Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một góc nhìn

19/02/2010 13:32 GMT+7 | Người Hà Nội



1. Một người có nhiều năm làm việc ở Tổng hành dinh (nơi lãnh đạo ta chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ), Thiếu tướng Lê Phi Long, Cục phó Cục Tác chiến, nói: “Tôi đã thử rất nhiều lần và thấy không đủ sức để viết nổi chân dung về Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Vâng, viết về con người tài năng, đức độ, lịch duyệt này thì văn bút nào tả xiết?

Chỉ xin đưa ra hai đánh giá đã được đăng tải trên báo Tuổi trẻ. Ký giả người Anh Peter Macdonald nhận định: “Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh; khó có một vị tướng soái nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui ở trình độ cao... Cuộc đời của ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những thống soái lớn của tất cả các thời  đại”. Còn Nhà sử học Mỹ Cecil Curry thì cho rằng: “Ông không chỉ trở thành huyền thoại, mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20 và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại”.

Mặc dù sinh ra tại Quảng Bình, nhưng từ tuổi 20, ông đã bắt đầu sống, học tập, làm việc và hoạt động cách mạng tại Hà Nội. Khoảng thời gian hơn 80 năm ấy dài bằng cả một đời người. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, đã hai lần ông trực tiếp chỉ huy bảo vệ Hà Nội: tại cuộc chiến đấu mở màn toàn quốc kháng chiến bảo vệ thủ đô chống lại thực dân Pháp và trận Điện Biên Phủ trên không chống lại cuộc đánh phá của máy bay Mỹ.

Hà Nội đối với ông có quá nhiều kỷ niệm. Tướng Giáp kể lại rằng vào cái buổi trưa 30/4/1975 lịch sử, sau khi ra nốt những mệnh lệnh cuối cùng để giải quyết chiến trường, ông đã rời Tổng hành dinh, lặng lẽ đi bộ ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Có lẽ đó là những giây phút hạnh phúc nhất của ông. Còn tại khu biệt thự ở phố Hoàng Diệu này của Hà Nội, nơi ông đã sống nhiều năm, rất nhiều người, trong đó có những nhân vật nổi tiếng trong nước và quốc tế đã tới vấn an Đại tướng. Các con ông, phần lớn sống quây quần bên ông trong một ngôi nhà có vườn rộng nhưng đồ đạc thì hình như đã có từ rất lâu rồi.

Gần 20 năm nay, Đại tá, NSNA Trần Hồng đã có may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần. Anh tâm sự rằng, là phóng viên ảnh báo QĐND nên anh còn có những dịp đi dài ngày cùng Đại tướng. Những dịp hiếm hoi được gặp Đại tướng, máy ảnh – phương tiện làm việc của anh làm việc liên hồi, không mệt mỏi. Trần Hồng chụp ảnh Tướng Giáp không đơn thuần là nghĩa vụ của một phóng viên báo, một người lính đối với vị tướng, mà xuất phát từ tấm lòng ngưỡng mộ, một ước nguyện đã nung nấu từ lâu. Năm 1994, khi Trần Hồng đến nhà xin chụp ảnh Đại tướng, anh đã không thuyết phục được người thư ký. Anh chán nản định quay gót, vừa lúc ấy Đại tướng xuất hiện: “Hãy để cậu ấy vào”. Từ đó, Trần Hồng bắt đầu sự nghiệp ghi lại chân dung Đại tướng bằng ảnh. Để lột tả được những nét dung dị đời thường mà anh minh, vĩ đại của vị danh tướng, Trần Hồng đã chọn những khoảnh khắc sinh hoạt thường nhật: cảnh đầm ấm gia đình bên con cháu hiếu thảo, cảnh buổi tập thể dục dưỡng sinh, cảnh những cuộc gặp gỡ đầy tình nghĩa của những cựu chiến binh, các cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhân dịp lễ, tết, sinh nhật Đại tướng. Đến bây giờ, Trần Hồng vẫn chụp ảnh bằng phim. Mỗi lần bấm máy là một lần anh cân nhắc, kết quả là đã chọn được hơn 1.500 tấm ảnh mầu và đen trắng chụp Đại tướng. Nhiều triển lãm ảnh về Đại tướng của anh đã được trưng bày và được đón nhận nồng nhiệt tại nhiều vùng miền trong cả nước.

Trần Hồng có lẽ là người may mắn khi anh đã có cả một bộ sưu tập quý về vị danh tướng Võ Nguyên Giáp – một góc nhìn gần.

Song Huy

 (Ảnh trong bài: Trần Hồng)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link