10/09/2015 12:44 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Thêm 1 thất bại nữa trước người Thái ở chung kết và dù đó chỉ là sân chơi trẻ, nhưng không thể phủ nhận rằng, cái thất bại quá đậm ấy đã khiến cái câu hỏi dài tới 2 thập kỷ - Bao giờ vượt qua người Thái? trở lại đầy nhức nhối. Thậm chí, thấy bại của lứa U19 vừa rồi còn khiến động từ "vượt qua" đang được thay bằng "đuổi kịp" cho nó... thời sự!
Bao giờ cho tới ngày xưa?
Với những người thích "tầm chương, chích cú", thích nói chuyện xưa, thì bóng đá Thái Lan cách đây không xa thực... chẳng có vị gì! Nó giống như thời Sài Gòn còn là Hòn ngọc Viễn đông, chứ mấy ai đã biết tới Bangkok.
Thời ấy đâu xa, năm 1959, đội tuyển miền Nam Việt Nam dù phải đi xe đò sang xứ Xiêm để đá kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên dưới cái tên SEAP Games cũng đủ sức hai lần thắng người Thái. 4-0 ở vòng bảng và 3-1 trong trận chung kết, đó cũng là chức vô địch SEA Games duy nhất cho đến tận lúc này.
Dễ hiểu là khi đó bóng đá miền Nam đạt tới trình độ châu lục (hạng tư các năm 1956 và 1960) nên người Thái còn ở một quãng khá xa. Chỉ tính riêng sân chơi SEA Games, sau chức vô địch năm 1959, đội tuyển miền Nam còn có thêm 2 HCB (1967; 1973) và 2 HCĐ (1965; 1971) với nhiều lần đánh bại Thái Lan, trong đó có chiến thắng tới 5-0 ở trận bán kết năm 1967 cũng ngay tại Bangkok.
Không chỉ cấp độ trẻ, bóng đá Việt Nam vẫn đang thua Thái Lan 1 bậc. Ảnh: Hà Lê
Với bóng đá miền Bắc, vì hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ không tham gia thi đấu SEA Games, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, đội tuyển quốc gia khi ấy cũng tiệm cận với mặt bằng châu lục. Khi đó, đối thủ được xem là đáng kể nhất trong khu vực Đông Nam Á không hề là Thái Lan, mà là Myanmar, nền bóng đá nổi lên ở thập niên 60 với ngôi á quân Asian Cup 1968 nhờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia Liên Xô (cũ).
Từ "giấc mơ "...
Thời xưa thì chả xa, nhưng cũng vì nhiều lý do, bóng đá Việt Nam dừng lại và phải mãi tới năm 1991 mới "tái xuất" qua lần tham dự SEA Games 16 ở Philippines. Khi ấy chúng ta đã tụt lại so ngay với mặt bằng khu vực.
4 năm sau, bằng thế hệ cầu thủ tài năng, đội tuyển Việt Nam đã vào đến chung kết SEA Games và dù thua chủ nhà Thái Lan tới 0-4 thì đây cũng là điểm xuất phát cho giấc mơ Vàng. Giấc mơ vươn lên ngôi đầu khu vực, trước khi nghĩ tới chuyện tiến xa hơn. Chỉ có điều, giấc mơ ấy cho đến nay vẫn chưa thể tròn bởi cái bóng quá lớn của chính người Thái.
Theo thống kê đối đầu từ FIFA chỉ tính riêng các trận đấu A (các trận được FIFA công nhận, thì trong 20 lần gặp nhau, Việt Nam chỉ thắng vỏn vẹn 3, thua đến 13 và hòa 4. Trong 3 chiến thắng ấy, đáng kể nhất chính là lượt đi chung kết AFF Cup 2008 tại Bangkok và trận thắng đậm nhất với tỷ số 3-0 ở Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy.
Thua nhiều và thua cũng rất nhiều trong các trận chung kết, kể cả sân nhà hay sân khách. Thực tế thì đến sau SEA Games 2005 sau khi để thua Thái Lan 0-3 ở trận đấu cuối, ngay trước vụ bán độ lịch sử ở vòng bán kết với Myanmar thì "giấc mơ" vượt người Thái đã khép lại. Chúng ta có thể có cơ hội để đánh bại Thái Lan trong 1 trận đấu cụ thể mà không thể vượt lên một cách toàn diện về trình độ cũng như mặt bằng phát triển nền bóng đá quốc gia. Bóng đá Thái cho tới tận lúc này trở thành nỗi ám ảnh lớn khi tất cả chúng ta đều phải thừa nhận - Muốn vượt họ, thì phải học chính họ!
Đến "câu hỏi"
1975 -1995- 2015 với riêng người Thái là 3 cái mốc đáng nhớ cho bóng đá Việt Nam. Từ chỗ hơn, đến bám sát và giờ là đang tụt lại! Trận thua 0-6 (đậm nhất trong các trận chung kết với Thái Lan) của U19 Việt Nam tại giải vô địch U19 Đông Nam Á vừa khép lại tại Lào đã minh chứng cho sự tụt hậu ấy.
Và quan trọng hơn, như đã đề cập ở trên trận thua ấy không hề mang tính thời điểm, mà chỉ thẳng ra những khác biệt đến bất cập của 2 nền bóng đá. Người Thái không chỉ hơn chúng ta trong cách làm bóng đá đỉnh cao chuyên nghiệp mà hơn cả việc tạo nguồn cho tương lai bằng sự tập trung cho công tác đào tạo trẻ khoa học, bài bản.
Ai cũng biết, bóng đá Việt Nam muốn vượt lên và trước hết là đuổi kịp để hy vọng vượt qua người Thái thì chỉ có 1 con đường duy nhất đó là tập trung cho việc đào tạo trẻ. Và không thể phủ nhận rằng, chúng ta không thiếu những tài năng, khi mà bên cạnh những trung tâm có truyền thống như kiểu SLNA giờ đã có thêm HAGL, PVF, Viettel... với những những cách làm bài bản.
Tuy nhiên, chừng đó vẫn là chưa đủ để có thể lập tức bắt kịp người Thái, bởi xét cho cùng thế hệ trẻ mới chỉ là yếu tố "cần", bóng đá Việt Nam vẫn phải có thêm yếu tổ "đủ", hay chính xác hơn là một môi trường tốt hơn, để thế hệ trẻ ấy thực sự chín.
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất