20/10/2016 10:28 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ khi giải Nobel văn học được công bố (13/10), Ủy ban Nobel không hề nhận được bất cứ sự phản hồi nào của Dylan và cũng không thể liên lạc với ông.
Những “ca khó” trong lịch sử
Nhưng, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Dylan vẫn tiếp tục im lặng sau những lần liên lạc của Viện Hàn lâm Thụy Điển?
Nhà triết học hiện sinh, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia Pháp Jean-Paul Sartre là người duy nhất đoạt giải Nobel Văn học và sau đó từ chối giải thưởng. Năm 1964, ông đã viết một bức thư gửi tới Ủy ban Nobel đề nghị không cân nhắc trao giải cho ông. Nhưng thời đó chưa có thư điện tử và lá thư của ông chỉ tới được tay Ủy ban Nobel sau khi họ đã có quyết định trao giải cho Sartre.
“Sẽ là khác nhau giữa việc tôi ký Jean-Paul Sartre và ký Jean-Paul Sartre, người đoạt giải Nobel” - Jean-Paul Sartre phàn nàn vào thời điểm đó. “Một nhà văn nhất thiết phải từ chối cho phép mình gắn với một tổ chức hay thiết chế nào, kể cả khi nó diễn ra theo nghi thức danh giá và đáng được tôn trọng nhất”.
Bob Dylan
“Có thể Satre từ chối nhận tiền giải thưởng (hiện nay là 900.000 USD), nhưng ông không thể từ chối giải thưởng. Theo quy chế của tổ chức Nobel, các giải thưởng Nobel không bao giờ được phép trả lại hoặc hủy bỏ” –Ủy ban Nobel vào thời điểm đó tuyên bố.
Tuy Sartre đã từ chối giải Nobel Văn học, song Ủy ban Nobel vẫn đưa ông vào danh sách các nhà văn đã đoạt giải. Nhưng có tin đồn, (mặc dù chưa bao giờ được xác nhận): sau đó Jean-Paul Sartre lại... đòi tiền thưởng của giải.
Trước đó, vào năm 1958, nhà văn Xô Viết Boris Pasternak, tác giả tiểu thuyết bất hủ Bác sĩ Zhivago, cũng đã từ chối nhận giải Nobel Văn học do những áp lực chính trị. “Nhìn về ý nghĩa của giải thưởng với xã hội mà tôi đang sống, tôi buộc phải từ chối giải thưởng này. Mong các vị không phật ý với sự tự nguyện từ chối của tôi” – Pasternak đánh điện gửi Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển.
Hoặc, nhà văn Xô Viết Aleksandr Solzhenitsyn cũng đã không tới Stockholm để nhận giải thưởng trao cho mình hồi năm 1970, bởi ông lo ngại không thể trở về quê hương sau khi nhận giải. Trong bối cảnh khi đó Solzhenitsyn đã đề nghị Ủy ban Nobel tổ chức lễ trao giải cho ông tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Moskva, nhưng không được chấp nhận. Vì vậy ban đầu ông đã từ chối giải Nobel Văn học, nhưng vào năm 1974 ông đã chính thức nhận giải này khi đã ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, một số nhà văn cũng đã vắng mặt trong lễ trao giải với những lý do khác nhau. Điển hình, Harold Pinter và Alice Munro đã vắng mặt tại các lễ trao giải hồi năm 2005 và 2013 do vấn đề sức khỏe.
Muốn từ chối cũng... không được
Viện Hàn lâm Thụy Điển tuyên bố đã từ bỏ cố gắng liên lạc với Dylan. “Giờ chúng tôi chẳng làm gì cả. Tôi đã gọi điện, gửi thư điện tử cho cộng sự gần gũi nhất của Dylan và đã nhận được những hồi âm rất thân thiện. Như vậy là quá đủ rồi. Nhưng tôi chẳng lo ngại điều gì. Dylan sẽ lên tiếng” - bà Sara Danius, Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển, nói.
Bà Danius nhấn mạnh: "Dù huyền thoại âm nhạc có thừa nhận nó hay không thì Viện Hàn lâm vẫn tổ chức đại tiệc và danh hiệu vẫn thuộc về ông”.
Và, cùng với những trường hợp tương tự trong quá khứ, rất nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định: Cho dù Dylan có thể “lờ tịt” giải thưởng này theo ý thích, chắc chắn ông vẫn “phải” là chủ nhân của giải Nobel Văn học năm 2016.
Thậm chí, nhiều người cũng đã nghiên cứu lịch lưu diễn của Bob Dylan trong thời gian tới. (Từ năm 1988 đến nay, Dylan liên tục lưu diễn). Các thông tin cho biết: Ông sẽ kết thúc chuyến lưu diễn hiện nay vào ngày 23/11. Nhưng nhiều khả năng, Dylan... không có show vào ngày Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển tổ chức trao giải.
Dù gì đi chăng nữa Viện Hàn lâm Thụy Điện vẫn hy vọng Dylan sẽ nhận lời mời để tới nhận giải vào ngày 10/12 ở Stockholm. “Sẽ thật vui nếu như Dylan muốn tới Stockholm và nhận giải” - Danius nói thêm.
Nếu tới Stockholm để nhận giải Nobel Văn học thì đây không phải là lần đầu tiên Bob Dylan được diện kiến và nhận giải từ tay Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf. Vào năm 2000, ông đã nhận giải Âm nhạc Polar do Vua Carl XVI Gustaf trao tặng.
Tranh cãi vẫn tiếp diễn Cuộc tranh cãi về giải thưởng Noebl Văn học của Bob Dylan vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Gần nhất, nhà Pháp gốc Moroc Pierre Assouline bày tỏ sự tức giận và mô tả quyết định của Ủy ban Nobel là “khinh bỉ các nhà văn”. Còn nhà văn Karl Ove Knausgaard tỏ ra “nước đôi” hơn. Ông nóivới tờ Guardian: “Tôi đang trong tâm trạng rất mâu thuẫn. Tôi đồng tình với cách Ủy ban Nobel đang mở rộng tới các thể loại khác trong văn học. Đây là một hướng đi sáng suốt. Tuy nhiên, tôi lại không thể coi Dylan ngang hàng với Pynchon, Philip Roth, Cormac McCarthy”. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất