11/06/2016 07:01 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - "Chúng tôi đang phải tham gia một cuộc chơi mà luật chơi 1 chiều, do đơn vị phát hành phim chi phối. Hiện nay chúng tôi đang phải cần mẫn khắc phục điều đó, không ai cứu chúng tôi cả", Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương chia sẻ.
* Ông nhìn nhận vụ 8 công ty khiếu nại CGV đang lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành trong nước như thế nào?
- Qua những bài báo truyền thông đưa thời gian qua, tôi thấy CGV cần phải điều chỉnh lại sao cho hài hòa lợi ích giữa các nhà phát hành phim, chiếu phim, sản xuất phim. Khi CGV phát hành phim họ nhập về cho các rạp khác, CGV đòi tỉ lệ ăn chia cao; khi phát hành phim của các đơn vị khác tại rạp của mình, CGV cũng đòi tỉ lệ cao hơn, là không công bằng.
CGV là đơn vị phát hành phim ngoại lớn nhất tại Việt Nam, ký được hợp đồng với các hãng phim lớn nhất thế giới, lại sở hữu cụm rạp lớn nhất tại Việt Nam, CGV đang đặt ra luật chơi chỉ có lợi cho họ.
Nhiều năm nay Trung tâm Chiếu phim Quốc gia vẫn ký hợp đồng thuê phim của CGV phát hành, tuy nhiên không bao giờ thảo luận được về tỉ lệ ăn chia, dù chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn nhưng họ không bao giờ hồi đáp. Giả dụ họ có đặt tỉ lệ ăn chia, họ 60%, chúng tôi 40% thì chúng tôi cũng đành chịu, vì từ chối chiếu phim của họ thì sẽ không có gì để chiếu. Bắt buộc chúng tôi phải hết sức cần mẫn khắc phục điều đó.
Theo Luật Điện ảnh của Việt Nam thì phải có rạp mới được phát hành. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, người có quyền phát hành và lại sở hữu rạp đang thao túng thị trường. Đáng lẽ ra, ông là nhà phát hành phim, ông phải mong tất cả các rạp chiếu trên cả nước chiếu phim của mình. Đằng này ông có rạp, lạm dụng vị thế phát hành để tiêu diệt các rạp khác.
* Vụ khiếu nại vừa qua đã hé lộ tỉ lệ ăn chia 45/55 (trong đó CGV luôn chọn 55%), Trung tâm có được tỉ lệ 45% không?
- Đây thuộc về thỏa thuận giữa các bên về tỉ lệ ăn chia, không thể tiết lộ. Chúng tôi cũng không được tỉ lệ như thế đâu.
Hiện nay toàn bộ hệ thống phát hành phim nhà nước tê liệt, hệ thống rạp tại các địa phương đã lạc hậu. Tư nhân lại phát triển ồ ạt, toàn bộ thị trường hiện nay do nước ngoài nắm hết rồi. Họ đưa phim vào nước mình, kiếm được lợi nhuận mang về nước họ, lại còn truyền bá được văn hóa nước họ. Trong khi đó điện ảnh nước mình không thể phát triển được. Giờ sản xuất ra phim, lại phải đi cạy cục các cụm rạp nước ngoài để được chiếu.
Nếu nhà nước không ra tay điều tiết thì không thể giải quyết được câu chuyện này.
* Theo ông, vai trò của nhà nước sẽ ở đâu trong câu chuyện này?
- Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có kế hoạch xây dựng các cụm rạp. Nhưng hiện nay chưa có rạp nào được xây cả. Cá nhân tôi nghĩ, mỗi năm nhà nước chỉ cần đầu tư có trọng điểm, xây dựng ở 1 tỉnh thành nào đó 1 cụm rạp có 3 phòng chiếu thôi. Trong 10 năm chúng ta sẽ có một hệ thống rạp lớn. Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất điện ảnh tư nhân nhằm thúc đẩy điện ảnh nội địa.
* Cũng có ý kiến cho rằng cần nhìn nhận một cách sòng phẳng, khi điện ảnh Việt Nam đang ở đáy, các đơn vị nước ngoài đã vào gây dựng từ con số 0 và phát triển được như ngày nay.
- Khi nhà nước mở cửa về văn hóa, nếu không phải Megastar (sau này CGV mua lại – PV) thì cũng sẽ là một đơn vị nào khác mua thôi. Thời gian đầu, Trung tâm là đơn vị hỗ trợ Megastar mạnh mẽ nhất khi họ mở cụm rạp ở Vincom Bà Triệu. Tôi chỉ tiếc là sự điều tiết của nhà nước đã lỡ nhịp so với thị trường và không tạo được thế cân bằng để phát triển nội lực của mình, khiến cho điện ảnh nội địa hiện nay phát triển cực kì khó khăn.
