11/01/2016 10:36 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Đêm qua, Khánh Ly tái ngộ với khán giả Hà Nội. Người đàn bà hát ở tuổi ngoại thất thập ấy vẫn chứng tỏ sức nóng, sức hấp dẫn mãnh liệt với khán giả quê hương.
Rồi bà tâm sự về những tháng ngày chia xa, về những ước mơ luôn đeo bám, ám ảnh bà. Bà hát Nỗi lòng người ra đi không còn cho riêng mình nữa mà hát cho cả một thế hệ những con người đã từng chia xa Hà Nội vì những lý do khác nhau.
Khán giả tới Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội không chỉ còn để nghe Khánh Ly hát mà còn muốn được sống cùng với những kỷ niệm, những ký ức cùng bà. Bởi vậy, tất cả những lời Khánh Ly tâm sự đều nhận được sự đồng cảm sâu sắc của những người yêu Hà Nội, yêu tiếng hát đầy mê hoặc của bà.
Với Một sớm mai về của Trầm Tử Thiêng, hình ảnh bà mẹ Việt thân thương được Khánh Ly truyền tải đầy cảm xúc. Đây cũng là cơ hội vô cùng hiếm hoi khi Khánh Ly thể hiện ca khúc này trước khán giả Hà Nội. Một bài hát quá đẹp về ca từ và hình ảnh người mẹ Việt Nam hiện ra giản dị, gần gũi với bước thấp bước cao hái mướp bên rào và đi trên đám lá tre khô xào xạc và. Quê hương hiện ra qua tiếng hát Khánh Ly tựa như bức tranh quê hiền hòa, êm đềm và vô cùng ấn tượng.
Ở phần 2 của chương trình: Khánh Ly -Trịnh Công Sơn và Da vàng, Khánh Ly đã lấy nước mắt của rất nhiều những khán giả lớn tuổi có mặt trong khán phòng. Chùm ca khúc đặc sắc nhất của Trịnh Công Sơn dường như viết ra chỉ để dành cho tiếng hát Khánh Ly. Chỉ có Khánh Ly mới đủ sức để chuyên chở những thông điệp đặc biệt về đề tài chiến tranh trong Da vàng của Trịnh.
Với Người già và em bé, Một buổi sáng màu xuân, Xin cho tôi, Ta đã thấy gì trong đêm nay, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Khánh Ly - người đàn bà 71 tuổi đã hát bằng sức trẻ của cô gái 17 tuổi, hát liền một mạch không ngưng nghỉ trước sự kinh ngạc và ngưỡng mộ của khán giả Hà Nội.
Phần ca khúc Da vàng đã chạm vào tâm thức của nhiều khán giả. Rất nhiều người khóc khi cảm nhận lại bức tranh của lịch sử, của sự tàn khốc mà chiến tranh đã gây ra cho dân tộc Việt Nam.
Ở chương cuối của đêm nhạc Khánh Ly hát về thân phận và tình yêu. Những ca khúc về tình yêu hay nhất của Trịnh Công Sơn lại được vang lên bởi tiếng hát Khánh Ly. Đó là: Diễm xưa, Hạ trắng, Ở trọ, Để gió cuốn đi, Cúi xuống thật gần.
Và Khánh Ly còn thể hiện Đời đá vàng của Vũ Thành An, Quê hương của Giáp Văn Thạch. Bà muốn gửi gắm cho khán giả quê nhà tất cả những tình cảm, sự thương mến và niềm tin mãnh liệt cho ngày mai tươi đẹp hơn ngày hôm qua.
Liveshow Cúi xuống thật gần cũng là dịp để người Hà Nội được lắng nghe tiếng hát của Kim Anh, Quang Thành, Lệ Quyên. Chương trình thu hút đông đảo khán giả ở nhiều giai tầng trong xã hội. Đêm qua, đông đảo văn sĩ của Hà Nội đã tới để nghe tiếng hát của Khánh Ly, rất nhiều khán giả lớn tuổi có mặt để sống lại những thời khắc đầy gian khó mà huy hoàng của dân tộc.
Nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha nhận định rằng "Khánh Ly đã hát hết sức đời sống và bản năng, hát như vắt quả tim của mình ra". Còn họa sĩ Văn Dương Thành thì cho rằng: "Khánh Ly là một ngôi sao tỏa sáng trên mặt đất. Đúng với biệt danh Nữ hoàng chân đất".
Đêm diễn kết thúc, khán giả ùa lên sân khấu tặng hoa cho bà. Xúc động nhất là hình ảnh người vợ của cố nhạc sĩ Văn Cao dù tuổi rất cao cũng tới nghe Khánh Ly hát và ôm hoa lên sân khấu tặng hoa cho nữ danh ca.
Với Khánh Ly, lần trở lại để Cúi xuống thật gần (Công ty Văn hóa Đông Đô tổ chức) tuy thiếu vắng người bạn đời bên cạnh. Nhưng chắc chắn bà không cảm thấy cô đơn vì khán giả Hà Nội vẫn trọn vẹn ân tình và dành cho bà thật nhiều tình cảm, sự trân trọng ngưỡng mộ.
Mỹ Hạnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất