Steve Jobs - Người sùng bái sự hoàn hảo

07/10/2011 09:40 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 5/10, sáng lập viên công ty Apple Steve Jobs đã qua đời tại nhà riêng, sau thời gian dài kiên cường đấu tranh chống căn bệnh ung thư tuyến tuỵ, để lại sau lưng một di sản khổng lồ được đánh giá là vẫn còn sức ảnh hưởng lan toả tới nhiều thế hệ sau này.

"Chúng tôi vô cùng buồn bã khi phải thông báo rằng Steve Jobs đã qua đời" - Ban Giám đốc Apple viết trong thông cáo gửi tới công chúng - "Sự chói sáng, niềm say mê và năng lượng dồi dào của Steve là nguồn gốc của hàng loạt sự sáng tạo đã làm giàu và nâng cao chất lượng đời sống của chúng ta. Thế giới này trở nên cực kỳ tốt đẹp hơn nhờ Steve".

Trở thành người quan trọng nhất

Trang web của Apple ở địa chỉ apple.com đã đăng tải một bức ảnh chân dung Steve Jobs gần như chiếm trọn màn hình, bên cạnh là dòng chữ "Steve Jobs 1955-2011". Click chuột vào đó tiếp tục hiện lên một thông điệp: "Apple đã mất đi một thiên tài sáng tạo có tầm nhìn xa và thế giới đã mất đi một con người tuyệt vời. Những người trong chúng tôi may mắn được làm việc với Steve đã mất đi một người bạn thân, một người thầy biết truyền cảm hứng. Steve ra đi để lại phía sau một công ty mà chỉ ông mới có thể gây dựng nên và tinh thần của ông sẽ mãi là nền tảng của Apple". Đó là những lời ca ngợi không hề quá với Steve Jobs.

Cái chết của Steve Jobs đã khiến thế giới bàng hoàng, tiếc thương

Mặc dù hiện được nhìn nhận như một con người có nhiều thành công khó ai sánh bì, cuộc đời Steve Jobs thực tế lại đầy những lần bị ruồng rẫy, thất bại và thậm chí là gặp vận đen. Ông bị những người sinh thành chối bỏ ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời vào ngày 24/2/1955. Jobs lớn lên cùng một gia đình nhận con nuôi ở Thung lũng Silicon Valley. Thưở niên thiếu, một người bạn mê điện tử và kỹ thuật tên Bill Fernandez đã giới thiệu ông với Steve Wozniak. Tình bạn nảy nở giữa họ đã giúp cho ra đời Apple Computer.

"Wozniak là một kỹ sư sáng dạ, nhưng anh ấy không phải là doanh nhân và đó là phần thiếu hụt mà Jobs khoả lấp" - Fernandez nhớ lại.

Bản thân Wozniak thừa nhận đầu năm nay rằng ông chỉ có mục tiêu thiết kế phần cứng chứ không có ý định điều hành Apple. "Vai trò của Steve Jobs đã được xác định ngay từ đầu: anh phải học cách trở thành một quản trị viên với khả năng nắm bắt mọi hoạt động của công ty để từ đó trở thành nhân vật quan trọng nhất thế giới vào một ngày nào đó. Mục tiêu của Jobs vô cùng rõ ràng như vậy" - Wozniak kể.

Chiếc máy tính đầu tiên của họ là Apple I không có gì nổi trội, chỉ là bo mạch gắn linh kiện và ai mua nó về phải mua kèm thêm vỏ máy cùng bàn phím mới sử dụng được. Nhưng chừng đó là đủ để Jobs thuyết phục Mike Markkula, một kỹ sư kiêm giám đốc marketing ở công ty Intel, rằng máy tính cá nhân là tương lai của nhân loại và ông này đã đầu tư 250.000 USD vào Apple.

Năm 1977, Apple cho ra đời Apple II, sản phẩm đóng vai trò như quân tiên phong, mở đường cho máy tính cá nhân tiến thẳng tới tay của đại chúng. Năm 1984, Apple tiếp tục làm rúng động ngành công nghiệp với sự ra đời của máy Macintosh, chiếc máy tính đầu tiên dùng chuột với giao diện đồ hoạ rất thân thiện với người dùng. Mac về cơ bản đã thay đổi hoàn toàn cách thức chúng ta giao tiếp với máy tính.

Song đó cũng là khi Jobs ngã khỏi vinh quang. Jay Elliot, một cựu Phó chủ tịch Apple từng có thời gian làm việc gần gũi với Jobs trong những năm 80 nhớ lại rằng sáng lập viên Apple và cựu Giám đốc điều hành (CEO) John Sculley đã có xung đột sâu sắc về các ý tưởng, sản phẩm và phương hướng của công ty. Tranh cãi giữa 2 người lên tới đỉnh điểm trong cuộc họp bàn về kinh doanh đầu tiên của Apple ở Hawaii trong năm 1985, khi họ gần như phỉ nhổ vào mặt nhau. Jobs rời Apple sau đó không lâu, nói rằng ông bị sa thải.

Nhưng sau này ông thừa nhận sự ra đi là cần thiết để ông có thời gian nhìn lại mình.

"Đó là liều thuốc đắng ngắt, nhưng tôi cho rằng bệnh nhân cần nó. Ai đó sẽ cầm gạch nện vào đầu bạn. Nhưng đừng mất niềm tin" - Jobs kể lại về trải nghiệm cay đắng của đời ông hồi năm 2005.

