11/07/2011 14:22 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Sự việc hai biên kịch Phan Thanh Tú và Phan Huyền Thư không chấp nhận việc đạo diễn Nguyễn Thước gửi những “đứa con chung” - các phim tài liệu do hai chị đảm nhận vai trò biên kịch, viết lời bình - để đăng ký xét Giải thưởng Nhà nước được xem như phát pháo khởi động lại cuộc tranh luận muôn thuở của điện ảnh: đạo diễn và biên kịch, ai là tác giả bộ phim? Chúng ta nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản: Ai là tác giả của một tác phẩm điện ảnh? nhưng lại là khởi đầu của những tranh cãi bất tận trong lịch sử điện ảnh Việt Nam và cả thế giới từ hàng trăm năm qua.
Chuyện cũ, chuyện mới
Chuyện cũ là năm 1996, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho 44 cụm tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật. Điện ảnh chỉ có duy nhất 1 giải thưởng được truy tặng cho cố NSND Hồng Sến. Lý do bởi, lúc đó đã nổ ra cuộc tranh luận cực kỳ căng thẳng xung quanh câu hỏi: biên kịch và đạo diễn, ai đóng vai trò tác giả? Vì thế, các trường hợp đề nghị xét tặng khác đã bị gác lại.
Luật Điện ảnh hiện hành ghi rõ: “Tác phẩm điện ảnh là sản phẩm nghệ thuật được biểu hiện bằng hình ảnh động kết hợp với âm thanh và các phương tiện khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh”.
Cảnh phim Những công dân @
Định nghĩa ngắn gọn như vậy, nhưng điện ảnh là một nghệ thuật tổng hợp, một tác phẩm điện ảnh được hình thành bởi nhiều thành phần: biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ, diễn viên, nhạc sĩ, âm thanh... Và các thành phần này không phải bao giờ cũng “hòa thuận” với nhau. Đã có rất nhiều vụ việc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, thậm chí lôi nhau ra tòa như vụ kiện bản quyền Hôn nhân không giá thú giữa tác giả Kim Ánh và đạo diễn Phạm Lộc, hay vụ việc ông Nguyễn Thanh kiện nhà biên kịch Lê Phương và cả Hãng phim Truyện Việt Nam về bản quyền Biệt động Sài Gòn với yêu cầu bồi thường nhuận bút hàng chục tỉ đồng...
Đó là những chuyện cũ. Mới đây, như TT&VH đã đưa tin, Bộ VH,TT&DL đã thông báo kết quả đợt 1 của các Hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa, kiến trúc, điện ảnh. Theo đó, điện ảnh có 16 tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình được Hội đồng cấp Bộ đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước.
Chuyện mới và khá “nóng” là ngay sau đó, biên kịch Phan Thanh Tú và Phan Huyền Thư đã gửi đơn tới Bộ VH,TT&DL kiến nghị về kết quả xét tặng Giải thưởng Nhà nước đối với cụm tác phẩm, gồm 3 phim tài liệu nhựa: Sự nhọc nhằn của cát (sản xuất năm 2002), Những công dân @ (sản xuất năm 2003) và Chất xám (sản xuất năm 2007) của đạo diễn Nguyễn Thước. Được biết, bộ phim Sự nhọc nhằn của cát có tác giả kịch bản: Phan Thanh Tú, tác giả lời bình: Phan Huyền Thư, Những công dân @ và Chất xám có tác giả kịch bản và lời bình: Phan Huyền Thư. Bộ phim Sự nhọc nhằn của cát từng được trao Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 14 năm 2004 và giải Bông sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc Phan Thanh Tú. Còn Phan Huyền Thư đã nhận giải Bông Sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc phim Chất xám.
Biên kịch hay đạo diễn đều có thể được xét
Trao đổi về chuyện xung quanh đơn khiếu nại về đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho đạo diễn Nguyễn Thước, một thành viên Hội đồng cơ sở cho biết, theo Thông tư Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật do Bộ VH,TT&DL ban hành ngày 27/5/2010, việc xét tặng của đạo diễn Nguyễn Thước hoàn toàn đúng đối tượng. Theo quy định, đối tượng xét tặng gồm: “Tác giả là người Việt Nam có tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng kể từ ngày thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam/Hoặc tác giả là người nước ngoài có tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình nghiên cứu văn học, nghệ thuật về Việt Nam”. Trong đó, tác giả, đồng tác giả hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả, đồng tác giả đều có thể nộp hồ sơ đăng ký tác phẩm đề nghị xét Giải thưởng theo đúng trình tự. Thành viên này nói thêm, trong những gương mặt đạo diễn phim tài liệu của VN hiện nay, Nguyễn Thước xứng đáng với các danh hiệu vinh dự của Nhà nước.
Cũng theo hướng dẫn của Thông tư nói trên, các biên kịch điện ảnh cũng có thể gửi hồ sơ xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh thông qua Hội Nhà văn, bởi kịch bản điện ảnh được xem là như một tác phẩm văn học. Như vậy, biên kịch Phan Thanh Tú, Phan Huyền Thư hoàn toàn có thể gửi các kịch bản giành Bông sen Vàng của mình tới Hội đồng xét danh hiệu Nhà nước. Đợt xét tặng năm 2011 này, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và Lê Ngọc Minh cũng đưa tác phẩm của mình qua con đường này.
Hiện tại, trong quá trình kết luận về khiếu kiện, Hội đồng cấp Bộ không đưa ra bất cứ ý kiến gì. Còn những người trong nghề cũng ngại... va chạm, nên giữ im lặng. Song một số người trong giới còn ngạc nhiên vì từ hàng chục năm trước, đạo diễn Nguyễn Thước - biên kịch Phan Huyền Thư đã được xem là một “cặp bài trùng”. Kịch bản của Phan Huyền Thư dường như là cảm hứng bất tận để vị đạo diễn này làm nên những bộ phim gây tiếng vang... Hy vọng rằng, hai bên sẽ sớm hiểu nhau và vụ việc sẽ sớm kết thúc để điện ảnh Việt Nam tiếp tục được chứng kiến những tác phẩm mới của “cặp bài trùng” này.
Hà Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất