Ngày 3/6, các quan chức của Liên hợp quốc cho biết, để giải quyết tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể phải cần tới 30 tỷ USD/năm, đồng thời họ cũng cho rằng các nước giàu chưa làm gì nhiều để giúp nước đang phát triển đối phó với vấn đề này.Tại một cuộc họp thượng đỉnh của LHQ, với sự tham gia của hàng chục lãnh đạo trên thế giới, ông Jacques Diouf, Giám đốc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) đã có bài diễn văn khai mạc trong đó chỉ trích mạnh mẽ việc nhiều nước giàu đang cắt giảm các chương trình hỗ trợ nông nghiệp cho nước nghèo và phớt lờ hoạt động chặt phá rừng, trong khi chi hàng tỷ USD để trợ cấp cho nông dân và hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học.
Ông Diouf cũng cho biết cộng đồng quốc tế cuối cùng cũng triển khai các hoạt động cứu trợ, giúp đỡ nước nghèo, sau khi những hình ảnh về bạo động do thiếu thực phẩm và nạn đói xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ông cho biết trong suốt thập kỷ qua đã có nhiều cuộc họp bàn về tính cấp thiết của các chương trình cứu đói và phát triển nông nghiệp ở nước nghèo, nhưng vẫn chưa có đủ kinh phí để biến chúng thành hiện thực.
Một cuộc tranh cãi khác đã nổ ra tại cuộc họp thượng đỉnh của LHQ về vai trò của nhiên liệu sinh học trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lương thực. Đoàn đại biểu Mỹ duy trì quan điểm cho rằng chỉ có 2-3% nguyên nhân tăng giá lương thực là do ồ ạt sản xuất nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, LHQ cho rằng mức ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Việc sản xuất nhiên liệu sinh học gây tác động đến giá lương thực, vì nông dân ở nhiều nước đã bỏ trồng cây lương thực để chuyển sang loại cây phục vụ sản xuất nhiên liệu.
Ông Diouf đã chỉ trích các chính sách, như của Mỹ, trợ cấp trồng cây nguyên liệu để sản xuất năng lượng, thay vì phục vụ nhu cầu ăn uống của con người.
Tuy nhiên, ông Luiz Inácio Lula da Silva, Tổng thống Brazil, lại chỉ ra rằng nhiên liệu sinh học cũng có thể giải quyết một phần tình trạng đói nghèo trên thế giới nếu được khai thác đúng hướng. Tại Brazil, nơi nhiên liệu sinh học được làm từ cây mía, ngành này đem lại việc làm cho nhiều người nghèo, đồng thời cung cấp thêm nguồn năng lượng.
“Ý kiến cho rằng nhiên liệu sinh học dẫn đến tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu là lối suy diễn quá đơn giản,” ông da Silva nói. Thay vào đó, ông cho rằng giá nhiên liệu cao là nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá lương thực.
Có ít sự nhất trí về hướng giải quyết tình trạng giá lương thực leo thang và tác động của nó đối với những người nghèo, nước nghèo: tăng trợ giúp lương thực cho các vùng đói, tăng hỗ trợ hạt giống và phân bón cho nông dân nghèo, hạn chế các lệnh cấm xuất khẩu và các loại thuế gây cản trở lưu thông hàng hoá, và tăng cường công tác nghiên cứu để tăng năng suất cây trồng. Vấn đề hiện nay là thuyết phục các nước giàu tăng chi để giải quyết khủng hoảng lương thực, khoảng 30 tỷ USD/năm.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh rằng nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã hứa tăng thêm hỗ trợ tài chính để giải quyết khủng hoảng lương thực.
Mỹ và một số nước khác đã đề xuất việc phổ biến các loại cây trồng biến đổi gen nhằm tăng nguồn cung lương thực cho các nước nghèo, nhưng đây là điều nhiều chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận kịch liệt phản đối. Cho đến nay, Mỹ là nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực cây trồng biến đổi gen.
Theo Dân Trí