12/02/2013 13:55 GMT+7 | Đức
(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi bay sang Thụy Sĩ để tham dự gala trao giải Quả bóng vàng 2012 do FIFA tổ chức, tiền vệ Andreas Iniesta đã dành cho El Pais, nhật báo hàng đầu Tây Ban Nha, một cuộc phỏng vấn đặc biệt nhân kỷ niệm 10 năm khoác áo Barcelona, mà trong đó, anh nhấn mạnh rằng “điều quan trọng không phải thành công, mà là con đường dẫn đến thành công”.
Thành công của Dortmund khiến Real Madrid cũng phải khâm phục và ngưỡng mộ
Trong bóng đá, Iniesta cũng không phải là người đầu tiên đặt vấn đề con đường dẫn đến thành công lên trên kết quả cuối cùng. Nhưng vào thời buổi bóng đá chịu tác động ghê gớm từ sức mạnh đồng tiền, có được vài lời như của Iniesta, những người làm và yêu bóng đá chân chính chắc hẳn đều cảm thấy ấm lòng, nhất là khi hơn một nửa thế giới đang chìm giữa mùa Đông giá rét.
Barcelona của Iniesta là một ví dụ điển hình. Những thành công trên sân cỏ của đội bóng xứ Catalunya trong khoảng gần mười năm trở lại đây, với năm chức vô địch Tây Ban Nha, hai Cúp Nhà vua và ba chức vô địch Champions League, thực sự quá ấn tượng. Barcelona cần cũng cần rất nhiều tiền để mua cầu thủ và đặc biệt, trả lương cao ngất ngưởng cho các ngôi sao. Nhưng vượt lên tất cả, triết lý xây dựng đội bóng xuyên suốt từ lớp măng non đến thế hệ trưởng thành mới thực sự là chìa khóa dẫn đến thành công.
Dortmund ở Bundesliga là một ví dụ khác về triết lý xem CLB như một gia đình lớn. Đội bóng từng đứng bên bờ vực phá sản ấy, đã phải bán đi những cầu thủ tốt nhất, bán cả tên sân vận động vốn là một niềm tự hào, tiết kiệm đến từng xu chi phí hoạt động, đang trở lại là một thế lực lớn ở châu Âu, như khi họ giành chức vô địch Champions League năm 1997 sau chiến thắng trước Juventus nhờ pha lập công của Lars Ricken, cầu thủ vào sân từ băng ghế dự bị.
Đội bóng là một phần cơ thể
Ở nước Anh, nơi vẫn được xem là quê hương của bóng đá, trước cuộc gặp giữa Man City và Dortmund tại vòng bảng Champions League, dường như CĐV chỉ biết đội bóng Đức là một thế lực mới nổi, thống trị Bundesliga trong hai năm gần đây. Có thể, họ cũng tượng tượng một cách mơ hồ rằng đối thủ này cũng chỉ mới phất lên để đối đầu ngang hàng với người khổng lồ Bayern Munich, một kiểu như Man City trong tương quan so sánh với Man United.
Trước đó, lần cuối cùng cái tên Dortmund được nhắc đến ở nước Anh có lẽ là từ vụ chuyển nhượng Tomas Rosicky sang Arsenal vào năm 2006, một phi vụ quá nhỏ bé nếu so sánh với thị trường chuyển nhượng ngày càng phình to về chi phí của bóng đá Anh. Chelsea hay Man City vẫn có cái gốc rễ của mình, nhưng những giá trị truyền thống ấy đã bị tiền bạc của các tỷ phú ngoại quốc chà đạp. Thông qua những vụ chuyển nhượng “bom tấn”, Chelsea hay Man City có thể “mua” được các danh hiệu, nhưng không mua được lòng trung thành của cổ động viên.Trừ một số ít trung thành vẫn còn sót lại, những CĐV mới đến với Chelsea hay Man City chỉ coi các SVĐ có những đội bóng này thi đấu là một nơi để tiêu khiển, chứ không phải là nơi để sát cánh, thậm chí xả thân vì thứ mà người hâm mộ Barcelona hay Dortmund vẫn xem là “một phần máu thịt”. Khi đội bóng được ví như một phần cơ thể, thì thành tích sân cỏ không còn là yếu tố quan trọng. CĐV sẵn sàng trung thành, dù cơ thể ấy có ốm yếu hay nhiều khiếm khuyết, miễn sao đội bóng ấy vẫn là chính họ, không bị tiền bạc làm thay đổi bản chất.
Hà Minh Chi
Thể thao & Văn hóa
Những bí kíp của Dortmund Bí kíp luyện sao Dortmund đang sở hữu dàn cầu thủ trẻ và tài năng bậc nhất nước Đức, thậm chí cả châu Âu nhờ một hệ thống đào tạo trẻ tuyệt vời. Nhưng trong tương lai, Dortmund còn có thể làm tốt hơn nhờ “cỗ máy” phục vụ cho luyện tập có tên Footbonaut - một căn phòng công nghệ cao có diện tích 14 m2 trị giá tới 1,3 triệu Euro, cung cấp cho các cầu thủ một hệ thống tập luyện với trái bóng hết sức tân tiến. Mỗi cầu thủ khi tập luyện trong Footbonaut sẽ đứng giữa căn phòng và nhận bóng từ mọi hướng với các tốc độ khác nhau rồi sau đó đưa bóng vào mục tiêu là một trong 72 ô vuông. Việc tập luyện này sẽ giúp cải thiện khả năng kiểm soát và chuyền bóng chính xác. Tất cả các thông số tập luyện của các cầu thủ sẽ được chuyển đến máy tính để HLV nắm chính xác điểm mạnh - yếu của từng người. Bí kíp giữ sao Bất chấp sự săn lùng ráo riết của nhiều đội bóng lớn từ khắp châu Âu, hàng loạt ngôi sao của Dortmund lần lượt gia hạn, với thời gian cam kết gắn bó ngày càng dài hơn. Mới nhất, Dortmund vừa gia hạn với trung vệ 24 tuổi người Serbia Neven Subotic đến năm 2016 và tiền vệ phòng ngự 23 tuổi người Đức Sven Bender đến năm 2017. Với bản hợp đồng mới, cả hai đều nhận được mức lương xấp xỉ con số 3 triệu Euro/năm. Dortmund đã dùng chính sợi dây tình cảm đặc biệt để trói buộc các cầu thủ, dù họ là người Đức như Bender, hay ngoại quốc như Subotic. Không đâu bằng gia đình, và một khi cảm nhận được Dortmund như một gia đình, thì chẳng có lý do gì phải đi đâu cả. Bí kíp kiếm tiền Năm tài khóa 2011-2012 của Dortmund khép lại trong thắng lợi rực rỡ, với doanh thu lên tới 215,2 triệu Euro. Nhờ năm thứ hai vô địch Bundesliga và giành thêm Cúp quốc gia, doanh thu của Dortmund tăng với tỷ lệ chóng mặt: 42,1%. Khoản lợi nhuận trước thuế của Dortmund dự kiến là 39,3 triệu euro, con số mơ ước với hầu hết các đội bóng ở châu Âu vào thời buổi khủng hoảng. CEO Hans-Joachim Watzke nhấn mạnh rằng một nửa lợi nhuận của Dortmund là từ việc bán cầu thủ, như Kagawa cho M.U (16 triệu euro) hay Barrios cho Guangzhou Evergrande (10 triệu euro). Nhưng trên thực tế, đột phá nguồn thu lại đến từ hợp đồng tài trợ và việc bán hàng (57,8 triệu euro), bản quyền truyền hình (60 triệu euro) và các hình thức chia sẻ doanh thu cũng như thưởng khác (xấp xỉ 33 triệu euro). |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất