Đào tạo trẻ nhìn từ các ĐTQG

27/10/2011 11:48 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Nhìn vào danh sách 2 ĐTQG gần đây, đúng là có gì đó khó hiểu bởi rất nhiều tên tuổi truyền thống đã bị lép vế.

Mấy năm gần đây, B.Bình Dương luôn chiếm thế áp đảo trên ĐT. Có lúc,  họ có đến 7 tuyển thủ quốc gia chiếm giữ những vị trí xung yếu. Thế nhưng, trong danh sách ĐTVN thi đấu giao hữu với ĐT Nhật Bản mới đây, đội bóng đất Thủ chỉ còn đóng góp 2 gương mặt là Quang Thanh và Chí Công. Quang Thanh chơi chưa đúng phong độ vốn có. trong khi Chí Công thực sự nhàn nhạt.

Tiền đạo Hà Minh Tuấn (10) tuy là ngôi sao ở VCK U21 QG và quốc tế vừa rồi nhưng suốt mùa

bị “giam” trên băng ghế dự bị tại SHB.ĐN. Ảnh: Quốc Khánh

U21 B.BD vừa đoạt ngôi á quân VCK U21 toàn quốc mới đây. Vậy mà, danh sách U23 VN dự SEA Games 26 mà ông Falko Goetz vừa chốt, không có cầu thủ nào của đội bóng Đông Nam Bộ. Trong khi đó, nhà vô địch Nam Định cũng chỉ đóng góp 2 cầu thủ là Ngọc Anh và Anh Quang. Có gì đó nghịch lý, bởi lẽ ra 2 đội bóng này phải đóng nhiều gương mặt hơn nữa cho U23 VN.

Mấy năm gần đây, người ta nói đến Đà Nẵng như một thế lực của công tác đào tạo trẻ. Dưới thời HLV Phan Thanh Hùng, U21 Đà Nẵng từng 2 lần liên tiếp vô địch VCK U21 (2008, 2009), còn đội một SHB.ĐN từng vô địch V-League 2009 cùng HLV Lê Huỳnh Đức. Vậy mà, ở cấp ĐTQG, quân của đội bóng này luôn bị trống. Danh sách ĐTVN thi đấu giao hữu với ĐT Nhật Bản chỉ mỗi Ngọc Thanh, nhưng cầu thủ này chỉ có mỗi cái tên, bởi dù đang khoác áo SHB.ĐN, nhưng anh không một ngày được Đà Nẵng đào tạo.

Càng cám cảnh cho thể diện SHB.ĐN khi danh sách U23 VN tuyệt không có một gương mặt nào. Nguyên Sa, Hà Minh Tuấn, Thành Trung đều bị loại vì những lý do khác nhau. Bất cứ người hâm mộ Đà Nẵng nào cũng tự ái, bởi mang tiếng công tác đào tạo trẻ tốt, mà các giải đấu khu vực cầu thủ gốc Quảng-Đà cứ trường kỳ ở nhà xem TV.

Nhìn lại chục năm qua, dù có nhiều biến động nhưng chỉ  SLNA và Đồng Tháp có quả ngọt từ đào tạo trẻ. Còn lại, khi mờ khi tỏ, kể cả  nhiều nhà vô địch V-League như ĐT.LA, HA.GL, B.BD, HN. T&T. 2 trung tâm lớn của đất nước là Hà Nội và TP.HCM thì bóng đá trẻ vẫn giẫm chân tại chỗ. Mỗi khi tham dự các giải U, đặc biệt VCK U21, chúng ta chẳng lạ gì cảnh mượn quân loạn cả lên. Hay nói cách khác, các đội mượn quân phải bỏ số tiền không nhỏ để tiền thuê cầu thủ với hy vọng có thành tích báo cáo cuối năm.

Điều đó chứng tỏ cái gốc của nền bóng đá ta vẫn đang có vấn đề. Đào tạo một cầu thủ trẻ đã khó, nhưng để giúp các tài năng trẻ tiếp tục phát triển lên tầm cao hơn không phải là chuyện đơn giản. Muốn thế, đầu tiên họ phải được chăm bẵm về tư cách đạo đức.  Vấn đề này ở ta chưa tốt, bởi rất nhiều cầu thủ trẻ có tư chất đã bị chột rất sớm vì những lý do chủ quan.

Mặt khác, cầu thủ trẻ phải được cọ xát nhiều hơn. Nếu như nước ngoài, cầu thủ tuổi đôi mươi đã trở thành chuyên nghiệp, thậm chí trụ cột ở ĐTQG, thì ở ta vẫn chỉ là “trẻ ranh”. Họ ít khi được tạo điều kiện ra sân thường xuyên ở CLB. Ví dụ như tiền đạo Hà Minh Tuấn của SHB.ĐN, ngôi sao ở VCK U21 vừa rồi nhưng suốt mùa bị “giam” trên băng ghế dự bị. Tiền đạo này hầu như không có cửa cạnh tranh với tiền đạo ngoại, và bản thân HLV trưởng cũng không dám mạo hiểm tin dùng. Nguyên Sa cách đây vài năm đã nổi đình nổi đám ở sân chơi U21 thì cũng chung hoàn cảnh như đàn em Hà Minh Tuấn ở CLB SHB.ĐN.

Đồng Tháp, SLNA là 2 đội bóng luôn tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ thể hiện ở đội một, chú trọng phát huy nội lực. Do đó, ở họ luôn kích thích được công tác đào tạo trẻ tốt, bản sắc được duy trì và các thế hệ cầu thủ luốn có động lực phấn đấu rõ ràng.

Tiếc rằng đấy chỉ là thiểu số.

HỮU QUÝ



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link