27/12/2011 07:00 GMT+7 | Phim
(TT&VH Cuối tuần) - Ngưng lại ngày bấm máy dự án phim nhựa mới Bước khẽ đến hạnh phúc để ngồi vào chiếc ghế chủ khảo tại LHP Việt Nam lần thứ 17, đạo diễn - NSƯT Lưu Trọng Ninh đã mong “một điều gì khác” ở cuộc liên hoan lần này. Tuy nhiên, có vẻ điều mong muốn ấy của đạo diễn Khát vọng Thăng Long đã không thể thành hiện thực. Anh dành cho TT&VH Cuối tuần cuộc trò chuyện không chỉ về những cái kết đang gây băn khoăn của LHP mà còn về “một mảng màu” đang u ám hơn của điện ảnh...
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
* Thưa anh, LHP Việt Nam lần thứ 17 đã khép lại với nhiều băn khoăn về hàng loạt hạng mục giải thưởng “đồng hạng”. Có ý kiến cho rằng, đó là bởi BGK không đủ dũng cảm để đưa ra một quyết định cuối cùng. Anh nghĩ sao về điều này?
Ảnh: Nguyễn Hoàng
- 9 thành viên của ban giám khảo đều là những người cá tính. Chúng tôi đã từng làm những phim nhựa, chúng tôi có đủ bản lĩnh để dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình. 9 thành viên như 9 con hổ nhốt chung chuồng vậy. Phim đã xem ở Hà Nội, nhưng khi tới Phú Yên, phải mất 3 ngày để đi tới quyết định chung nhất. Song, sở dĩ chúng tôi không thể đi đến cái đích như đã mong muốn là bởi tôi - người ngồi vị trí chủ tịch ban giám khảo - cũng chỉ có cái quyền quyết định trong 1 lá phiếu bầu - như bất kỳ thành viên nào khác. Thể lệ là bỏ phiếu kín, nên thực tế, có những giám khảo tưởng như đã thống nhất với quyết định chung, mà cuối cùng lại bỏ phiếu trắng.
* Trong cuộc họp báo trước LHP, anh có nói ngắn gọn: Hãy tin tưởng vào chúng tôi. Tuy nhiên, khi LHP khép lại, sự kỳ vọng của công luận dường như đã trở thành thất vọng?
- Mỗi LHP đều có tiêu chí của riêng nó. Ở LHP này nó là Đổi mới và Hội nhập. Chúng tôi nhìn thấy những điều đó ở Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, ở Mùi cỏ cháy và Vũ điệu đam mê. Mùi cỏ cháy là một phim về chiến tranh, đề tài quen thuộc với điện ảnh nhiều thập niên qua. Nhưng mấy năm nay, phim chiến tranh thực sự lại trở thành “của hiếm” của điện ảnh. Còn Vũ điệu đam mê, nói thật là trước khi xem, tôi vẫn mang ác cảm với nó vì những điều người ta nói không hay về nó. Tuy nhiên, xem xong phim, tôi đã có suy nghĩ khác hẳn. Vũ điệu đam mê - một cái nhìn tươi mới về giới trẻ - thực sự là điều bất ngờ.
Trong số 3 phim được trao Bông sen Bạc, dù có phim nhỉnh hơn, nhưng không thể trao vàng cho nó bởi số điểm của 9 giám khảo đã quyết định như vậy, và nếu có làm thế thì cũng không công bằng cho phim còn lại.
* Phát ngôn ấn tượng của anh trong lễ khai mạc: Đổi mới và Hội nhập cũng có nghĩa là chiến thắng hay tồn tại. Thực sự thì phát ngôn này có nghĩa là…
- Một phần của điện ảnh đang tồn tại. Xin nhấn mạnh là chỉ tồn tại thôi nhé. Đâu đó cũng chỉ có vài điểm sáng kiểu như Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt. Như đã nói, về quan điểm cá nhân, tôi đánh giá cao Hot boy nổi loạn… Một đạo diễn trẻ như Vũ Ngọc Đãng khiến chúng tôi cảm thấy kính nể. Hot boy nổi loạn… có những đoạn khiến tôi thấy xúc động, nó đẹp quá, đẹp như một bài thơ vậy.
Việc tư nhân dám bỏ tiền ra làm những bộ phim dung hòa được cả hai yếu tố thị trường và nghệ thuật đúng là một điều hết sức đáng mừng. Trước những tín hiệu tích cực như vậy, tôi cũng mừng cho điện ảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, một phần khác của điện ảnh đang tồn tại. Mấy năm nay, các hãng phim nhà nước, mà mới đây đã được gọi là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, gần như án binh bất động. Đã có bình mới, nhưng liệu rượu có mới? Tự hạch toán vẫn với những nhân sự cũ, bộ máy cũ, và quan trọng là tư duy cũ liệu có sống được không?
