Đào tạo xiếc - nhìn từ một cuộc thi

19/08/2024 11:03 GMT+7 | Văn hoá

Vượt qua những "đối thủ" khá nặng ký là các đoàn nghệ thuật xiếc chuyên nghiệp, Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam trở thành đơn vị thắng lớn tại Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2024 (vừa kết thúc vào cuối tuần qua).

Thế nhưng, như chia sẻ của những người trong cuộc, đằng sau thành tích ấy lại là khá nhiều tâm sự - cũng như những bài toán đặt ra - về cơ chế tuyển sinh, mô hình đào tạo và cả những chính sách đặc thù với một môn nghệ thuật có tuổi làm nghề ngắn ngủi như xiếc.

Kết nối để phát triển

Trong số 10 giải thưởng chính thức được trao tại cuộc thi, Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam sở hữu một giải Nhất (tiết mục đạp trống Tiếng vọng miền sơn cước), hai giải Nhì (đu quăng lưới bật đạp người Đối lập và dây lụa Nỗi oan Thị Kính) cùng một giải đạo diễn cho NSƯT Ngô Lê Thắng.

Đào tạo xiếc - nhìn từ một cuộc thi - Ảnh 1.

NSƯT Ngô Lê Thắng (thứ 2 từ trái qua) cùng một số học viên giành giải tại Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2024

Bên cạnh đó, tiết mục dạy thú tổng hợp Phiên chợ Ba Tư của đơn vị này còn được giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đồng thời một số diễn viên của trường được Liên chi hội Xiếc Việt Nam trao các giải Diễn viên triển vọng và Diễn viên trẻ xuất sắc.

"Những thí sinh dự thi đều đến từ các đơn vị nghệ thuật xiếc lớn. Do vậy, việc học sinh của trường đạt thành tích như vậy là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của các em, cũng như của các thầy cô giáo chúng tôi" - NSƯT Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, cho biết.

Như lời kể, để tham dự cuộc thi này, phía trường xiếc - cách gọi quen thuộc của người trong nghề - đã có kế hoạch chuẩn bị khá cẩn thận và tỉ mỉ. Một mặt, các học sinh dự thi của trường được tăng cường tập luyện phụ đạo miễn phí hàng ngày. Bên cạnh đó, phía dàn dựng cũng tập trung biên soạn, chỉnh sửa kịch bản của các tiết mục tham gia sao cho đạt tới sự hoàn hảo nhất. Thậm chí, phần nhạc của Tiếng vọng miền sơn cước (giải Nhất) còn được nhà trường đặt nhạc sĩ viết riêng, bởi các bản nhạc có sẵn không đủ đáp ứng yêu cầu.

"Chúng ta vẫn quen sử dụng khái niệm "tiết mục xiếc". Thật ra, trong cách nhìn nhận của chúng tôi, nó phải được coi như những "tác phẩm nghệ thuật xiếc" đầy đủ và chỉn chu" - ông Thắng chia sẻ - "Cách tiếp cận ấy sẽ đòi hỏi thêm những khác biệt về dàn dựng, kỹ thuật biểu diễn, cũng như phần phục trang, âm nhạc, ánh sáng".

Đào tạo xiếc - nhìn từ một cuộc thi - Ảnh 2.

Tiết mục đạp trống "Tiếng vọng miền sơn cước" giành giải Nhất

Đáng nói, theo NSƯT này, trường xiếc là đơn vị công lập duy nhất tại Việt Nam đào tạo diễn viên biểu diễn nghệ thuật xiếc và tạp kỹ, đồng thời cung cấp một lượng diễn viên rất lớn cho tất cả các đoàn nghệ thuật xiếc trên toàn quốc. Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp hoạt động nghệ thuật tư nhân cũng đã đặt ra nhu cầu về nguồn diễn viên này. Do vậy, việc kết nối để xây dựng các kế hoạch trung hạn và dài hạn giữa trường với các đơn vị nghệ thuật xiếc là điều cần được đẩy mạnh trong tương lai.

"Hiện tại, chúng tôi đã có ký cam kết đào tạo với Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Nhưng xa hơn, tôi mong được cùng nhiều đơn vị khác bắt tay và ngồi lại với nhau, để đặt ra những vấn đề về việc đào tạo theo yêu cầu đặc thù, hoặc hỗ trợ tuyển sinh" - ông nói.

