Đạo diễn Ái Như: "Tôi muốn là số 0"

02/11/2009 08:48 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Ra đi khỏi IDECAF khi tự cảm thấy mình không còn hợp với “thánh đường” này, Ái Như cùng với “một nửa” trong nghệ thuật của chị, NSƯT Thành Hội, đã lập nên “thánh đường” của riêng họ. Thánh đường ấy tên là Hoàng Thái Thanh (bút danh chung của hai nghệ sĩ này), tọa lạc tại Nhà thiếu nhi TP.HCM, sẽ chính thức hoạt động từ Tết Canh Dần tới. Thời gian này, Ái Như cùng các cộng sự đang chuẩn bị lên sàn tập vở khai màn sân khấu mới: Trần gian phải có tình yêu, một vở kịch thể hiện đúng gu của chị.

Sân khấu của chúng tôi là một góc cây xanh

* Chúc mừng chị đã có “thánh đường” riêng của mình sau hơn 30 lần ở vị trí đạo diễn tại IDECAF. Nhưng xin hỏi chị, việc có một sân khấu riêng trong bối cảnh sân khấu kịch tư nhân TP.HCM đang bắt đầu phát triển rầm rộ có nằm trong kế hoạch nghề nghiệp của chị khi chị và IDECAF vẫn cơm lành canh ngọt?

- Có sân khấu riêng là điều ai cũng mơ, như thế sẽ làm được những điều mình ấp ủ và cùng bạn nghề bay bổng trên không gian nghệ thuật riêng. Nhưng muốn là một chuyện, thực tế là chuyện khác. Có nhiều nguyên nhân khách quan khiến mong muốn của mình tới một lúc nào đó mới phù hợp để thực hiện. Cách đây nửa năm, tôi rất mỏi mệt và chỉ muốn dừng lại để nghỉ ngơi. Định không làm nghề một thời gian, định sẽ mở một quán ăn, bán những món Huế theo đúng sở thích của mình tại nhà. Nhưng, cuối cùng rồi, theo nhiều điều kiện đưa đẩy, tôi đã trở lại.

* Chị và NSƯT Thành Hội mỗi người chỉ nhận thực hiện một vở trong một năm. Trong khi một sân khấu muốn đứng độc lập buộc phải có kịch mục thay đổi thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Việc này sẽ được giải quyết thế nào trong tình trạng khan hiếm người giỏi của sân khấu TP.HCM?

- Sắp tới, mỗi năm tôi cũng sẽ chỉ dựng một vở thôi, vì nếu muốn nhiều hơn, tôi e rằng mình sẽ làm không đạt chất lượng, ít nhất là như trước đây đã làm. Với sân khấu Hoàng Thái Thanh, tôi sẽ mời những đồng nghiệp, trước tiên là những người thầy đã dạy tôi và những người cùng nghề có cùng quan niệm nghệ thuật hoặc đồng cảm trên một kịch bản nào đó, làm cùng. Nếu đã có cái nhìn chung, thì phong cách của mỗi đạo diễn cũng sẽ nằm chung trong phong cách của sân khấu thôi.

* Chị muốn đó là phong cách như thế nào?

- Sân khấu sẽ đi vào dòng kịch tâm lý, là mảng màu từ trước đến giờ Hoàng Thái Thanh vẫn yêu thích, theo đuổi. Sân khấu của chúng tôi có thể coi là một góc cây xanh mà trong một ngày mệt nhọc, mọi người sẽ tìm đến để nghỉ ngơi.

* Chị từng bày tỏ lo ngại mình cũ so với phong cách dàn dựng của sân khấu hiện nay. Đây có phải là mối quan tâm lớn nhất của chị cho sân khấu Hoàng Thái Thanh?

- Bây giờ thì tôi vẫn nghĩ như thế. Cũng như trong nhiều năm qua, trong lúc làm việc, tôi luôn tự hỏi mình câu “điều này có cũ hay không?”, để tránh. Làm mới, không chỉ so với những điều mình thấy, nhưng quan trọng là mình phải mới với chính mình nữa. Đó là một trong những nguyên tắc làm việc của tôi. Điều thứ hai ở nghĩa “cũ”, tôi thấy Hội An và Huế cũng rất cũ, rất “cố đô”, nhưng không phải vì điều đó mà người ta không cần nó. Cũng không phải vì điều đó mà không cần đèn lồng cổ. Nếu là cái cũ theo nghĩa là ý tưởng đã được người ta làm rồi, đã nhào nặn đến chán chê rồi thì quả tình rất đáng ngại, nhưng đúng hơn, tôi muốn rằng nó cổ, vì suy cho cùng thì đó là một màu kịch. Cũng giống đề tài tình yêu trong kịch vậy, thì cũng là cũ lắm, người ta nói mãi rồi, nhưng tôi vẫn thích, bởi vì người ta mãi mãi vẫn cần điều này.

* Với tư tưởng đó, chị sẽ làm đa dạng phong cách cho sân khấu của mình thế nào?

- Tôi vẫn muốn nói về tình yêu ở mọi lứa tuổi, từ teen cho đến những người già, và nhiều khía cạnh xã hội khác để tạo thành đời sống của con người nữa. Không cứ gì chỉ có một thể loại, một sân khấu cần phải có đủ bi, hài, náo... Ngay cả với sự khác nhau trong phong cách đạo diễn, khi hợp tác, chúng tôi cũng không từ chối, không ngại ngần. Vấn đề là giá trị của tác phẩm.

* Ở khía cạnh chuyên môn, sân khấu TP.HCM có đang có hai hướng hoạt động, hoặc chỉ dựa vào ngôi sao để tồn tại, hoặc mạnh dạn giao vai cho dàn diễn viên trẻ. Chị có đủ tin tưởng vào những người trẻ tuổi?

- Nếu không tin thì có lẽ suốt đời tôi sẽ sống vì sự nghi kỵ, điều này khó chịu lắm. Nhưng tin tưởng không có nghĩa là phó thác hoàn toàn. Tôi luôn nói với các cộng sự rằng, mình phải tự “bắt” mình trước khi khán giả “bắt” mình. Cái đột phá, mới mẻ của những đạo diễn, diễn viên trẻ là “gương mặt” của họ. Nếu “gương mặt” đó tạo thành sự hấp dẫn của một loại kịch cho sân khấu thì việc gì tôi từ chối? Chịu trách nhiệm chính về nghệ thuật của sân khấu là NSƯT Thành Hội, cả hai chúng tôi cùng là đạo diễn, cùng có một quãng đường khá dài với sân khấu, chúng tôi sẽ đóng góp cùng những đạo diễn, diễn viên trẻ khác để có những sản phẩm tốt.

* Dấu ấn của chị trong kịch rất mạnh mẽ, trong vai trò quản lý chung, điều này sẽ được giải quyết thế nào?

- Nếu như tôi mời ai đó làm đạo diễn thì tôi nghĩ mình nên đứng ở ngoài. Vấn đề ở chỗ, khi ra một tác phẩm, chúng tôi không để cho vở diễn ra sao cũng được. Vở diễn theo tiêu chí của sân khấu, còn bản sắc của nó thì vẫn phải là của người đạo diễn nó.


Ái  Như cùng các học trò của chị

Khi cần phải đi lên thì tôi đi lùi

* Chị có đủ máu cạnh tranh để làm kinh tế, bên cạnh nghệ thuật?

- Có lẽ không. Tôi hình dung mình đứng trong một đám đông, thậm chí đó là những người quen biết, và khi người ta cần phải đi lên, thì tôi đi lùi.

* Vậy thì thế đứng của sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ thế nào trong sân khấu kịch TP.HCM?

- (Cười). Tôi mở sân khấu không phải là để cạnh tranh. Nếu nói là làm để làm có lời, hay “ngon lành”, thì thú thực là tôi chưa dám đặt ra mục tiêu đó, vì tôi biết là trong thời gian đầu rất khó khăn. Khán giả của tôi lại không nhiều. Trước hết, tôi muốn có một chỗ để thầy trò cùng làm việc với nhau, được thể hiện nghề nghiệp hết mình, theo ý hướng của mình. Tôi cảm thấy thỏa mãn vì điều đó hơn.

* Việc mở một sân khấu với khá nhiều gương mặt diễn viên trẻ, là học trò của chị tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật có vẻ là một lối đi mới so với chủ trương thu hút nhiều ngôi sao của sân khấu kịch TP.HCM?

- Vẫn phải có những người đã thành danh, để đảm bảo khán giả sẽ mua vé đến xem. Nhưng tôi nghĩ, sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng là nơi để cho các học trò của mình cùng làm việc với thầy cô, để khi ra trường các em không thấy ngại ngần. Điều đó khiến tôi thấy vui.

* Cách giáo dục của chị có vẻ rất cổ điển, tức là phải ôm trong lòng rất vững vàng thì mới cho bay ra khỏi tổ?

- Có lẽ vậy. Thực ra, khi các em ra trường hì chúng tôi đã không còn trách nhiệm, nhưng tình cảm thầy trò thì vẫn còn đầy.

* Nhưng học trò của chị có vẻ chậm “phát sáng” so với nhiều gương mặt trẻ đang tham gia thị trường nghệ thuật nói chung hiện nay. Chị có tìm hiểu vì sao không?

- Tôi cũng đang thắc mắc vì điều đó. Trong thời gian học, các em phải chịu một quá trình tuân thủ kỷ luật, “trấn nước” ghê gớm của tôi và anh Thành Hội. Tất cả những gì đã trang bị cho học trò của mình, tôi đã an lòng, nhưng vì sao khi ra trường các em cũng chỉ đi chầm chậm, từ từ thì tôi không rõ. Hay vì vận của tôi cũng vận vào học trò của mình? Nhưng cuối cùng thì tôi cũng có câu trả lời: có lẽ học trò của tôi có bề ngoài không đẹp, không sáng sủa bằng một số diễn viên trẻ hiện nay.

* Chị có ý hướng khắc phục điều này ở công tác tuyển sinh đầu vào?

- Đó vẫn là tiêu chí quan trọng. Nhưng nếu ngoại hình đẹp mà không thấy được “đốm sáng” nào cả về nội tâm thì vẫn phải gạt ra. Năm nay, trường tôi được tuyển toàn quốc, phạm vi tuyển sinh rộng hơn nên cũng “đỡ” hơn khi chọn lựa.

* Chị không nhất thiết phải giải ngay “bài toán ngoại hình” này một cách cấp thiết?

- Tôi thắc mắc vậy thôi. Câu trả lời trước mắt là như vậy. Còn về chuyên môn, nền tảng thì tôi có thể yên tâm về học trò của mình.

* Nhưng đã làm nghề phục vụ công chúng thì “phát sáng” càng sớm càng tốt chứ?

- Tôi thấy diễn viên trẻ bây giờ có rất nhiều cơ hội, nhưng nhìn vào sự thể hiện của họ thì tôi lại tiếc cho học trò mình. Tôi nghĩ, nếu có cơ hội, thì sự thể hiện của chúng có thể mang lại sự tin cậy cho người ta. Còn cơ hội này ở đâu thì các em phải tự nỗ lực để tìm lấy. Tôi cũng tin vào sự may mắn của mỗi người trong chuyện này.

* Chị không chọn giải pháp giáo dục “đi cùng thời đại”, tức là phải nhanh, “sống là không chờ đợi”?

- Nếu nói tuổi trẻ theo quan điểm là phải “nhanh”, “chụp”..., thì tôi không chủ trương giáo dục cho học trò của mình như vậy. Theo tôi biết, các bạn đang được đào tạo ở nơi khác học năm thứ nhất vẫn có thể đi đóng phim bằng cách nghỉ học, thậm chí là một năm. Nhưng, thử nghĩ, một sinh viên y khoa, chưa được gọi là bác sĩ thì có người ta có cho mổ chính được không? Làm diễn viên là làm nghề mổ xẻ vể nội tâm, tâm hồn con người, nếu người ta cảm thấy không gây ra cái chết nào cả thì có quyền làm như thế? Nếu gọi là tận dụng tuổi trẻ mà chưa có được chân đế, nền tảng vững vàng thì sự tận dụng đó sẽ được bao lâu? Hay sau khi ra trường, họ chẳng còn lại cái gì cả ngoài cái sắc bên ngoài? Và khi cái sắc đó hết đi thì cái còn lại là gì?

