Đào tạo cầu thủ trẻ Việt Nam: Muốn con hay chữ phải 'yêu' lấy thầy

29/05/2024 06:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

Nhắc lại câu chuyện giữa Thể thao & Văn hóa với HLV Hoàng Anh Tuấn hôm ở Vinh trong trận đấu giữa SLNA và Khánh Hòa xung quanh vấn đề gốc và ngọn của nền bóng đá. Theo cựu HLV trưởng đội tuyển U23 Việt Nam, đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam đang đi xuống nghiêm trọng.

"Không thể hiểu nổi, một cầu thủ 2003, 2004 lại bị căng cơ từ phút 65. Tôi cho rằng, vấn đề không chỉ nằm ở chất lượng đào tạo, chế độ dinh dưỡng, mà nó dường như đã "gai gai" ở ngay đầu vào rồi. Mối quan hệ giữa HLV và phụ huynh "khăng khít" đấy, nhưng không phải để chăm sóc cầu thủ trẻ tốt hơn", ông Tuấn nói. Là người có thâm niên trong đào tạo, huấn luyện bóng đá trẻ, ông Hoàng Anh Tuấn hẳn có lý.

Không tiện đề cập trực tiếp Trung tâm, Học viện hay lò đào tạo cụ thể nào, song tình trạng chung của những nơi ươm mầm giấc mơ chuyên nghiệp này, chính là vấn đề xin cho, là cắt xén chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện của VĐV và là nhiều chuyện kèm theo khác. Cách đây không lâu, Thể thao & Văn hóa đã từng có loạt bài về sự thật đằng sau vẻ hào nhoáng của các Trung tâm đào tạo hay Học viện cỡ lớn ở Việt Nam không đẹp như trên... facebook.

Đào tạo cầu thủ trẻ Việt Nam: Muốn con hay chữ phải 'yêu' lấy thầy - Ảnh 2.

Người viết trao phần thưởng cho em Nguyễn Việt Đức vì thành tích bơi lội xuất sắc. Ảnh: CCKM

Ví như tại B.Bình Dương hay CLB TP.HCM, khu ăn nghỉ, sinh hoạt của các tuyến trẻ cũng như việc quản lý đều có nhiều thứ cần nói. Tại lò SLNA, 10 đồng rót xuống, thì chín đồng rưỡi dành cho đội 1. Điều này kéo dài từ hàng chục năm qua rồi.

Sau lứa đầu vào 2009, khi PVF còn đặt tại Thành Long, TP.HCM, Quỹ Phát triển Tài năng Bóng đá trẻ Việt Nam này gần như không sản sinh thêm một lứa cầu thủ tương đương nào về năng lực thi đấu, dù dòng tiền đổ vào rất nhiều và đại bản doanh được dời về Hưng Yên, với quy mô cũng lớn hơn nhiều. Tương tự là Học viện Hàm Rồng, HAGL, duy chỉ có khóa 1 của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn... là ưu tú. Các lứa sau đó, cầu thủ trưởng thành đủ năng lực chơi V-League chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Tôi khẳng định tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao nói chung rất nhiều. Nhưng ai là người cất công đi tìm và ai chịu trách nhiệm đào tạo, phát triển họ mới quan trọng", vẫn lời ông Tuấn.

Nhân chuyện này, trong chuyến thiện nguyện trao học bổng tại Trường THPT Lê Thị Pha, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng đợt rồi, người viết có duyên khi được xướng tên trao phần thưởng cho em Nguyễn Việt Đức: Cú đúp HCV nội dung bơi tự do và ếch ở giải Học sinh THPT tỉnh Lâm Đồng 2024.

Việt Đức chỉ mới học lớp 10, tức mới bước qua tuổi 16, nhưng tài năng thật sự và thậm chí có thể coi là thần đồng bơi lội của tỉnh Lâm Đồng, với các kỹ năng mà em tự học trên... Youtube. Nếu có một môi trường đào tạo và có thầy tốt, viên ngọc thô này há chẳng phải là một kình ngư có hạng trong tương lai gần sao?!

Có trò thì mới có thầy, nhưng phải đào tạo thầy trước rồi mới dạy được trò. Môi trường đào tạo chính là mang tính quyết định thành phẩm đầu ra vậy.

Trở lại câu chuyện giữa HLV Hoàng Anh Tuấn và Thể thao & Văn hóa, thực ra còn rất dài, với nhiều vấn đề cần mổ xẻ, chứ không chỉ gói gọn trong một buổi chiều, khi theo dõi trận cầu gần như thuần nội địa kiểu của nhà trồng được giữa SLNA và Khánh Hòa, 2 trong số những địa phương đi đầu trong đào tạo trẻ, với chất lượng chuyên môn dưới trung bình.

Chúng ta không thể không băn khoăn: Phần gốc và thân thấp như thế, thì liệu có kỳ vọng gì cho cái ngọn (đầu ra) tươi tốt của nền bóng đá?!

Các địa phương vốn đèn nhà ai nấy sáng, thì ngay Trung tâm đào tạo trẻ VFF, bao năm qua, cũng chỉ là nơi tập luyện cho các ĐTQG, chứ cũng chẳng có thầy và chẳng có trò nào được đào tạo cả.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link