"Xa hơn, tôi nghĩ cũng cần những cơ chế phù hợp để phân bổ học sinh sau khi tốt nghiệp về các đơn vị nghệ thuật nhà nước, thay vì để các em chỉ hướng tới các đơn vị doanh nghiệp có mức lương cao" - NSƯT Ngô Lê Thắng nói thêm - "Đó là điều cần thiết và lâu dài. Như tôi được biết có những địa phương đã đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng rạp biểu diễn, nhưng phần chuẩn bị cho nhân lực lại chưa tương xứng".

Đào tạo xiếc - nhìn từ một cuộc thi - Ảnh 3.

Tiết mục đạp trống "Tiếng vọng miền sơn cước"

"Vượt dần" rào cản và định kiến

Mùa tuyển sinh năm nay, trường xiếc chọn được 48 học viên nhập học (chỉ tiêu trung bình khoảng 35 học viên). Để có được con số này, khoảng 10 ngàn thí sinh dự thi đã tham gia vòng sơ tuyển, tiếp đó khoảng 400 em được chọn vào vòng một, rồi sàng lọc dần qua các vòng chung tuyển và phúc tuyển.

Thực tế, chu trình tuyển sinh, với những thông số tương tự, của trường vẫn diễn ra như vậy trong nhiều năm qua. Và ở đó, trong rất nhiều khó khăn, rào cản lớn nhất với đơn vị đào tạo này vẫn là việc tìm được những học sinh ở độ tuổi 11 đủ say mê với xiếc.

"Không hẳn ngành xiếc không được xã hội quan tâm như chúng ta thường mặc định. Nói cho đúng, thì đối tượng cần quan tâm nhất khi tuyển sinh lại quá nhỏ tuổi" - NSƯT Ngô Lê Thắng nói - "Nhiều trường bây giờ có thể áp dụng hình thức truyền thông online để tuyển sinh. Nhưng ở độ tuổi 11 khó có thể đòi hỏi các em lên mạng và đọc về hình thức tuyển, hoặc chế độ học tập tại trường".

Đào tạo xiếc - nhìn từ một cuộc thi - Ảnh 4.

Bởi thế, cách tuyển sinh phổ biến nhất của trường xiếc hàng năm vẫn là… tới hàng trăm trường tiểu học, biểu diễn trực quan rồi thăm dò xem em nào… thích xiếc. Nếu có thì câu chuyện tiếp theo là quá trình làm việc của trường với phụ huynh, bởi thực tế cho thấy: Nếu không quan tâm từ trước, không nhiều bố mẹ muốn cho con theo chuyên ngành này.

"Các em chỉ có 11 tuổi nên trường phải có chế độ bảo mẫu 24/7, thầy giáo quản sinh phải ngủ đêm ở đấy. Để các bậc cha mẹ đồng ý, chúng tôi thường mời cha mẹ các em tới trường, xem ký túc xá và chỗ học rồi tư vấn thuyết phục thêm" - ông Thắng kể.

Thực tế, sau khâu tuyển sinh, những khó khăn - và cả bất cập - liên quan tới việc đào tạo nghề xiếc cũng đã được nhắc nhiều tại các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên ngành. Đó là việc thí sinh được đào tạo lâu (5 năm so với 18 tháng như nhiều trường trung cấp) nhưng lại hoạt động trong lĩnh vực có tuổi nghề ngắn ngủi. 

Do yêu cầu đặc thù, khoảng 50 giảng viên tại đây chỉ có thể tập trung đào tạo từ 40 học viên cho một khóa học (trong khi một lượng giảng viên tương đương tại các trường trung cấp có thể đạt hiệu suất gấp 5 lần). Rồi, tấm bằng "trung cấp" hiện tại khiến các em ra trường chỉ được xét theo bậc tương đương diễn viên hạng 4…

Như lời NSƯT Ngô Lê Thắng, hiện tại, quyết tâm xin "nâng cấp" thành một trường cao đẳng đang được phía đơn vị đào tạo này đặt ra. Còn trước mắt, "chúng tôi tiếp cận những khó khăn đặc thù ấy, với tâm thế rằng đó là cái nghề của mình. Vậy đừng kêu khó, mà hãy tập trung nghĩ cách vượt qua cái khó đấy".

Từ "xa" đến "gần"

Thực tế, theo kinh nghiệm của NSƯT Ngô Lê Thắng, việc tuyển sinh của trường xiếc thường bắt đầu từ những vùng xa trung tâm Hà Nội, bởi ít phụ huynh trong nội thành muốn cho con theo nghề này. Tuy nhiên, riêng năm nay, lượng học sinh đến từ nội thành đã tăng cao, trong đó có nhiều em đến từ những gia đình cán bộ, viên chức. Đây là tín hiệu vui, cho thấy cách nhìn của cộng đồng với nghề xiếc đang dần cởi mở hơn.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link