Đạo diễn Đặng Nhật Minh “ôm” trọn 3 giải với "Đừng đốt"

13/12/2009 11:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Tối qua, tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) giới nghệ sĩ đã chứng kiến niềm vui của NSND Đặng Nhật Minh. Với bộ phim Đừng đốt, vị đạo diễn 70 tuổi này đã “ôm trọn” 3 giải thưởng quan trọng của LHP: Bông Sen Vàng cho phim; biên kịch xuất sắc nhất và giải của báo chí giành cho bộ phim hay nhất. Trong niềm vui có phần bất ngờ, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã trao đổi với TT&VH.

Hạnh phúc vì kết quả giải của báo chí trùng với của BGK

*Chúc mừng ông với 3 giải thưởng mà bất cứ đạo diễn nào tham gia LHP lần này đều mong muốn. Ông có nghĩ đó là một sự may mắn?

- Ngay từ khi kịch bản Đừng đốt có quyết định sản xuất, tôi đã nghĩ đó là một sự may mắn. Ở tuổi 70, vậy mà tôi vẫn được tham gia vào sinh hoạt của đời sống điện ảnh, được làm phim, lại là phim do Nhà nước tài trợ - số tiền không nhỏ (11 tỷ), rồi được giải thưởng, không phải 1 mà là 3 giải. Vì thế, dù tâm huyết với phim, đã làm hết mình bằng chính cảm xúc của mình, thì thành quả đạt được hôm nay vẫn phải có yếu tố may mắn trong đó. Năm nay, lần đầu tiên LHP có giải thưởng của báo chí. Theo tôi biết, BGK Báo chí có quy chế chấm giải riêng, tiêu chí xét phim khá cao và quy trình xét giải cũng khá nghiêm ngặt. Nên khi biết kết quả giải của báo chí trùng với kết quả giải của BGK phim truyện nhựa, tôi thực sự bất ngờ và rất hạnh phúc. Bởi lâu nay, tôi
vẫn nghĩ báo chí “khắt khe” với phim của tôi.


Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận giải

* Tại LHP lần này, 2 bộ phim được đặt lên “bàn cân” với Đừng đốt là Trăng nơi đáy giếng và Chơi vơi. Tuy nhiên, Trăng nơi đáy giếng “phạm cái lỗi” lê thê, rườm rà, còn Chơi vơi tuy được coi là “cuộc chơi nghệ thuật” thực sự nhưng nếu phải đạt tiêu chí - có tác động sâu sắc tới đông đảo công chúng... thì e khó thuyết phục. Và Đừng đốt thắng giải bởi sự tròn trịa, hài hòa về hình thức lẫn nội dung... nhưng cũng không phải là không bắt được lỗi. Còn ông, lại nghĩ đây là bộ phim tâm huyết nhất của mình?

- Đừng đốt cũng có nhiều cảnh “chơi nghệ thuật” đấy chứ. Nếu để “bắt lỗi” thì ngay cả phim hay của thế giới cũng có lỗi. Khi làm Đừng đốt, tôi không nghĩ đến việc sẽ chiếu ở đâu, tham dự LHP nào và đặt vấn đề phải có giải. Như tôi đã nói, tôi làm bằng cảm xúc và đã hết sức với phim. Trước thành công của bộ phim, người đầu tiên tôi phải nói lời cảm ơn chính là các nghệ sĩ đã tham gia bộ phim này. Trong cuộc đời làm phim của mình, tôi chưa bao giờ gặp được ê-kíp ăn ý, hết mình về phim đến thế. Từ khi phim khởi chiếu trong nước, tham gia LHP ở Nhật, chiếu vòng quanh các trường đại học ở Mỹ, cho đến LHP VN 16 và buổi giao lưu với công chúng Củ Chi vừa qua, câu đầu tiên mà tôi nghe thấy ở tất cả các cuộc giao lưu, tiếp xúc khán giả chính là 2 từ:
xúc động.

“Tất cả người Mỹ nên xem phim này”

* Khán giả VN và khán giả Mỹ - những người đã tiếp xúc hoặc biết về cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm xúc động khi xem Đừng đốt có thể hiểu được. Còn khán giả Nhật, họ nói sao khi quyết định bỏ phiếu cho Đừng đốt thắng giải khán giả tại LHP Fukuoka ?

- Khi Đừng đốt tham gia LHP Fukuoka 2009, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm vừa được xuất bản tại Nhật. Hầu hết khán giả xem Đừng đốt đều chưa tiếp xúc với cuốn nhật ký này nhưng họ xúc động không kém khán giả VN. Họ đặt khá nhiều câu hỏi với tôi, rằng khi làm Đừng đốt đạo diễn có chịu sức ép nào không? Chính phủ có ý kiến gì khi bộ phim phản ánh những mặt trái của một số ít người trong chiến tranh? Tại sao phim lại sử dụng nhạc châu Âu mà không sử dụng hoàn toàn nhạc thuần Việt? Tôi nói, Đừng đốt là phim Nhà nước đặt hàng và bộ phim không hề gặp trở ngại nào khi duyệt. Việc sử dụng nhạc châu Âu là có lý của nó. Bởi, Đừng đốt đặt vấn đề chiến tranh và hòa bình; sự xóa bỏ hận thù giữa các dân tộc từng tham chiến. Đây là mối quan tâm chung của tất cả nhân loại nên chỉ cần một số giai điệu nhạc Việt như đã sử dụng trong phim là đủ độ.

Có lẽ, những rung động thật mà bộ phim đem đến đã khiến Đừng đốt qua mặt 25 phim khác tham gia LHP này để giành chiến thắng. Cần phải nói thêm, giải khán giả là giải duy nhất của LHP Fukuoka và chỉ mới có mấy năm gần đây. Trước đây, LHP này chỉ chọn giới thiệu những phim hay của các nước.

* Nghe nói khi chiếu ở Mỹ, rất nhiều khán giả Mỹ đã khóc. Có khán giả còn khẳng định, tất cả người Mỹ nên xem phim này?

- Trước khi phim chiếu tại Mỹ tôi rất hồi hộp. Đối tượng xem phim là giới trí thức nên gu thưởng thức của họ cũng “khó tính”. Nên, hạnh phúc vỡ òa trong tôi khi vị giáo sư của một trường đại học - ông Bruno phát biểu sau buổi chiếu: “Đây là bộ phim chiến tranh hay nhất mà tôi được xem từ trước tới nay”.

Ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi trong chuyến mang Đừng đốt vòng quanh các trường đại học chính là buổi chiếu cuối cùng được thực hiện tại một rạp ở New York với 400 chỗ ngồi không còn ghế trống. Các buổi chiếu tại các trường đại học đều miễn phí. Riêng buổi chiếu tại rạp thì bán vé với giá 15 USD/vé.

Sau buổi chiếu, khán giả giao lưu với các nghệ sĩ làm phim. Cùng ngồi trên sân khấu với tôi là 3 Fred (2 diễn viên đóng vai Fred và Fred thật ngoài đời). Ông MC.Cuauliff - Chủ tịch Tổ chức hòa giải Đông Dương, là người có công vận động chính phủ Mỹ bỏ cấm vận với VN đã nghẹn ngào nói trong nước mắt lưng tròng: “Đây là phim cực kỳ xúc động. Một bộ phim chiến tranh không có hận thù, chỉ có tình thương. Tất cả người Mỹ nên xem phim này”.

Còn một nữ khán giả lớn tuổi từng tham gia xuống đường ủng hộ nhân dân VN trong cuộc chiến tranh chống Mỹ thì nói: “Tôi đã đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Khi biết VN làm phim về cuốn nhật ký này tôi rất băn khoăn và luôn đặt câu hỏi liệu có làm được phim? Có quá liều không khi dồn tiền của để “hình ảnh hóa” những đoạn nhật ký cá nhân... Và tôi bất ngờ khi xem Đừng đốt. Tôi xin cảm ơn tất cả các nghệ sĩ đã tham gia phim này đã đem đến cho tôi và khán giả Mỹ một bộ phim xúc động, đầy ắp tình người”.

Chất lượng phim dự LH có sự chênh lệch lớn

* Quay trở lại với LHP VN lần thứ 16, thông thường khi chấm giải mọi người hay nói câu “trong bó đũa chọn lấy cột cờ”. Còn ông - người thắng tới 3 giải tại LHP lần này đánh giá thế nào về phim của các đồng nghiệp?

- Tôi tham gia hội đồng duyệt phim quốc gia nên các phim dự thi tôi đều đã xem. Chất lượng phim dự LHP năm nay có sự chênh lệch lớn. Có một vài phim chất lượng tốt nhưng như mọi người đã nhận xét - lại phạm phải một số cái lỗi như lê thê, dài dòng, tiết tấu quá chậm; hoặc thuần túy là cuộc chơi nghệ thuật, không hội đủ các tiêu chí xét giải của LHP lần này (nhưng rất có thể ở LHP khác, với tiêu chí chấm khác, gu BGK khác, phim đó lại đoạt giải cao).

Tôi thấy tiếc cho phim Được sống. Phim được về đề tài, nội dung xúc động, diễn xuất các diễn viên khá chân thật nhưng tay nghề của đạo diễn hơi non nên người xem có cảm giác như phim truyền hình. Hoài vũ trắng là một phim yếu. Đạo diễn phim từng làm Chiến dịch trái tim bên phải, rồi 2 trong 1... cũng khá ấn tượng, nên thật khó lý giải...

* Ông có kế hoạch gì mới sau LHP này?

- Hiện tại đầu tôi “rỗng”. Tôi cần có thời gian cho sự tích tụ và có cảm hứng.

* Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Anh (thực hiện)

Đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa: Đừng đốt rất đáng được chú ý

Vì bận rộn nên tôi rất tiếc là đã không xem hết 15 phim nhựa, nhưng những buổi đi xem đều thấy một điểm nổi bật là khán giả khá đông, như vậy là tình trạng vắng khách trước đây đã dần được cải thiện. Một điều đáng để ý nữa là có nhiều thể loại, nhiều đề tài cho nhiều lứa tuổi chọn lựa... nên khán giả có dịp nhìn được tổng quát diện mạo của điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Trong các phim đã xem, tôi thấy Đừng đốt rất đáng được chú ý vì diễn xuất hay, cốt truyện phim xúc động vì nói về những giá trị thực của con người, vượt lên cả chuyện chiến tranh, phe phái.

Đạo diễn Victor Vũ: Nhiều kiểu làm phim khác nhau

Liên hoan rất có ích cho khán giả và những người đang quan sát về phim Việt Nam - rõ ràng họ thấy có sự phát triển rất rõ về số lượng trong mấy năm qua, 15 phim nhựa và 11 phim video là một minh chứng.

Cũng từ hàng ghế khán giả, đây là dịp hiếm hoi để họ có thể xem hết các phim, ví dụ 15 phim nhựa, để qua đó có cái nhìn tổng quan và so sánh. Bởi vì với nhiều điều kiện khác nhau, không phải phim nào khi ra rạp lúc công chiếu cũng được quảng bá rộng rãi, chiếu toàn quốc, nên nhiều phim trong liên hoan này vẫn là mới, ngay cả với giới làm nghề ở các vùng miền khác nhau, chưa có dịp xem.

Cá nhân tôi vui nhất là ở chỗ BGK được làm việc với nhiều kiểu phim, nhiều phong cách khác nhau để chọn ra những phim mà tiêu chí liên hoan hướng tới; tôi tin rằng được chấm nhiều kiểu làm phim vẫn thú vị hơn là chỉ có một kiểu.

Văn Bảy (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link