa sút của những địa phương có truyền thống.
Những khoảng màu tối sáng trên bức tranh toàn cảnh của môn thể thao nữ hoàng sau Đại hội đã đem đến cả niềm vui và nỗi trăn trở cho các nhà chuyên môn.
Hy vọng mới
Kết thúc 50 nội dung thi đấu ở môn điền kinh, Thanh Hóa và Nam Định đã “qua mặt” rất nhiều đoàn có thế mạnh truyền thống như Hà Nội, Quân đội để chiếm lĩnh 2 vị trí dẫn đầu toàn đoàn với khoảng cách huy chương khá sít sao.
Kết quả này đã phá vỡ trật tự nhiều năm trên bản đồ môn điền kinh nhiều năm qua và đáng quý hơn, nó là nguồn nội lực của các địa phương này, chứ không phải nhờ những “lính đánh thuê” ở mỗi lần Đại hội.
Bất chấp thất bại của Quách Thị Lan ở các cự ly sở trường 400m, Thanh Hóa vẫn dẫn đầu với sự vươn lên rất đáng khen ngợi của Lê Trọng Hinh (100m, 200m nam), bên cạnh những tên tuổi như Quách Công Lịch (400m, 400m rào nam), Nguyễn Thị Phương (10.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật) và Lê Thị Phương (nhảy sào).
Còn Nam Định trình làng một gương mặt mới mà cũ. Đó là Nguyễn Thị Huyền, người từng tham gia ĐTQG và thi đấu tại ASIAD 17 vừa qua nhưng lại được ít người biết đến do chưa có được thành tích đột phá trong tổ 4x400 nữ.
Trở về sau ASIAD và tập huấn tại địa phương gần 3 tháng, Nguyễn Thị Huyền như thực sự lột xác với việc đóng góp tới 4 HCV cho Nam Định ở các nội dung 400m, 400m rào, tiếp sức 4x200m và tiếp sức 4x100m nữ. Trong đó, KLQG mới 55”49 của Nguyễn Thị Huyền ở nội dung 400m rào nữ đã vượt qua cả thành tích HCĐ tại ASIAD 17 vừa qua (56’29) và tiệm cận rất gần với mức HCB (56”21).
Cùng với đó là kỷ lục 1’49”23 của Dương Văn Thái trên đường chạy 800m nam và được đánh giá cũng nằm trong nhóm tranh chấp huy chương ở châu lục. “Các VĐV Nam Định đã đóng góp 2 kỷ lục đáng quý nhất đại hội vì nó mở ra thêm cơ hội ở đấu trường châu lục cho điền kinh Việt Nam”, ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn Điền kinh - Tổng cục TDTT, cho biết.
Nguyễn Thị Huyền đã thi đấu rất xuất sắc ở Đại hội năm nay. Ảnh: Phúc Hưng
Báo động đỏ cho các trung tâm lớn
Đằng sau tín hiệu vui mà một số rất ít cái tên nêu trên đem lại, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của những cái tên mới là tiếng còi “báo động” cho các trung tâm giàu truyền thống.
Hà Nội có thể tự hào với vị trí số 1 toàn đoàn gần như chắc chắn ở Đại hội năm nay với số lượng huy chương vượt trội, song ở môn điền kinh, Hà Nội đang mất dần ưu thế với lực lượng già cỗi và phương pháp đào tạo không hiệu quả. Thậm chí, chưa ai có thể dám chắc, vị trí thứ 3 của Hà Nội ở môn điền kinh sẽ được đảm bảo ở năm sau, khi 7 HCV mà họ giành được ở Đại hội, có phần nhờ công VĐV đi mượn của địa phương khác.
Tương tự như thế là đoàn TP.HCM. Trần Huệ Hoa đã cứu vãn cho TP.HCM khỏi một kỳ Đại hội thất bát với tấm HCV duy nhất ở nội dung nhảy 3 bước nữ. Và nếu coi điền kinh là một trong những thước đo cơ bản cho sức mạnh của phong trào, thì rõ ràng, cần phải đánh giá lại TP.HCM dù họ đang có trên 100 HCV ở bảng tổng sắp.
Sự sa sút cũng dễ dàng được nhìn thấy đối với Hải Phòng, địa phương có những đóng góp rất quan trọng cho ĐTQG ở nội dung nhảy cao nhiều năm trước. Nhưng năm nay, Hải Phòng không có tấm HCV nào môn điền kinh (chỉ có 1 HCB, 1 HCĐ) và thế mạnh truyền thống đã mất hoàn toàn.
“Rõ ràng đang xuất hiện nhiều vấn đề về công tác đào tạo ở các trung tâm lớn và đã đến lúc tất cả cần phải được xem lại một cách nghiêm túc. Các trung tâm lớn có điều kiện tốt hơn về kinh phí, cơ sở vật chất nhưng lại không tận dụng được hoặc thiếu hiệu quả”, ông Dương Đức Thủy lo ngại.
Ngoài ra còn một thực tế khác khi đánh giá tổng thể, lực lượng ĐTQG chiếm ưu thế rất lớn trong các cuộc đua huy chương và điều này cho thấy tâm lý “ỷ lại” của rất nhiều địa phương trong công tác đào tạo.
“Số huy chương mà VĐV không thuộc đội tuyển giành được rất hạn chế và đã xuất hiện tình trạng nhiều địa phương trông chờ vào Tổng cục TDTT qua việc triệu tập ĐTQG, chứ không chủ động đào tạo hay thay đổi chính sách đào tạo của mình”, vẫn theo lời ông Dương Đức Thủy.
Phúc Hưng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất