01/10/2012 07:30 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Tiểu thuyết best-seller Life of Pi của nhà văn Canada Yann Martel từng bị coi là tác phẩm văn học không thể đưa lên màn bạc bởi đã có một số đạo diễn danh tiếng thử làm phim song không thành công. Tuy nhiên, đạo diễn Lý An (57 tuổi) đã làm được và tác phẩm điện ảnh 3D của ông được chọn khai mạc LHP New York lần thứ 50 (hôm 28/9).
Trong bộ phim Life of Pi, đạo diễn Lý An đã sử dụng nhiều hình ảnh được dàn dựng bằng kỹ thuật số nhằm kể lại câu chuyện về một cậu bé Hindu sống sót trên một chiếc thuyền cứu sinh trong 227 ngày với một chú linh cẩu, ngựa vằn, một chú đười ươi bị thương và một chú hổ tên là Richard Parker.
“Tạo nên một Hollywood riêng của mình”
Đây được xem là bộ phim mạo hiểm nhất của đạo diễn Lý An cho đến nay, kể cả so với Brokeback Mountain (2005) - tác phẩm điện ảnh đã đem về cho ông giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất.
Tại buổi chiếu phim đêm 28/9, đạo diễn Lý An cho biết ông đã mất 4 năm để dàn dựng phim Life of Pi và nói rằng ông đã gặp nhiều khó khăn khi làm một bộ phim 3D có bối cảnh ở giữa đại dương, trong khi lại phải miêu tả một bầy động vật từng sống trong vườn thú.
“Life of Pi là một câu chuyện vô cùng hấp dẫn nên tôi không thể đừng được. Tôi phải kể câu chuyện này và đối với tôi đây là một hành trình không thể tin nổi” - đạo diễn Lý An cho biết.
Lý An đã phá vỡ nhiều quy luật khi làm phim Life of Pi: mời một gương mặt vô danh thủ diễn vai chính, tạo nên một chú hổ giả với những yếu tố tham khảo từ 4 chú hổ thật và làm một “cỗ máy” tạo sóng lớn nhất thế giới.
“Mạo hiểm” đầu tiên của ông khi xúc tiến dự án điện ảnh này là giao vai cho Suraj Sharma, một cậu học sinh 17 tuổi ở Delhi. Sharma đã tới thử vai cùng anh trai và cuối cùng được chọn sau khi đã “đánh bại” hơn 3.000 gương mặt khác.
Phần đầu của bộ phim được quay ở Pondicherry, Ấn Độ. 5.500 diễn viên phụ đã được thuê để tham gia các cảnh phim về cuộc sống đường phố và nghi lễ tôn giáo hết sức “hoành tráng” được quay tại đây.
Toàn bộ nửa sau của bộ phim diễn ra tại biển và đạo diễn Lý An đã tới Taichung ở quê hương Đài Loan (Trung Quốc) của mình để quay phim trong một chiếc bể được thiết kế đặc biệt để tạo sóng. Chiếc bể này có kích cỡ 70m x 30m và chứa gần 7 triệu lít nước. “Chúng tôi đã tạo nên một Hollywood riêng của mình”- Lý An nói.
Cảnh trong phim Life of Pi |
Ghép 4 chú hổ thật thành hổ Richard Parker
Khi đã yên tâm với phần diễn xuất của diễn viên, trong đó có cả người đầu bếp Pháp thô lỗ do huyền thoại điện ảnh Gerard Depardieu đảm nhiệm, đạo diễn Lý An chỉ còn phải lo lắng tới vai phụ quan trọng trong phim: chú hổ Richard Parker.
Hình ảnh chú hổ Richard Parker được tạo dựng chủ yếu bằng kỹ xảo điện ảnh. Song các chuyên gia đã thu thập tất những chi tiết quan trọng từ 4 chú hổ thật để “phù phép” cho chú hổ Parker.
Thierry Le Portier, người dạy động vật từng tham gia cố vấn cho những cảnh đấu trong phim Võ sĩ giác đấu, đã tìm 3 chú hổ ở Pháp và 1 ở Canada.
Theo đạo diễn Lý An, chú hổ đực tên King là mô hình chính để tạo dựng chú hổ Richard Parker, trong khi 2 hổ cái được sử dụng làm mô hình để tạo nên những hành động hung hãn của Parker. Còn trong những lúc Parker “ngoan ngoãn hơn”, như khi bị say sóng, thì các chuyên gia lại dựng mô hình theo chú hổ Canada.
Phê bình trái chiều
Với kinh phí làm phim gần 100 triệu USD, Life of Pi sẽ có mặt tại các rạp chiếu ở Mỹ vào tháng 11.
Sau buổi chiếu, phim đã nhận được một số lời phê bình trái chiều. Tờ The Hollywood Reporter đánh giá phim “hay khác thường” và lôi cuốn được nhiều đối tượng khán giả. Trong khi tờ The Variety nhận thấy phim gây ấn tượng về thị giác, nhưng thiếu tính căng thẳng và gai góc.
Đạo diễn Lý An nói với các phóng viên rằng ông đọc tiểu thuyết ngay sau khi tác phẩm này được phát hành hồi năm 2001 và nhận thấy nó “dị thường”. Song cảm kích với thông điệp tinh thần của câu chuyên, đạo diễn Lý An đã đồng ý đưa câu chuyện này lên màn bạc và nhận thấy định dạng 3D là cách duy nhất để dàn dựng phim, thậm chí đó là thời điểm trước khi nhà làm phim James Cameron tung ra quả bom tấn Avatar.
Nhà văn Yann Martel nói rằng ông chưa bao giờ hình dung được tiểu thuyết của mình sẽ được dựng thành phim như thế nào. “Trong tâm trí tôi có khái niệm điện ảnh, song tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ được nhìn thấy ‘đứa con tinh thần” của mình trên màn bạc, bởi đây là câu chuyện rất phức tạp nếu làm thành phim” - Martel giải thích.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất