Danh ca Hương Lan: Đẳng cấp đáng nể của người từng dạy cho Quang Lê, được gọi là mẹ

02/03/2023 14:40 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Hương Lan tuy đi sau nhiều danh ca lớn nhưng lại có được lối hát Bolero hoàn toàn riêng, kỹ thuật nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc, chân phương, phát huy cảm xúc, âm sắc tự nhiên và biết tiết chế, xử lý tinh tế.

Kỹ thuật điêu luyện của một danh ca không qua trường lớp

Danh ca Hương Lan sinh năm 1956 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cô là con gái của nghệ sĩ cải lương Hữu Phước nên từ nhỏ đã được dạy hát và tiếp xúc với âm nhạc. Hương Lan bước lên sân khấu từ rất sớm, được báo giới ngày đó gọi là "thần đồng".

Sau này, Hương Lan nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình quê hương, dân ca và Bolero. Cô sở hữu tiếng hát đẹp lộng lẫy và mùi mẫn cảm xúc, cùng kỹ thuật hát dân ca điêu luyện ít ai sánh kịp, được xem là đàn chị, người thầy của nhiều thế hệ ca sĩ.

Danh ca Hương Lan: Đẳng cấp đáng nể của người từng dạy cho Quang Lê, được gọi là mẹ - Ảnh 1.

Hương Lan hồi xưa

Dù nổi tiếng muộn hơn và thuộc thế hệ đàn em, nhưng Hương Lan xứng đáng được xếp ở vị trí Danh ca, cùng các bậc tiền bối như Thanh Thúy, Hà Thanh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Hoàng Oanh.

Điều nổi bật ở Hương Lan là dù không được học hành trường lớp bài bản nhưng lại nổi tiếng có kỹ thuật cực kỳ điêu luyện, đứng đầu trong các nữ ca sĩ hát nhạc trữ tình quê hương miền Nam.

Đa số ca sĩ chỉ phát triển quãng trầm, trung, hoặc cao tương ứng với loại giọng của họ. Nhưng ở Hương Lan, trình độ điều khiển giọng hát đã đến bậc thượng thừa. Cô có thể hát đẹp ở cả ba quãng trung, trầm, cao với sự nhất quán về âm sắc và support, cũng như độ tự nhiên, không chút khác biệt.

Dù là light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh) nhưng quãng trầm của Hương Lan rất tốt. Cô có thể xuống tới C3, support F3 đầy sức nặng và vô cùng rõ ràng. Hương Lan hát trầm còn tốt hơn cả một nữ trung như Lệ Quyên.

Chẳng hạn, trong Liên khúc Lòng mẹ - Ca dao mẹ, nếu Lệ Quyên mất kiểm soát và bị mờ đi ở G3 thì Hương Lan lại tỏ ra vững chãi và phát ra một cách dễ dàng.

Hương Lan hát trầm tròn vành và chắc nịch, nhưng quãng cao cũng vô cùng đẹp, ngang ngửa với các nữ cao khác như Ý Lan hay Hồ Quỳnh Hương.

Chẳng hạn, trong màn song ca Đố ai, nếu Ý Lan hơi mất kiểm soát ở C5 thì Hương Lan lại bình tĩnh đưa note nhạc đó lên một cách nhẹ nhàng nhất có thể.

Hương Lan chuyển giọng cũng rất tốt, không lộ liễu như Hoàng Oanh, và thậm chí ngọt hơn cả bậc thầy Thái Thanh. Thế nên, khi cô chuyển từ giọng thật sang giọng giả thanh, khán giả vẫn cảm thấy có sự liên kết liền mạch, mịn màng.

Danh ca Hương Lan: Đẳng cấp đáng nể của người từng dạy cho Quang Lê, được gọi là mẹ - Ảnh 2.

Chẳng hạn, trong màn song ca Đố ai, Hương Lan ngân lên chữ "đố" và chuyển từ giọng thật qua giả thanh một cách ngọt ngào như dòng suối, kèm ngân rung tự nhiên vô cùng đẹp, như đưa người nghe vào một giấc mơ.

Không những vậy, và làn hơi bất tận của cô còn kéo dài từ chữ "đố" đến hết câu hát tiếp theo.

Có thể thấy, chỉ với một câu hát, Hương Lan đã thực hiện được những kỹ thuật chuẩn mực nhất của thanh nhạc cổ điển, từ vị trí âm thanh chuẩn xác, làn hơi vững chắc tới khả năng chuyển quãng linh hoạt và vibrato (ngân rung) vô cùng tự nhiên.

Là một cây đại thụ của dòng nhạc Bolero nên kĩ thuật luyến láy của Hương Lan thực sự đạt tới mức thượng thừa, ít ai sánh kịp. Một trong những kĩ thuật đỉnh cao cô từng thực hiện là mezzo trillo.

Trillo (rung láy) là hát láy đi láy lại 2 note liên tiếp với tốc độ cao. Trillo đôi khi được kết hợp với một note cao ngân dài ngân dài sử dụng vibrato. Đây là kĩ thuật khó của dòng Opera Bel Canto Ý, rất hiếm khi được sử dụng trong nhạc đại chúng. Ngay cả trên thế giới, cũng rất ít diva thực hiện được trillo.

Tuy nhiên, Hương Lan vẫn dư sức sử dụng mezzo-trillo (rung láy ngắn) một cách nhẹ nhàng.

Có thể thấy, dù không qua trường lớp bài bản, nhưng kĩ thuật hát của Hương Lan rất tốt và thực hiện được cả những trang trí màu sắc, hoa mỹ. Nhưng vì yêu cầu của Bolero là sự mộc mạc, chân thành, nên khán giả ít thấy cô vắt vẻo những kĩ thuật phức tạp vào bài hát.

Danh ca Hương Lan: Đẳng cấp đáng nể của người từng dạy cho Quang Lê, được gọi là mẹ - Ảnh 3.

Hương Lan hát Bolero với tâm hồn của người con vọng cổ, cải lương, nên tạo ra một chất nhạc rất riêng, thấm đẫm màu sắc dân gian, dân ca. Với người nghe Bolero hiện đại, cách hát này có vẻ hơi cũ, nhưng lại là cách hát thuần Việt nhất.

Nói cách khác, Hương Lan đã biến Bolero từ dòng nhạc ngoại lai thành âm hưởng trọn vẹn của dân tộc.

Người thầy, người mẹ đáng kính của nhiều thế hệ ca sĩ

Hương Lan sở hữu kỹ thuật hát điêu luyện cùng một lối sống chuẩn mực, lại luôn giúp đỡ, chỉ dẫn các đàn em khi mới vào nghề. Vì vậy, cô được nhiều ca sĩ kính trọng học hỏi. Có nhiều ca sĩ còn gọi Hương Lan là "mẹ" để thể hiện tình cảm ngưỡng mộ, trân quý của họ.

Ca sĩ Leon Vũ trong đã tâm sự rằng, chính Hương Lan là người dạy anh hát tiếng Việt cho hay và tròn vành, rõ chữ. Anh nói: "Tôi là con lai, lại sống ở Mỹ từ nhỏ nên có được nói tiếng Việt mấy đâu, nói câu nào cũng nhét nửa Anh nửa Việt vào. Để nói và hát tiếng Việt chuẩn như ngày hôm nay, tôi phải cám ơn má hai Hương Lan.

Chính má Hương Lan bắt tôi phải học tiếng Việt, tự cầm bản nhạc tiếng Việt lên hát sao cho đúng. Có lần tôi đi hát mà run tới mức hát không nổi, tiếng nọ xọ tiếng kia.

Má hai Hương Lan thấy thế mới bắt tôi in bản nhạc tiếng Việt ra, tự cầm lên đọc tới đọc lui, mà phải đọc bằng giọng Bắc nó mới chuẩn. Vốn dĩ má Hương Lan không nhận học trò nhưng thương tôi nên dạy tôi hát.

Không chỉ đọc, tôi còn được má Hương Lan chỉ cho cách hiểu từng câu ca từ, luyến láy.

Hồi đó, tôi và má Hương Lan đi thu âm với nhau mà vào phòng thu từ 8 giờ tối, tới 12 giờ khuya vẫn chưa thu xong, mệt mỏi lắm. Tôi không thể thu được vì hát tiếng Việt không chuẩn. Má Hương Lan bảo tôi phải học hát lại tiếng Việt bằng được thì mới cho thu âm". (Nguồn: Thanhnien).

Danh ca Hương Lan: Đẳng cấp đáng nể của người từng dạy cho Quang Lê, được gọi là mẹ - Ảnh 4.

Hương Lan và Quang Lê

Hương Lan cũng chính là người hướng dẫn Quang Lê cách hát Bolero cho đúng, có hồn để chiếm được tình cảm khán giả. Trên kênh Youtube chính thức của mình, nam ca sĩ chia sẻ với khán giả:

"Tôi may mắn được nhờ mẹ Hương Lan dạy hát cho nên mới được như ngày hôm nay. Nói thật, trường phái của tôi và mẹ Hương Lan khác nhiều người lắm.

Nhiều người nghe tôi và mẹ Hương Lan hát không quen, muốn phải ngân nga tràn giang đại hải thì mới chịu nhưng hai mẹ con tôi không hát như thế.

Thực sự, hồi đó tôi chưa được đi học hát ở ai bao giờ. Tôi chỉ nghĩ rằng, hát là cứ phải luyến mới hay. Tôi chưa được định hình phong cách, lối hát.

Bác giám đốc trung tâm Thúy Nga nghe xong mới bảo: "Mày thu đĩa này tao thấy hay lắm nhưng có một bài mày hát rất dở".

Tôi hoang mang, hỏi bây giờ phải làm sao để hát hay hơn thì bác ấy bảo: "Mày phải nghe Hương Lan". Từ đó, tôi mới tìm đến mẹ Hương Lan xin học.

Lần đầu đến gặp mẹ Hương Lan, mẹ có bảo tôi: "Con hãy chờ đi, 10 năm sau con nghe lại bản thu này sẽ thấy khác". Quả nhiên, bây giờ tôi không thể nghe lại được bản thu ấy.

Kể cả bài hit Sương trắng miền quê ngoại. Hồi xưa tôi vừa vào câu đầu đã luyến, mẹ Hương Lan còn bảo nghe sợ quá nhưng giờ ai nghe tôi hát sẽ thấy không còn luyến nhiều như thế nữa.

Tất cả là kỷ niệm của 18 năm trước. Hồi đó tôi mới lên hát nên khán giả nghe không thuận tai vẫn chấp nhận được. Bây giờ, tôi đã thay đổi cách hát nhiều so với ngày xưa".

Danh ca Hương Lan: Đẳng cấp đáng nể của người từng dạy cho Quang Lê, được gọi là mẹ - Ảnh 5.

Hương Lan và Kim Tiểu Long

Như vậy, có thể thẩy rằng, Hương Lan tuy đi sau nhiều danh ca lớn nhưng lại có được lối hát Bolero hoàn toàn riêng, kỹ thuật nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc, chân phương, phát huy cảm xúc, âm sắc tự nhiên và biết tiết chế, xử lý tinh tế. Cách hát này được Quang Lê kế thừa một cách thành công.

Đến nghệ sĩ ưu tú Kim Tiểu Long, một người gạo cội trong sân khấu cải lương cũng gọi Hương Lan là mẹ một cách thiêng liêng, trân trong. Anh chia sẻ tại chương trình Nghệ thuật kim cổ: "Tôi coi mẹ Hương Lan là mẹ nuôi và luôn gọi mẹ là mẹ.

Nhưng không phải đơn giản mà tôi gọi một người khác là mẹ. Nhiều người cứ nói tôi dễ dãi khi gặp ai cũng gọi là mẹ.

Đã gọi một tiếng mẹ rồi thì phải sống như thế nào cho xứng là phận con của người đó, tiếng mẹ nó thiêng liêng lắm.

Trong cuộc sống hiện tại khi qua Mỹ này, tôi chỉ có một mình, ba mẹ tôi đều mất hết rồi, nên tôi mới gọi mẹ Hương Lan là mẹ. Tôi gọi mẹ Hương Lan là mẹ trong một sự trân trọng, thiêng liêng chứ không phải đùa giỡn.

Đã gọi mẹ Hương Lan là mẹ thì tôi phải có trách nhiệm của một người làm con, hàng ngày phải theo dõi xem mẹ như thế nào, vài ba ngày phải đến thăm mẹ, xem mẹ có khỏe không.

Tôi gọi mẹ Hương Lan là mẹ không phải gọi chơi, kêu bằng tiếng mẹ bình thường mà đây là một sự cao cả, trân trọng trong cuộc đời tôi. Tôi mong mẹ Hương Lan sẽ mắng tôi thật nhiều nếu tôi có lỡ hư điều gì, để tôi được nên người".

Long Phạm

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link