Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Lâu lắm rồi điện ảnh Việt mới có tin vui

13/09/2014 09:00 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 4 năm kể từ Bi đừng sợ (2010), Tâm hồn mẹ (2011), Việt Nam mới có thêm một bộ phim đoạt giải tại LHP quốc tế. Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp được chiếu tại LHP Venice, đoạt giải Phim hay nhất từ Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA), Tuần phê bình phim Quốc tế Venice, LHP Venice vào hôm 5/9.

Thông tin này ít nhiều khiến những người làm trong ngành điện ảnh cảm thấy phấn chấn. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng không giấu được niềm vui này. Ông cho biết:

- Tối ngày 6/9 tôi nhận được thông báo của Hiệp hội Phê bình phim quốc tế (FIPRESI) từ LHP Venice. Có 2 phim được hiệp hội tặng giải là: The look of silence của đạo diễn Joshua Openheimer người Đan Mạch và No one’s child của đạo diễn Vuk Rsumovis người Serbia chiếu trong Tuần phê bình phim của LHP.

Được biết thêm Đập cánh giữa không trung đã giành được giải Phim hay nhất từ Liên đoàn Các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA) cũng trong Tuần phê bình phim của LHP Venice. Đó là một tin vui, rất vui đối với điện ảnh nước nhà. Dù đây chỉ là một giải phụ trong LHP Venice nhưng vẫn là một vinh dự lớn cho nhà làm phim trẻ của Việt Nam.

* Giải thưởng này theo ông sẽ giúp ích gì cho nhà làm phim trẻ Nguyễn Hoàng Điệp? Về cơ bản có thể hình dung là cô ấy sẽ thuận lợi hơn trong việc xin các quỹ tài trợ của nước ngoài. Nhưng liệu có cơ may nào giúp cô ấy trong việc thuyết phục nhà đầu tư trong nước (cụ thể ở đây là nhà nước, các hãng phim tư nhân) đầu tư hay không?

- Chắc chắn giải thưởng này sẽ là một đảm bảo cho chất lượng nghệ thuật của các phim Hoàng Điệp làm sau này. Những nhà sản xuất phim nghệ thuật sẽ yên tâm đầu tư tiếp cho đạo diễn trẻ đầy triển vọng này. Còn đối với các nhà sản xuất phim thương mại thì được giải hay không họ không quan tâm. Mối quan tâm của họ khác.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

* Nhiều hãng tư nhân đã dám đặt mình vào thử thách khi làm phim nghệ thuật, như Phước Sang làm Áo lụa Hà Đông, BDH làm Cánh đồng bất tận… kể từ đó “tắt ngóm”. Theo ông, đến thời điểm này có hãng nào dám khởi động lại làm phim nghệ thuật không?

- Dòng phim nghệ thuật cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, đó là điều chắc chắn không có gì bàn cãi. Chẳng có tư nhân nào dám đeo đuổi dòng phim này, vì lỗ là cái chắc. Nhưng cái được thì vô giá.

* Ông đánh giá thế nào về khả năng tự tìm tài trợ của những nhà làm phim độc lập như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp?

- Họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc này và họ đã thành công. Cách đây không lâu khi trả lời phỏng vấn cho báo Nông nghiệp Việt Nam tôi có nói: “Cũng có những người trẻ, âm thầm làm những phim nghệ thuật tử tế. Nhưng họ là số ít… và cô độc. Tôi tin rằng, nếu kiên trì theo đuổi cái đích mình đã chọn, các bạn trẻ đó sẽ có ngày làm nên chuyện, mang lại những giá trị mới cho điện ảnh Việt Nam”.

* Những đạo diễn thuộc biên chế hãng phim nhà nước như Nhuệ Giang cũng phải tìm nguồn vốn từ nước ngoài để làm Tâm hồn mẹ, Lạc lối. Sự lệ thuộc về vốn có khiến sản phẩm của các nhà làm phim Việt bị chi phối về nội dung không? Có hay không chuyện một số nhà làm phim Việt Nam đang làm ra những bộ phim phản ánh những gì mà phương Tây muốn nhìn thấy, hơn là làm phim phản ánh thực sự những gì họ cảm thấy về đất nước mình?

- Theo tôi được biết thì các đạo diễn trẻ đều xin tài trợ từ các quỹ phi lợi nhuận nước ngoài. Những nơi tài trợ đó họ vô tư lắm, họ chỉ muốn giúp đỡ những người làm phim trẻ theo đuổi nghệ thuật, không chạy theo dòng phim thương mại rẻ tiền…

Những người làm phim khác thế nào tôi không biết nhưng riêng tôi, bao giờ tôi làm phim cũng vì tôi chứ không phải vì khán giả phương Tây. Nhưng lạ thay phương Tây lại là nơi đón nhận các phim của tôi với nhiều thiện cảm nhất. Bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 ngay sau khi vừa làm xong đã được mời chiếu đầu tiên ở Pháp rồi đến Mỹ và các nước phương Tây khác.