Tư nhân có vài cụm rạp, các đơn vị nhà nước thì bị trói bởi cơ chế. Như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là đơn vị sự nghiệp, phải phục vụ nhiệm vụ chính trị trước rồi mới đến kinh doanh, không được quyền tham gia phát hành phim.
Chúng tôi có kế hoạch mở thêm 4 phòng chiếu, nhưng làm thủ tục giấy tờ suốt 1 năm rồi mà chưa xong. Trong khi đó tư nhân họ có thể quyết rất nhanh.
* Cũng có ý kiến cho rằng những đơn vị tư nhân ở Việt Nam đã từng có cơ hội để phát triển rạp chiếu nhưng không nắm bắt kịp?
- Không phải. Do vấn đề nội lực. Nên nhớ Megastar, hay CGV là những tập đoàn tài chính lớn, có trong tay tiền tỉ đô. Các công ty của Việt Nam hiện nay kiếm triệu đô đã khó, lấy đâu ra tỉ đô mà bắt kịp với họ.
* Có một vấn đề, hiện nay chúng ta đang kêu phim Việt bị chèn ép, nhưng cũng cần xem lại chất lượng phim Việt. Khi phim Việt còn nhiều phim dở như vậy khó có thể đòi hỏi những vị trí tốt ở trong rạp.
- Mỹ một năm sản xuất khoảng 300 - 400 phim, đưa vào Việt Nam 100 phim thì cũng chỉ được 10% trong số này là phim tốt thôi, còn lại họ cũng có nhiều phim yếu chứ.
Phim Việt Nam bây giờ cũng vậy thôi, sẽ có phim tốt, phim yếu. Sòng phẳng mà nói, phim Việt đã tốt hơn rất nhiều so với trước kia, phim nào làm tử tế đều có doanh thu tốt cả.
Điều tra của chúng tôi cho thấy khán giả Việt Nam rất ủng hộ phim Việt. Phim Việt hiện nay đang cạnh tranh sòng phẳng với phim ngoại ngoài rạp, nếu phim Việt yếu thì cũng bị bay ra khỏi rạp.Với chúng tôi thì mọi phim vào rạp đều bình đẳng, không có chuyện chèn ép phim của nước nào. Còn chuyện phim nào "hot" thì sẽ xếp phòng lớn, nhiều phòng để đảm bảo doanh thu cao, đó là nghệ thuật của các cụm rạp thôi.
* Đánh giá của ông về nhu cầu phát triển rạp chiếu hiện nay?
- Hiện nay, phần lớn các cụm rạp có từ 7-9 phòng chiếu, rất ít cụm rạp có 10 phòng trở lên. Trong khi đó phim vào quá nhiều, 1 tuần có tới 7 phim, tuần sau lại có khoảng 5-6 phim khác vào, nói thật không xếp nổi với số lượng phòng chiếu như bây giờ. Chúng tôi đều vui vẻ với tất cả các đơn vị phát hành, tất nhiên vẫn phải ưu tiên phim tốt.
Đơn cử như X-Men thì phải bố trí 2-3 phòng, vì phải tính hiệu quả cho rạp. Còn phim đuối cũng phải tính toán, chứ nếu xếp cho họ vào thời điểm toàn phim tốt sẽ không trụ được.
Cuộc chiến được dự báo trước Nhà sản xuất Trịnh Lê Minh Hằng (Skyline Media) từng chia sẻ tại buổi ra mắt Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam ngày 2/10/2015: “Có nhiều thế lực đằng sau việc phát hành một bộ phim, nhưng nhìn ở khía cạnh khách quan, tôi hiểu rạp chiếu có áp lực nhất định (sự đón nhận hoặc không của khán giả ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của rạp), nên họ sẽ đưa lại những áp lực ấy cho cả phim Việt lẫn phim ngoại nhập. Nếu phim tốt (khán giả đông), đương nhiên bộ phim sẽ được hưởng ưu đãi nhất định và ngược lại. Nếu nhà phát hành không có nhiều cụm rạp trong tay, sẽ không làm và không xoay xở được gì. Còn vừa phát hành, vừa nắm trong tay những cụm rạp quá lớn, họ sẽ ép được nhà sản xuất phim và các nhà phát hành nhỏ hơn bằng cách không lấy phim vì chê phim không hay hoặc có lấy phim phát hành cũng chỉ cho những suất chiếu “xấu”, không thể có doanh thu”. V.B |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất