(Bài dự thi) - Từ trên lầu cao ở trung tâm thành phố Long Xuyên nhìn sang, chúng ta có thể thấy cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, nằm trải dài trên dòng Hậu Giang khá đẹp mắt.
Muốn qua cù lao phải sang đò Ô Môi, ấp Mỹ An. Cù lao Ông Hổ có diện tích khoảng 15 km2, dài hơn 9 km, chỗ rộng nhất đến 3 km với hai cồn: cồn nhỏ là ấp Mỹ Thạnh, cồn lớn có năm ấp : Mỹ Thuận, Mỹ Hiệp, Mỹ An, Mỹ Khánh và Mỹ Long. Thả bộ trên cù lao, thỉnh thoảng du khách phải qua những cây cầu ván hay cầu mới đúc duyên dáng dưới vòm cây, làn nước xanh um. Sông Hậu đưa nước dẫn cá vào đìa... Tảng sáng, ngoài sông dập dìu xuồng câu, xuồng lưới, mặt sông luôn vui nhộn. Ban đêm mặt nước lốm đốm ánh đèn giăng giăng gợi nhớ câu thơ cũ : “Giang phong ngư hỏa”... vui vui, chớ không buồn bã như điệu vọng cổ u hoài. Cù lao Ông Hổ bốn mùa lúa rập rờn xanh tốt, cây trái trĩu cành...
Người dân Angiang rất tự hào về mãnh đất đã sản sinh ra hạt giống Cách mạng chuyển đến nhiều nơi trong vùng châu thổ; cũng là nơi cất tiếng khóc chào đời của người lính thợ kiên cường trên Hắc Hải – nơi chôn nhau-cắt rốn của người Cộng sản mẫu mực, nhà Cách mạng lão thành vô cùng kính mến: Bác Tôn Đức Thắng! Nhà Bác Tôn ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, ngôi nhà sàn ba gian, hai chái, lợp ngói âm dương như nhiều ngôi nhà khác ở nông thôn Nam Bộ. Chính tại căn nhà ấm áp này, vào ngày 20/8/1888, Bác Tôn Đức Thắng đã chào đời. Người Cộng sản kiên cường sinh ra từ một trong những hạt nhân chủ chốt của phong trào đấu tranh Cách mạng ở Nam kỳ. Ngày nay, trên Cù lao Ông Hổ đã được xây dựng, trùng tu khu di tích lịch sử văn hóa và khu lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn được với mười hạng mục công trình như : Đền tưởng niệm Bác Tôn, Nhà lưu niệm, Công viên, Phòng trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Tôn Đức Thắng với hơn 100 ảnh kỷ niệm và trên 35 hiện vật: radio, giày dép, quần áo…
Đặc biệt là chiếc chuyên cơ nặng hơn 10 tấn với sức chở hơn 40 người đã từng chở Bác Tôn và các nguyên thủ Quốc gia từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh dự lễ trọng đại “giải phóng miền Nam-thống nhất đất nước”… Khu lưu niệm tạo nên một bức tranh hoành tráng, tuyệt mỹ và không kém phần tôn nghiêm, cuốn hút khách trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng... Đến Cù lao Ông Hổ, khách du lịch còn được nghe nhiều huyền thoại đậm màu sắc hoang đường dã tưởng về địa danh này: “… Ngày xưa, hồi đất này còn là một cồn nhỏ, cây cỏ mọc rậm rạp một cách hoang vu, bãi bồi bi bít lau sậy, ô rô… Hổ, Báo từ vùng Thất Sơn hùng vĩ thường về kiếm ăn. Nhưng dần dần con người đến đây sinh cơ lập nghiệp ngày một đông nên cồn được phát hoang trống trãi, Hổ-Báo lần lượt lặng lẽ vượt sông về Thất Sơn. Tuy nhiên, năm-ba tháng đầu vẫn còn gặp dấu hổ rải rác trên đất cồn. Chắc nhớ đất xưa, rừng cũ nên Hổ ta lặn lội về thăm lại Cù lao. Vào một đêm trăng sáng, dân làng chợt thấy một con Hổ to cỡ con bò ngồi lặng im trên đầu cồn nhìn xuống Cù lao. Dân làng hò nhau tay gậy, tay dao cùng đuổi Hổ. Lạ thay, Hổ không hốt hoảng cắn người mà ung dung đập đuôi nhảy tỏm xuống nước lội qua sông, ngất ngưỡng đi về hướng Thất Sơn… Dân làng bàn tán xôn xao: Cọp sao không hại người ? Cọp còn nhớ xóm cũ về thăm ? Nếu vậy thì không phải Cọp mà là thần Hổ về viếng đất Cồn… Kể từ đó, dân làng dựng lên một ngôi Miếu thờ Ông Hổ. Ngôi Miếu Ông Hổ hiện vẫn còn trên đất Cù lao…”
Đất An Giang xưa cũng hội tụ nhiều nhà yêu nước, vì nơi đây chiến tranh liên miên, biên cương luôn nóng bỏng. Do đó, đất nước phải đưa đến đây cũng ảnh hưởng phần nào những gương yêu nước đó nên cũng sản sinh nhiều hào kiệt mà Bác Tôn là một trong những người nặng nợ với nước non… Bên kia sông, cách Cù lao Ông Hổ một chuyến đò ngang là Chợ Mới đang sôi sục những cuộc đấu tranh chống thuế, chống áp bức, nhân dân nổi dậy đốt nhà dây thép Tây, treo cờ Đảng giăng ngang cột dây thép Long Điền-Tấn Mỹ… Cù lao Ông Hổ cùng đứng chung với Long Điền, Long Kiến, Mỹ Luông, Cù lao Gieng… qua các phong trào Cách mạng. Bấy giờ, cậu hai Thắng đã nung nấu ý chí yêu nước, thương dân… Đi sâu hơn một bước dài nữa trong cuộc đời Bác Tôn - người lính thợ Việt Nam đã hăng hái lao vào cuộc phản chiến của hải quân Pháp trên chiếc hạm Van-đec-rút-xô trên vùng tàu Ô-đet-xa. Qua cuộc họp bí mật trên tàu vào tháng 4/1919 người thợ máy Việt Nam Tôn Đức Thắng đã quyết định không để cho những khẩu đại bác ở trên tàu bắn vào các bạn Xô Viết Nga anh em. Chính người thợ máy Tôn Đức Thắng đã làm binh biến và đã kéo lá cờ đỏ trên cột cờ chiếc hạm Van-đec-rút-xô. Chính ngày tháng ấy, người con yêu của Cù lao Ông Hổ-cách Hắc Hải mấy Đại dương đã đứng lên bảo vệ Cách mạng tháng Mười Nga bằng lời nói quyết liệt chân thành, bằng hành động kéo cờ phản chiến!…
Chúng ta rất tự hào về lá cờ lẻ loi băng giá trên biển Đen. Lá cờ được kéo lên từ bàn tay bác Tôn Đức Thắng - một người Việt Nam sinh ra từ cồn cát Cù lao Ông Hổ!…
Trần Trọng Trung