Tôi mong muốn những nhà làm phim trẻ hãy thử sức với những đề tài khác nữa. Như những người làm phim thế hệ trước từng thử sức với những đề tài xã hội trong Tướng về hưu hay Cô gái trên sông chẳng hạn.

* Hầu hết những đạo diễn châu Á được vinh danh tại các LHP lớn, trong phim của họ đều phải có những yếu tố như: tình dục, bạo lực, đồng tính. Phan Đăng Di, Hoàng Điệp cũng đi theo hướng đó. Ông đánh giá thế nào về sự lựa chọn này?

- Trong lĩnh vực này thì người Nhật đi tiên phong. Họ đã khai thác đến tận cùng các chủ đề này rồi. Tôi nhớ năm 1985 họ đã làm sửng sốt cả LHP Cannes với bộ phim Empire of the senses. Một bộ phim khai thác đến tận cùng chủ đề tình dục. Xem xong tôi tự nhủ thôi đừng nói chuyện đó nữa, người Nhật đã nói hết cả rồi mà lại rất nghệ thuật.

* Ông có nhiều bộ phim được quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt phim của ông luôn được nhận xét là rất Việt Nam. Làm thế nào để tạo được ra chất Việt Nam ấy thưa ông?

- Có thể cái chất Việt Nam ấy là do tôi luôn là người Việt Nam, không lai căng, không bắt chước ai cả. Tôi đi Tây nhiều nhưng không bao giờ là Tây.

* So với thời của ông, hệ thống kiểm duyệt của điện ảnh Việt Nam hiện nay đã cởi mở hơn rất nhiều, tuy nhiên vẫn gây ra không ít tranh cãi. Theo ông cần có những thay đổi gì? Đặc biệt có cần cơ chế đặc thù cho những loại phim đi LHP quốc tế hay không, đơn cử: bản đi LHP quốc tế sẽ bị cắt ít hơn bản chiếu trong nước?

- Những tranh cãi hiện nay với kiểm duyệt chỉ toàn xoay quanh chuyện bạo lực, tình dục nhiều hay ít. Về khoản này có thể nói kiểm duyệt của ta gần đây thoáng rất nhiều. Có những phim đã được duyệt ở ta khi đem sang một nước châu Á còn bị họ cắt thêm những chỗ nhạy cảm. Thời chúng tôi làm phim không bị vấp với kiểm duyệt về những chuyện như thế này. Vấp ở những chuyện khác kia. Còn cái cơ chế đặc thù cho các phim tham dự LHP quốc tế thì không nên có vì không nước nào trên thế giới làm như vậy.

* Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Một số phim Việt đi các LHP thế giới

Bi, đừng sợ! (2009) giành Giải “Dự án nổi bật châu Á” tại LHP Quốc tế Pusan, giải “Kịch bản hay nhất” và hai giải nhì trong Tuần lễ phê bình tại LHP Cannes lần thứ 63 (Pháp), giải Special Mention của LHP Quốc tế Vancouver (Canada), giải Phim hay nhất tại LHP Châu Á - Hong Kong, giải Phim đầu tay xuất sắc và Quay phim xuất sắc tại LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), giải Phim xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế người Việt VIFF 2011, giải Quay phim đẹp nhất tại LHP Mediawave (Hungary)…

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (giữa) và hai diễn viên chính trong phim Đập cánh giữa không trung Nguyễn Thùy Anh và Trần Bảo Sơn tại LHP Venice

Chơi vơi (2009) do đạo diễn Phan Đăng Di viết, từng được đề cử kịch bản hay nhất của Giải thưởng điện ảnh châu Á năm 2009. Phim được giao cho Bùi Thạc Chuyên đạo diễn, sau đó phim đã được đưa đi LHP Venice, LHP Toronto. Phim đoạt giải Horizons and Critics’ Week của Hiệp hội Các nhà phê bình điện ảnh quốc tế Fipresci) trong khuôn khổ LHP Venise, đoạt giải Âm thanh xuất sắc nhất tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương 2009

Cánh đồng bất tận (2010) dự LHP Pusan lần thứ 15. Hotboy nổi loạn (2011) dự LHP Quốc tế Berlin, LHP Toronto. Nhưng cả hai phim này đều không đem về giải gì.

Tâm hồn mẹ (2011) nhận được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Phùng Hoa Hoài Linh tại LHP Quốc tế Dubai.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link