Vực dậy Apple và thay đổi thế giới

Một thập kỷ sau, Jobs trở lại Apple với vai trò một nhà tư vấn, trước khi nắm chiếc ghế CEO. Đó là khi Apple đang chênh vênh bên bờ vực phá sản. Song dưới bàn tay ông, Apple đã hồi sinh nhanh chóng. Cá nhân Jobs tiếp tục "làm cách mạng" với việc cho ra đời máy nghe nhạc iPod hồi năm 2001, thay đổi hoàn toàn điện thoại di động với chiếc iPhone hồi năm 2007 và xáo trộn thế giới máy vi tính với chiếc máy tính bảng iPad trong năm 2010.

Làm sao Jobs có thể tạo nên những cuộc cách mạng ấy? Giới phân tích chỉ ra rằng yếu tố trung tâm chính là khả năng tinh giản hoá mọi khâu trong hoạt động sản xuất sản phẩm của Jobs.

Ed Niehaus, người được Jobs thuê làm quan hệ công chúng cho công ty, nhớ lại rằng ngay sau khi nắm quyền CEO, ông lập tức cắt giảm rất mạnh các kế hoạch sản xuất và cả nhân lực của công ty.

"Có một lần tôi và Jobs đi cùng thang máy. Khi xuống tầng tiếp theo, một phụ nữ bước vào và tôi có thể nghe cô ấy nói "Ối, nhầm thang máy rồi'" - Niehaus kể lại - "Lúc ấy Steve liền nói "Xin chào, cô là ai thế?" và tự giới thiệu bản thân. Tiếp đó ông hỏi: 'Công việc của cô là gì?' và hai bên trao đổi với nhau một số chuyện tương tự. Khi thang máy xuống đến tầng cuối cùng, Jobs cất lời "Chúng tôi sẽ không cần tới cô nữa" và bước đi".

Niehaus nói rằng Apple khi đó hoạt động kém hiệu quả vì quy mô của công ty quá lớn và Jobs đã mang trở lại sự đơn giản, nhỏ gọn, tập trung.

Dưới bàn tay ông, Apple đã triển khai một văn hoá bí mật trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Nhiều năm qua, chỉ một vài bước trong quy trình thiết kế sản phẩm của Apple được hé lộ với công chúng. Đơn cử như hồi năm 2008, một kỹ sư của Apple đã tiết lộ trên tờ Businessweek về quy trình phát triển sản phẩm rất dài của công ty. Theo đó một sản phẩm mới thường bắt đầu bằng 10 ý tưởng nòng cốt "hay ho". Apple sẽ loại bớt xuống chỉ còn 3 ý tưởng và chúng sẽ được bàn thảo tiếp trong nhiều tháng trước khi ý tưởng tốt nhất được lựa chọn.

Ý tưởng tiếp tục được chuyển tới cho đội thiết kế, vốn nhóm họp 2 lần mỗi tuần. Một cuộc họp trong đó mọi người được thoải mái bày tỏ ý kiến về sản phẩm tương lai và cuộc họp thứ 2 chỉ tập trung vào việc làm sao hoàn thiện và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Trong các cuộc họp như thế, nếu có sự hiện diện của Steve Jobs, ông thường chỉ đưa ra các ý kiến vô cùng đơn giản: "quá tuyệt vời", "rất rất tuyệt vời" và ... "như phân".

Một cựu nhân viên Apple nhớ lại rằng anh ta đã làm việc trên một dự án kéo dài suốt 2 tháng. Kết quả là khi thấy sản phẩm, Steve đã hét tướng lên: "Cái đống phân gì thế này? Tại sao cậu lại làm phí thời gian của tôi vậy nhỉ?".

Bị Jobs xỉ vả thẳng vào mặt là trải nghiệm hầu hết các lao động của Apple đã nếm mùi. Ngoài ra, cá tính khác người trong lao động còn khiến ông bị mang tiếng là "độc tài", "nhẫn tâm", "quá sùng bái sự hoàn hảo". Về tính cầu toàn, theo lời CEO đầu tiên của Apple là Michael Scott, Jobs từng dành hàng tuần để suy tính xem thùng máy Apple II nên được thiết kế theo hướng tròn trịa tới đâu. Đổi lại cho sự khắt khe trong lao động đó là Apple đã cho ra đời những sản phẩm bắt mắt, thân thiện với người dùng và có chất lượng rất cao.

Người khó ai có thể sánh được

Dưới sự lãnh đạo của Jobs, Apple đang ganh đua với Exxon Mobil để trở thành doanh nghiệp có cổ phiếu cao giá nhất Mỹ và thế giới. Nhưng khi ông đang ở đỉnh vinh quang thì vận đen lại đeo bám.

Căn bệnh ung thư quái ác xuất hiện hồi năm 2004 đã khiến Jobs phải tạm xa công việc ở Apple. Sức khoẻ của ông xuống đi nhanh chóng sau đó và gan ông đã từng bị hỏng hồi năm 2009. Tháng 8 năm nay, Jobs đã từ chức CEO của Apple khi thấy sức khoẻ không còn đủ để đảm đương trọng trách này. Không ai nghĩ rằng ông có thể ra đi nhanh thế.

Cái chết của ông đã khiến bạn bè và cả địch thủ tiếc thương. "Thế giới hiếm khi thấy ai có tác động sâu rộng như Steve và tác động này sẽ còn được hàng thế hệ tương lai cảm nhận. Với những người chúng tôi đã có may mắn được làm việc cùng với ông ấy, đó là một vinh dự vô cùng lớn lao" - đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, người từng là kỳ phùng địch thủ với Jobs tâm sự với hãng tin Reuters

"Steve là người giỏi nhất trong những người giỏi nhất" - Marc Andreessen, đồng sáng lập công ty Netscape Communications đánh giá - "Như Mozart và Picasso vậy, có thể sẽ không ai sánh được với ông"

Tường Linh (Tổng hợp từ báo chí nước ngoài)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link