Một cảnh trong phim Hotboy nổi loạn…, giải Bạc LHP Việt Nam lần thứ 17. ĐD Lưu Trọng Ninh đánh giá rất cao phim này: “Một đạo diễn trẻ như Vũ Ngọc Đãng khiến chúng tôi cảm thấy kính nể. Hot boy nổi loạn… có những đoạn khiến tôi thấy xúc động, nó đẹp quá, đẹp như một bài thơ vậy”. |
* LHP Việt Nam vừa qua đã cho thấy một bức tranh điện ảnh nhiều màu sắc. Tôi thì thấy rằng, mảng màu mang tên “điện ảnh nhà nước” - mảng vẫn thường chiếm thế “thượng phong” trong các kỳ liên hoan trước - lần này có vẻ u ám hơn. Còn anh, anh nghĩ sao về điều đó?
- Nếu chia theo “phả hệ” thì có thể gọi các bậc tiền bối: NSND Hồng Sến, Phạm Kỳ Nam, Hải Ninh... là thế hệ thứ nhất, tôi nằm ở thế hệ thứ hai. Còn thế hệ thứ ba đang nổi lên với những cái tên: Bùi Thạc Chuyên, Vũ Ngọc Đãng... Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Ở thời hiện tại, điều quan trọng sống còn với điện ảnh là làm ra những sản phẩm hữu dụng. Nói gì thì nói, điện ảnh cũng là một loại hàng hóa, mà nhà đầu tư cần phải thu hồi vốn. Vì thế, cũng như các loại hình khác, điện ảnh cũng phải mang tính giải trí. Phải có những sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả.
* Vậy theo quan điểm của cá nhân anh, để “cứu” nền điện ảnh nhà nước, điều cần phải làm là gì?
- Điều cần phải làm chính là KHÔNG LÀM GÌ CẢ. Hãy đi theo quy luật của tất cả các nền điện ảnh trên thế giới. Một hình thái mới sẽ thay thế hình thái cũ, điều đó là tất yếu.
Còn trên thực tế, tín hiệu tích cực từ các đơn vị tư nhân đang cho thấy sự chuyển động của những thay đổi tất yếu đó.
Hơn nữa, chính sách cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Chính phủ cần hỗ trợ ngay những tác phẩm điện ảnh tích cực và thay đổi quan niệm là không chỉ phim của Nhà nước mới được “bao cấp” hay “hỗ trợ”.
Cảnh trong phim Khát vọng Thăng Long, do Lưu Trọng Ninh đạo diễn, hãng phim tư nhân - công ty Kỷ Nguyên Sáng đầu tư sản xuất. Phim được chọn là đại diện cho Việt Nam tham gia tranh giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài năm 2012 |
* Có người nói rằng, điều cần nhất là các hãng phim nhà nước cần phải có một vị giám đốc đủ tâm - tài, anh có nghĩ vậy?
- Như hãng phim của tôi (hãng phim truyện VN - PV), người cũ còn lại cũng không nhiều. 20 năm làm điện ảnh thì 15 năm nay tôi không được tăng lương. Nói ra bạn có tin không, tôi vẫn ăn lương đạo diễn tập sự với bậc lương 500.000 đồng. Chắc chắn tôi không bao giờ được đứng vào đội ngũ đạo diễn chính vì cơ chế nó thế. Theo quy định, tôi chỉ được lên đạo diễn chính nếu tôi đi học lý luận chính trị cao cấp. Nhưng tôi thì không thể thu xếp được thời gian để đi học... Ngày trước, bộ phim mà tôi được nhắc tới nhiều Bến không chồng, tôi cũng chưa thực sự cảm thấy an lòng vì nó bị sửa sang nhiều quá. Mùi cỏ cháy cũng là phim tôi mang về cho hãng với cái tứ từ Mãi mãi tuổi hai mươi. Nhưng khi không tìm được tiếng nói chung thì tôi thôi.
Một cái đầu đủ tỉnh táo và nhạy cảm với thị trường là cần thiết với tất cả các hãng phim nhà nước hiện nay.
* Có phải vì anh, một người từng được các nhà đầu tư tư nhân giao vào tay nhiều tỷ đồng làm phim, nên có cái nhìn khá trân trọng với dòng phim này?
- Xin nói rằng, cầm tiền của nhà nước đi làm phim dễ hơn việc thuyết phục tư nhân bỏ ra, dù chỉ 1 đồng. Bao nhiêu phim làm xong, cất kho, vậy mà nhà nước vẫn rót kinh phí đều đều hàng năm. Còn tư nhân sẽ không bao giờ trở lại mời anh khi sản phẩm của anh không hiệu quả.
* Còn dòng phim, tạm gọi là dòng phim Việt kiều, đang “làm mưa làm gió” trên màn ảnh rộng hiện nay, anh nghĩ sao về nó? Anh đã xem trailer vừa công bố của bộ phim Thiên mệnh anh hùng - bộ phim của đạo diễn Victor Vũ chưa?
- Tôi chưa xem. Dòng phim Việt kiều mang đến cho điện ảnh Việt Nam hơi thở của điện ảnh thế giới. Rõ ràng, thế giới làm phim bài bản hơn chúng ta. Đó là điều đáng phải học tập. Tại sao khán giả thích xem phim Mỹ. Khán giả bây giờ giỏi hơn người ta tưởng.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Thu Hằng (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất