11/10/2018 07:03 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Tuy mới phát sóng được vài tập, nhưng Con gái bố già (47 tập) của Nguyễn Phương Điền đã có sức hút với khán giả THVL1, định kỳ từ lúc 20h, thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Sức hút ấy có vì phim hình sự này táo bạo về hành động, võ thuật; và cả vì cái tên Nguyễn Phương Điền - một trong số ít tên tuổi là “bảo chứng” của phim truyền hình Việt Nam hiện nay. Anh đã làm khoảng 35 phim truyền hình, với hơn 1.500 tập.
Con gái bố già xoay quanh gia thế của vị bố già và cô con gái Kim Cương, để từ đó lần dở ra các thế lực tội phạm quốc tế. Với bối cảnh trải dài hơn 20 năm từ Việt Nam cho đến Hong Kong (Trung Quốc), nên thời gian quay dài gấp đôi bình thường. Phim có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thanh Hoàng, Nhật Kim Anh, Võ Hiệp, Thân Thúy Hà, Lâm Minh Thắng, Minh Luân, Thanh Bình, Hồ Bích Trâm, Lê Bê La, Mai Sơn Lâm - những gương mặt quen thuộc của phim truyền hình.
Trò chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN), đạo diễn Nguyễn Phương Điền chia sẻ: “Sau rất nhiều phim tâm lý về đời sống gia đình, tôi muốn thử sức vài thể loại khác để thay đổi bản thân. Với thể loại hình sự, tôi đã làm Nữ cảnh sát tập sự (45 tập), phát sóng trên VTV3. May mắn được khán giả đón nhận nên tôi có thêm động lực để làm Con gái bố già”.
* Xem Con gái bố già, khán giả thấy phảng phất các phim truyền hình kiểu Mỹ và Hàn Quốc, với tiết tấu nhanh, nhiều hành động, nhiều kỹ xảo. Anh có nghĩ vậy không?
- Đúng là tôi rất mê và có học hỏi, chịu ảnh hưởng từ các phim truyền hình như Mật danh Iris, Lối thoát, Vượt ngục…, nhưng để so sánh thì không dám ảo tưởng. Bởi điều kiện làm phim và tài năng quá khác nhau, họ cái gì cũng đủ, ta phần lớn đều thiếu, nên chỉ biết cố gắng làm tàm tạm mà thôi.
Khi làm Con gái bố già, tôi chỉ có một ước muốn, đó là giá như khả năng thu hồi vốn của phim truyền hình Việt cao hơn, để nhà đầu tư có thể mạnh dạn chi thêm, phim sẽ được thể hiện sống động, chân thực hơn nữa. Khoảng 150 triệu đồng cho một tập phim truyền hình 45 phút, thể loại hình sự là rất thấp, nếu đầu tư gấp 4-5 lần thì tạm ổn. Nhưng đó chỉ là ước muốn, còn thực tế chiếu phim chưa cho phép mức đầu tư cao như vậy.
* Phim của anh thường có truyền tải thông điệp nhân văn và gây xúc động.Với một câu chuyện hình sự và tội phạm như “Con gái bố già” kèm theo cảnh bắn giết ì xèo, anh có nỗ lực với thông điệp đó không?
- Tôi luôn luôn có niềm tin về sự chiến thắng của cái thiện, dù ngoài đời sống thì cái thiện đang bị cái ác thử thách.. Sở dĩ có niềm tin này vì tôi tin vào “nhân chi sơ tánh bản thiện”, ai cũng có cái cốt cách hiền lành, nhưng do giáo dục và hoàn cảnh sống đưa đẩy mà thôi. Trong phim, hai bố già giết người không gớm tay, điều hành các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, nhưng rốt cuộc thì tình yêu thương, máu mủ ruột thịt đã chiến thắng họ. Tôi nghĩ rằng sẽ có khán giả rơi nước mắt cùng các nghịch cảnh, cùng nhân quả mà bố già phải đối diện.
* Những bố già trong phim của anh có cốt cách quý tộc, có học thức, hành xử với vỏ bọc nhã nhặn, dễ gần, đáng tin cậy… Đây cũng là cách xây dựng các nhân vật bố già thường thấy ở nhiều phim trên thế giới. Vì sao anh muốn có tạo hình như vậy?
- Nếu nhìn ra đời sống hiện nay, chúng ta có thể hình dung về diện mạo của một số bố già. Trước khi sa lưới, nhiều người trong số họ có lối sống của trí thức, quý tộc, “ngọt mật chết ruồi”. Hơn nữa, trong phim tôi không muốn các bố già phải gầm rú, la hét, dù những lúc tàn bạo, họ dư sức máu lạnh. Những chuyện đánh đấm, la hét đã có tay chân thực hiện. Tôi muốn nói rằng những người nhã nhặn, văn minh như họ đáng lý phải có được sự bình an, hạnh phúc, nhưng do lầm đường lạc lối, họ phải nhận cái kết đắng cay. Tôi muốn thử tìm xem phía sau cái ác là cái gì? Còn lại điều gì?
* Sau hai phim hình sự, phim kế tiếp của anh sẽ theo thể loại nào?
- Đó là Giông bão (54 tập), đã quay xong, do Phạm Hà Thu chuyển thể từ kịch bản kinh điển Lôi Vũ của Tào Ngu, nhưng bối cảnh là một vùng quê Nam bộ đầu thế kỷ 20. Phim có với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thanh Nam, Nhật Kim Anh, Cao Minh Đạt, Khương Thịnh, Cao Thái Hà, Lâm Minh Thắng, Oanh Kiều, Lê Bê La, Diệu Đức, Thải Trang... Tôi cũng đang cân nhắc việc nhận lời làm phim chiếu rạp, đang có vài lời mời, nhưng vẫn chờ kịch bản hay và nhà sản xuất phù hợp.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Vai diễn cuối cùng của Thanh Hoàng Dù bị ung thư giai đoạn cuối, nhưng NSƯT Thanh Hoàng (vai bố già Phu-sỉn) giấu đoàn phim điều này để tự mình thực hiện các cảnh hành động khó. Sau khi hoàn chỉnh các cảnh quay, Thanh Hoàng tâm sự riêng với một người bạn vong niên, đây có thể là vai diễn cuối cùng. Trong phim, Phu-sỉn bị chết ở cuối phim, do một phát súng trúng tim. |
Như Hà (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất