02/07/2008 13:30 GMT+7 | EURO 2008
(TT&VH Online) - 100.000 CĐV đã có mặt ở công Bradenburg tại Berlin để chào đón các thành viên của “Mannschaft” trở về từ Vienna, như chào đón những người anh hùng dù trước đó họ đã thua Tây Ban Nha trong trận tranh ngôi vô địch châu Âu. Tuy nhiên, ngôi á quân EURO 2008 khó có thể coi là một thành công với đội tuyển Đức, nếu không muốn nhìn nhận đó như một thất bại.
Sẽ chẳng đơn giản để phân tích hết nguyên nhân thất bại của đội tuyển Đức ở EURO 2008 bởi có những vấn đề mang tính vĩ mô, lại có những yếu tố mang tính vi mô. Nhưng tựu trung lại, sau những gì mà đội bóng của HLV Joachim Loew đã thể hiện ở giải đấu diễn ra trên đất Áo và Thụy Sĩ, có thể thấy hai nguyên nhân lớn nhất khiến “Mannschaft” không thể có được chức vô địch châu Âu lần thứ tư như họ mong đợi: Thứ nhất, là vấn đề con người và thứ hai, là vấn đề lối chơi.
Vấn đề con người
Nói rằng giai đoạn này bóng đá Đức không thiếu tài năng, điều đó có lẽ đúng nhưng chưa đủ. Đúng là “Mannschaft” đã tập trung được rất nhiều cầu thủ giỏi, nhưng đó chỉ là sự so sánh tương quan giữa người Đức với nhau. So với Tây Ban Nha hay Hà Lan, có lẽ Đức chưa thể sánh bằng về chất lượng đội hình. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Sự thua kém về mặt tài năng của từng cầu thủ trên sân khiến Đức không thể đánh bại Tây Ban Nha trong trận chung kết. Người Đức trông chờ quá nhiều vào Ballack, Podolski hay Schweinsteiger trong khi mỗi cầu thủ của Tây Ban Nha là một điểm sáng và trong từng thời điểm, từng hoàn cảnh, mỗi người sẽ biết bùng nổ đúng lúc, như Fernando Torres đã biết tận dụng cơ hội để ghi bàn duy nhất trong trận chung kết.
Yếu kém về mặt con người được thể hiện rõ nét nhất nơi hàng phòng ngự, mà cụ thể là cặp trung vệ cũng như thủ môn. Thay vì là chỗ dựa cho cả hàng thủ, bộ đôi Christoph Metzelder – Per Mertesacker đôi lúc là gánh nặng cho các đồng đội, nhất là các tiền vệ phòng ngự. Frings hay Hitzlsperger luôn canh cánh nỗi lo Tây Ban Nha sẽ đánh thẳng vào “tử huyệt” ở trung lộ nên phải lùi thật sâu về phần sân nhà bọc lót. Sự chậm chạp của Metzelder, sự vụng về của Mertesacker hay cả hậu vệ cánh phải Arne Friedrich khiến hàng thủ Đức luôn chao đảo mỗi khi đối phương lên bóng. Nó khác hẳn với những gì mà các hậu vệ Tây Ban Nha đã thể hiện: Chắc chắn, mạnh mẽ và linh hoạt.
Có lẽ, không ai phủ nhận rằng Ballack là cầu thủ đẳng cấp thế giới. Nhưng đáng buồn thay, trong số 23 thành viên của “Mannschaft” dự EURO 2008, không có nhiều người đạt đến trình độ ấy, nếu không muốn nói rằng thủ quân đội tuyển Đức là duy nhất. Nhưng đó là hạn chế về mặt con người mà nếu muốn cải thiện, phải có một quá trình đào tạo lâu dài với chiến lược rõ ràng. Nâng cao chất lượng Bundesliga hay xuất khẩu cầu thủ đến những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu là những việc mà các nhà quản lý bóng đá Đức cần phải tính đến. Chơi ở một giải đấu thiếu tính cạnh tranh thì các cầu thủ không thể “lớn” lên được, đó là điều quá rõ ràng.
Vấn đề lối chơi
Năm 2004, với tiềm năng con người rất hạn chế nhưng Otto Rehhagel vẫn đưa bóng đá Hy Lạp lên ngôi vô địch châu Âu mà sau này, người ta luôn nhắc đến chiến công ấy gắn liền với hai chữ “thần kỳ”. Với “King Otto”, chẳng có điều gì thần kỳ ngoài việc biết mình, biết người, chọn lối đá phù hợp nhất với lực lượng có trong tay. Nhìn lại EURO 2008, có thể thấy lối đá của đội tuyển Đức không thuyết phục được các nhà chuyên môn, ngoại trừ trận thắng Bồ Đào Nha 3-2 ở tứ kết được cho điểm “khá”.
Không còn triển khai bóng với tốc độ nhanh, chính xác và nhịp nhàng như hồi World Cup 2006, những pha phối hợp của đội tuyển Đức tại EURO 2008 khá rắc rối và không mấy hiệu quả. Vốn dĩ có lắm “chân gỗ” trong đội hình nhưng các cầu thủ Đức lại thường xuyên chuyền bổng cho nhau ngay từ khu vực giữa sân, vừa tốn thời gian khống chế lại vừa đối mặt với nguy cơ bị đối phương cướp mất bóng. Những pha phối hợp kiểu ấy khiến tốc độ tấn công bị hạn chế đáng kể và khó có khả năng tạo ra sự đột biến. Chỉ có những pha bật tường đẩy bóng xuống biên trái cho Podolski bắt tốc độ rồi căng ngang vào trong là thực sự nguy hiểm. Đã hai lần người Đức thành công với kịch bàn này mà cặp diễn viên là Podolski và Schweinsteiger, ở trận gặp Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đánh đầu là sở trường của các cầu thủ tấn công bên phía đội tuyển Đức, từ Klose, Gomez cho đến tiền vệ Ballack. Nhưng những cái đầu của họ chỉ biết ghi bàn khi đón những đường tạt bóng vừa tầm và có độ chính xác cao. Tạt bóng bổng trở thành một thảm họa của đội tuyển Đức ở giải lần này. “Mannschaft” ghi được 3 bàn bằng đầu, 2 của Klose và 1 của Ballack, thì 2 bàn đến từ những tình huống đá phạt cố định (trong trận thắng Bồ Đào Nha 3-2) và 1 bàn còn lại từ hình huống bóng sống (Lahm tạt cho Klose ở trận thắng Thổ Nhĩ Kỳ 3-2). Sau trận đấu thăng hoa với Bồ Đào Nha, Schweinsteiger lại mất hút và liên tục thực hiện thiếu chính xác những tình huống sút phạt cố định, câu bổng vào vòng cấm Tây Ban Nha ở trận chung kết.
Đức muốn đá 4-4-2 thiên về tấn công nhiều hơn, nhưng hoàn cảnh bắt buộc họ điều chỉnh sang 4-2-3-1 nặng về phần thủ bởi một mình Frings không gánh vác hết cùng lúc hai nhiệm vụ, cày ải giữa sân và hỗ trợ phòng ngự cho cặp trung vệ Metzelder – Mertesacker. Để đảm bảo anh toàn cho phần sân nhà, HLV Joachim Loew buộc phải sử dụng đến 2 tiền vệ phòng ngự khiến lực lượng tấn công bị giảm mất một người, đồng nghĩa với khả năng gây áp lực lên phần sân đối phương bị hạn chế.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất