Đánh bom ở Bangkok: Hàng loạt ẩn số quanh gã áo vàng và quả bom ống nước cực kỳ phức tạp

19/08/2015 06:50 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/8, cơ quan điều tra Thái Lan đã tập trung chú ý vào một gã đàn ông mặc áo vàng, được xem là nghi phạm đã gây ra vụ đánh bom chết chóc tại một đền thờ Hindu giáo đông người lui tới ở Thái Lan.

Vụ đánh bom thánh đường Erawan, diễn ra trong ngày 17/8, làm ít nhất 22 người chết và 120 người khác bị thương. Sau khi xem xét chứng cứ sơ bộ, cảnh sát tin chắc rằng gã áo vàng là thủ phạm.

Gã áo vàng “là kẻ đánh bom”

Họ đã công bố hình ảnh và video thu từ camera giám sát cho thấy gã này khoác ba lô trên vai và tay cầm một chiếc túi khác. Gã đi tới một chiếc ghế nằm ngoài thánh đường Erawan rồi ngồi xuống. Tiếp đó gã cởi ba lô vứt lại và lên một chiếc xe tuk tuk để rời hiện trường.

Cảnh sát nói rằng bên trong chiếc ba lô này là một quả bom nặng khoảng 3kg. Khi quả bom phát nổ, nó đã gây tàn phá chết chóc khủng khiếp. “Gã áo vàng không chỉ là nghi phạm. Gã là kẻ đánh bom” – phát ngôn viên cảnh sát Bangkok, Thiếu tướng Prawut Thavornsiri, tuyên bố với hãng tin AP.


Camera giám sát đã ghi lại nhiều hành động đáng ngờ của nghi phạm đánh bom mặc áo vàng

Hiện vẫn còn rất nhiều bí ẩn vây quanh nhân vật này. Giám đốc cảnh sát Thái Lan, Tướng Somyot Poompanmoung, nói rằng nhà chức trách không biết rõ danh tính của nghi phạm. Họ cũng chẳng biết gã là công dân Thái Lan hay người ngoại quốc.

Ngoài ra, chưa rõ gã đã hành động một mình hay có sự trợ giúp của kẻ khác; động cơ đánh bom của gã là gì; liệu gã có liên quan tới quả bom thứ hai đã phát nổ trong ngày 18/8, tại cầu Taksin ở Bangkok? "Chúng tôi cần thêm nhiều chứng cứ, trước khi có thể đưa ra bất kỳ kết luận nào” – ông nói với các phóng viên tại cuộc họp báo, cho biết thêm rằng cảnh sát đang xem xét kỹ các video giám sát, được ghi lại trong vòng hơn 10 ngày qua, thu từ các camera giám sát quanh hiện trường vụ đánh bom.

Bàng hoàng trước vụ nổ khủng khiếp

Trong lúc này, các nhân chứng ở Thái Lan vẫn chưa hết sốc trước vụ khủng bố thánh đường Erawan. “Cảm giác giống như một cơn gió cực mạnh, cuốn theo nhiều mảnh vỡ, thổi ngang người bạn vậy” - Sanjeev Vyas, một DJ tới từ Mumbai, Ấn Độ, đã vô tình chứng kiến vụ khủng bố, cho biết – “Rồi tôi thấy thi thể nằm ở khắp mọi nơi, những chiếc xe hơi bốc cháy, xe máy ngã đổ khắp nơi, mọi người la hét trong hoảng loạn.”

Marko Cunningham, một nhân viên y tế thuộc Lực lượng cứu thương miễn phí Bangkok, đã tới hiện trường ngay sau khi bom phát nổ, nói rằng khung cảnh anh nhìn thấy thật kinh hãi. “Tôi chưa từng thấy  cảnh tượng thật khủng khiếp như lần này” - anh kể, cho biết không ít nạn nhân đã bị gãy rất nhiều chiếc xương trên cơ thể, bên cạnh các thương tật khác.

Hiện chưa có kẻ nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, với tiềm năng gây hại lớn tới ngành du lịch Thái Lan, vốn có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Thái Lan từng hứng chịu một số vụ đánh bom quy mô nhỏ và tấn công bằng lựu đạn trong năm ngoái. Tháng 2 năm nay, 2 quả bom nhỏ tiếp tục phát nổ tại một trung tâm mua sắm ở Bangkok.

Tuy nhiên vụ đánh bom mới rất khác với những vụ kể trên. "Đây là vụ tấn công có sức tàn phá lớn nhất mà Bangkok, và có thể là cả Thái Lan, từng chứng kiến" - Joseph Liow, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á Brookings, cho biết.

Quá nhiều điều gây khó hiểu

Các nhà quan sát nói rằng vụ tấn công cũng không hề giống hoạt động bạo lực do những kẻ Hồi giáo phiến loạn ở miền Nam Thái Lan thường thực hiện. “Các vấn đề của họ (phiến quân Hồi giáo) chỉ bó hẹp trong quy mô địa phương và họ cũng chỉ tấn công các mục tiêu quân đội, an ninh” - chuyên gia phân tích Bobby Ghosh của CNN nhận xét – “Họ không thực hiện một vụ tấn công với mục đích khủng bố như kiểu này và nhằm vào dân thường, chưa nói tới du khách. Vụ này không có dấu hiệu cho thấy họ đã nhúng tay vào.”

Đây cũng là quan điểm của Matthew Wheeler, chuyên gia phân tích an ninh tại khu vực Đông Nam Á của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG). Ông cho rằng các vụ đánh bom mới diễn ra chỉ cho thấy đây là “một dạng tấn công mới nhằm vào Bangkok”.

Một số chuyên gia đánh giá vụ tấn công có thể liên quan tới những bất ổn chính trị mà Thái Lan vẫn phải đối mặt trong mấy năm gần đây. Quân đội Thái giành quyền sau một cuộc đảo chính hồi năm 2014 và tới nay vẫn chưa khôi phục chính quyền dân sự.

“Có những nhóm chính trị phản đối quân đội cầm quyền. Nhưng họ là những người dân chủ và đây cũng không phải phong cách của họ” - Ghosh nói - “Họ không đi lòng vòng và đánh bom người vô tội. Ngoài ra, gây hại tới nền kinh tế Thái Lan là điều họ ít mong muốn nhất.

Cunningham, viên y tá đã chứng kiến hiện trường vụ đánh bom, nói rằng thứ vũ khí dùng trong vụ này được thiết kế để tăng tối đa thiệt hại và số người chết. Theo Cunningham, đây không phải loại bom mà các nhóm chính trị Thái Lan vẫn dùng.

Báo chí Thái Lan dẫn lời ông Somyot cho biết quả bom gây họa là một dạng bom ống nước, được bọc kỹ trong vải. Nhưng chuyên gia an ninh và tình báo của CNN là Bob Baer đã nghi ngờ điều này. “Thật bất thường khi thiệt hại lớn tới vậy và số người chết cũng rất cao” – ông nói – “Đây hẳn phải là một quả bom ống nước cực kỳ phức tạp, bởi thứ vũ khí này thường không giết nhiều người tới vậy”.

Tường Linh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link