Có thể học trò của tôi mất vài ba năm đó, nhưng được sự chuẩn bị kỹ để đi lên. Các bạn được trang bị để làm nhiều dạng vai và từ từ vào nghề cùng với kinh nghiệm, như số vốn gửi tiết kiệm trong ngân hàng sẽ sinh sôi ra. Còn đi “vay nóng” thì trả nóng, trả xong thì còn lại bao nhiêu vốn liếng cho cả cho sự nghiệp của mình? Vậy thì tôi sẽ không đi cùng thời đại theo tiêu chí này.

* Học trò ra trường thì thầy không còn trách nhiệm, nhưng bây giờ nhận thêm vai “bà bầu” nữa thì chị có kế hoạch gì để học trò của mình có sự thay đổi vị trí?

- “Đẩy” của tôi là đẩy từ từ và đi cùng đàn anh đàn chị.

* Học trò của chị có sốt ruột?

- Chắc chúng chỉ để trong bụng thôi chứ không nói ra (cười).

Chưa bao giờ muốn mình là số 1

* Học trò của chị có thể là hình ảnh của chị, một người tài năng được thừa nhận nhưng chưa bao giở ở vị trí số 1, so với những đồng nghiệp cùng thời?

- Trong suy nghĩ của tôi, chưa bao giờ tôi muốn mình là số 1 và tôi cũng chưa bao giờ dạy học trò chứng tỏ mình là số 1. Nếu ví tôi với một con số, thì tôi muốn là số 0. Số 0 không có nghĩa là không có gì, mà nó sẽ có giá trị khi nằm sau những con số nào đó và nó làm tăng giá trị của những con số kia. Nghề này là nghề của tập thể, anh có cái của anh thì tôi có cái của tôi. Tôi chẳng coi ai là số 1 và tôi cũng chẳng coi tôi là số 1. Chỉ có một số 1, nên khi tranh giành nó, người ta đã phải giẫm đạp lên nhau rồi. Tôi dạy học trò mình cứ ganh đua học tập nhưng đừng giẫm đạp nhau.

* Còn việc trở thành một ngôi sao?

- Điều này phải phụ thuộc vào việc biết chứng tỏ mình để tỏa sáng. Có sao hôm, sao mai, sao khuê, sao mơ... Mỗi ngôi sao tự tỏa sáng ở một góc trời.

* Chị nghĩ sao về quan điểm bước vào thế giới nghệ thuật, một là anh phải đạt được đỉnh cao, hai là từ bỏ hẳn chứ không có chuyện lưng chừng?

- Cách đây 13 năm, tôi có dựng một vở tại sân khấu 5B, tựa là Bay trên cô đơn. Nhân vật chính, do NSƯT Thành Hội diễn, là một kép cải lương chuyên đóng vai phụ. Anh này phải theo đuổi bao nhiêu lâu trong nghề mà vẫn ở vị trí phụ như thế. Ngẫu nhiên, trong đêm đó, vì anh kép chính kênh kiệu, bỏ vai mà anh này được thay. Anh đóng dở, bị người ta chê quá trời, chính bản thân anh cũng biết điều đó. Cô vợ sau đó đã bỏ tiền ra để mua cho anh một vai chính trong đoàn, cô nói rằng tại sao có thể mua được vai chính nếu muốn mà anh không làm? Đã là nghệ sĩ thì phải có tiếng, trong nghề này phải là con phượng hoàng. Cô muốn anh là phượng hoàng trong khi anh chỉ là một con cú xấu xí...

Tôi thì nghĩ rằng phượng hoàng hay cú cũng là chim. Trong nghệ thuật cũng vậy, không thể có ông vua mà không có người phu khiêng kiệu. Nghệ thuật là sự tổng hợp, làm nên giá trị của nhân vật này thì phải có nhân vật khác, anh không thể tồn tại một mình.

Vấn đề là người nghệ sĩ đóng vai phụ đó đến với nghệ thuật bằng tất cả khả năng và tình yêu với nghệ thuật, anh ta sẽ làm gì để làm tròn vai trò mình? Nhìn ở góc độ nào đó, làm nghệ thuật là sứ mệnh. Vấn đề là người đóng vai phụ có thấy được sứ mệnh của anh ta, có cảm thấy đau đáu với nó hay không?

* Mỗi vị trí đều có giá trị của nó. Nhưng trong thị trường nghệ thuật bị coi là hỗn tạp thế này, những giá trị thực luôn ở bề chìm?

- Tôi là sản phẩm văn hóa và cũng đưa ra đời một sản phẩm văn hóa. Tôi giới thiệu sản phẩm văn hóa đó theo suy nghĩ của tôi. Còn chuyện đón nhận hay không thì công chúng cho tôi đáp số. Tôi cố gắng chịu đựng đến khi nào không chịu đựng được nữa thì thôi.

* Từ diễn viên trở thành đạo diễn, bây giờ là có một sân khấu của mình, con đường của chị có thể nói là thuận lợi nhưng lại rất chậm?

- Con đường đó dài gần 30 năm. Để có được như bây giờ phải đổ nhiều nước mắt, nếu tôi kể thì cay đắng lắm...

* 30 năm làm nghề, được nhiều đồng nghiệp nể trọng, chị nghĩ sao về việc có một danh hiệu cho nghề nghiệp của mình, như NSƯT chẳng hạn?

- Trong tiêu chí để được NSƯT là phải có huy chương vàng, tôi thì chưa dự thi bao giờ. Chỉ có báo chí nói về tôi, chứ lãnh đạo của các nhà hát, các đoàn kịch... chẳng ai đưa vở của tôi đi dự thi. Trước kia tôi cũng thấy “ủa sao kỳ vậy”, mình cũng hy vọng đứa con mình cũng được công nhận chứ. Nhưng chuyện qua lâu rồi, tôi cũng không nghĩ tới nữa vì nghĩ chắc cũng không có đâu. Đó là lý do mà khi bạn hỏi tôi “có máu cạnh tranh không”, thì tôi bảo là “không”.

* Nhưng bây giờ dưới vai trò lãnh đạo của một sân khấu, chị đã thay đổi quan điểm chưa?

- Chưa. Nhưng đây là chuyện tương lai mà. Tháng Giêng này tôi mới ra mắt sân khấu. Nếu nói về tương lai kiểu “tôi sẽ làm thế này, tôi sẽ làm thế kia” thì dễ lắm, nhưng sau đó rồi “lơ” thì kỳ, dù có lý do này lý do khác. Trong hiện tại, cố gắng làm được điều mình có thể làm thì tốt hơn là “tôi sẽ”.

* Chị đứng cùng NSƯT Thành Hội trong mọi nơi, chị có từng nghĩ đến chuyện nếu trong sự nghiệp của mình không có người bạn đường này?

- Tôi mất một nửa của sự bay bổng. Chúng tôi giống như những bậc thang của nhau, sáng tác trên nguyên tắc tôi nghĩ điều này, anh Hội phát triển thêm, tôi lại nghĩ thêm trên sự phát triển đó. Từ khi làm đạo diễn của tôi, chưa bao giờ những vở diễn của tôi thiếu vắng Thành Hội, ngoại trừ những vở tôi dạy cho học trò. Và ngược lại. Anh Hội là đàn anh trong nghề, rất kinh nghiệm, anh cho tôi thấy rằng nghề này rất bao la và cứ phải đi tới mãi.

* Còn nếu không đến với nghệ thuật sân khấu, chị sẽ thế nào?

- Thì tôi sẽ là con số 0 trong suy nghĩ của mọi người. Chắc cuộc đời tôi vô nghĩa lắm. Cũng có thể tôi sẽ làm cái gì đó. Hồi nhỏ, tôi muốn làm bà chủ tiệm sách để được đọc thỏa thích mà không tốn tiền. Lớn lên, tôi cũng có ý trở thành cô giáo dạy sinh ngữ hạy dạy văn, nhưng chắc là tôi không thể trở thành cô giáo giỏi được, vì tôi không có những khả năng đột biến. Và cuộc đời như vậy cũng buồn tẻ vô cùng.

Tôi đã từng làm cán bộ phong trào văn nghệ quần chúng trong nghành may, rồi bán thuốc lá... Và lúc đó, luôn cảm thấy thấp thỏm, lo lo vì những nghề đó không phải của mình, toàn nằm mơ thấy sân khấu, sân khấu của một đứa học trò dang dở học hành chứ không phải là sân khấu của một người đêm đêm đắm mình trong nó...

Đỗ Duy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link