Bộ trưởng Quốc phòng Đức vướng bê bối đạo văn

18/02/2011 10:51 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Sóng gió đang nổi lên quanh Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg, sau khi báo chí cáo buộc ông đã “đạo văn” của người khác trong bản luận án tiến sĩ. Đây được đánh giá là “thảm họa” đối với ngôi sao đang lên như Guttenberg, một chính khách đang rất được ưa chuộng tại Đức.

Karl-Theodor zu Guttenberg nhận được kết quả xuất sắc cho bản luận án tiến sĩ ngành luật của ông tại Đại học Bayreuth hồi năm 2006, với nội dung so sánh về nỗ lực tạo lập hiến pháp của châu Âu với hoạt động tương tự diễn ra tại Mỹ. Nhưng tờ Suddeutsche Zeitung đã chỉ ra rằng nhiều đoạn dài trong tác phẩm này đã được lấy đi từ công trình của người khác.

“Nam tước cắt và dán”

Nhân vật phát hiện hoạt động đạo văn là Andreas Fischer-Lescano, một giáo sư luật ở Đại học Bremen. Tuần trước, Fischer-Lescano đã xem xét tác phẩm của Guttenberg với ý định viết một bài đánh giá về nó. Ông cho tờ Suddeutsche biết rằng mình có thói quen đưa các đoạn nội dung trong nhiều bản luận án lên trang web tìm kiếm Google để xem chúng có vấn đề hay không.

Khi làm vậy với công trình của Guttenberg, ông lập tức thấy đường dẫn tới một bài báo viết trên tờ NZZ am Sonntag của Thụy Sĩ. Một phần lớn nội dung bài báo này đã được sao chép nguyên xi trong tác phẩm của Guttenberg và ông không hề trích dẫn nguồn. Các tìm kiếm khác cho thấy nhiều đoạn trong luận án hoàn toàn là sản phẩm của việc cắt và dán nội dung các bài báo từ nhiều nguồn khác nhau.

Nguy cơ tan vỡ sự nghiệp đang treo lơ lửng trên đầu Guttenberg
Chỉ một số ít nội dung đó được thay đổi, còn lại đều nguyên xi như bản gốc, giống tới từng chữ một. Thậm chí vài trang trong bản luận án dài 475 trang hoàn toàn là sản phẩm “vay mượn” nhưng không hề trích nguồn. “Việc sao chép nội dung có thể tìm thấy trong suốt tác phẩm và xuất hiện trên nhiều chủ đề” - Fischer-Lescano nói với tờ Suddeutsche. Ông đánh giá vài đoạn trong bản luận án là “sự đạo văn trắng trợn”.

Báo chí Đức đã nhanh chóng vào cuộc. Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, sau khi đào xới luận án của Guttenberg, tuyên bố đoạn mở đầu của ông đã sao chép y nguyên nội dung lấy từ một bài báo của giáo sư chính trị Zehnpfennig. Tờ Frankfurter Allgemeine cáo buộc Guttenberg đã chôm các đoạn nội dung lấy từ một bài báo được tờ này đăng hồi năm 1997. Tờ Financial Times Deutschland đã không ngần ngại khi trao cho Guttenberg danh hiệu “Nam tước cắt và dán” trên trang nhất.

Mục tiêu ưa thích của báo giới

Karl-Theodor Freiherr zu Guttenberg sinh ngày 5/12/1971, là cháu của 2 chính trị gia tầm cỡ mang dòng máu quý tộc, gồm Nam tước Karl Theodor zu Guttenberg và Bá tước Jakob von und zu Eltz. Nhờ vào chuyện này, Guttenberg cũng được coi là một Nam tước.

Guttenberg có thời gian phục vụ trong quân ngũ, tham gia kinh doanh và làm báo trước khi được bầu vào Quốc hội hồi năm 2002. Ông giữ ghế Tổng thư ký Đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo vùng Bavaria trong một thời gian ngắn rồi được chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ trong nội các của Thủ tướng Angela Merkel vào năm 2009. Từ giai đoạn này trở đi, ông đã trở thành một trong những chính trị gia được lòng cử tri nhất và thậm chí vào mùa Hè 2009, ông đã vượt qua bà Merkel để trở thành chính khách được ưa chuộng nhất nước.

Guttenberg cũng được xem là ứng viên sáng giá để trở thành người tiếp theo ngồi vào ghế Thủ tướng Đức. Nhưng ông còn là mục tiêu thường xuyên bị báo giới công kích. Cánh báo chí “soi” Guttenberg rất kỹ và chỉ trích ông về mọi chuyện, từ cách ông xử lý một cuộc nổi loạn trên tàu chiến tới chuyện máy bay Đức không kích Afghanistan hồi tháng 9/2009 làm nhiều người chết.

Hồi tháng 12 vừa qua, ông bị buộc tội đã biến cuộc viếng thăm lính Đức ở Afghanistan thành sự kiện đánh bóng tên tuổi vì đã mang theo không chỉ người vợ Stephanie, hậu duệ trực hệ của Thủ tướng Phổ Otto von Bismarck mà còn cả một người dẫn chương trình talkshow để tường thuật hoạt động của họ. Khi trở lại Berlin, ông tiếp tục gây điều tiếng khi xuất hiện trước một sự kiện có đông báo giới, với bộ trang phục dã chiến vẫn khoác trên mình. Guttenberg giải thích rằng ông quá bận bịu để thay đồ, nhưng lời giải thích đó chẳng tránh được các bình luận không đẹp từ giới truyền thông.

“Người dân thích Guttenberg xét từ thực tế ông không phải sản phẩm của nền chính trị Berlin” - nhà phân tích Manfred Guellner từ viện thăm dò Forsa nhận xét - “Nhưng cánh báo chí thì cho ông là một kẻ ngạo mạn”.

Nguy cơ tan vỡ sự nghiệp

Giới phân tích đánh giá đợt tấn công mới nhất của báo giới có thể gây các thiệt hại nặng nề cho Guttenberg. Hiện vài giáo sư luật đã khẳng định ngài Bộ trưởng đạo văn các tác phẩm của họ mà không dẫn nguồn. Tờ Der Spiegel thậm chí còn phát hiện Guttenberg đã lấy các đoạn nội dung từ trang web của Đại sứ quán Mỹ ở Đức.

Bản thân Guttenberg vẫn khẳng định mình không làm gì sai trái và bản luận án là tác phẩm của ông. “Lời buộc tội tôi đạo văn thật lố bịch” - ông tuyên bố hôm 17/2. Tuy nhiên Guttenberg không phủ nhận việc những đoạn trích dẫn tác phẩm của người khác trong luận án của ông có thể chứa thiếu sót. Ông cũng nói rằng đã “sẵn sàng kiểm tra hơn 1.200 đoạn trích để cho thấy chúng đã được trích dẫn đúng hay chưa”.

Đại học Bayreuth, nơi cấp bằng tiến sĩ cho Guttenberg, hiện đã chuyển luận án của ông tới cho một điều tra viên. Nếu nhân vật này phát hiện thấy có tình trạng đạo văn, bằng tiến sĩ của Guttenberg chắc chắn sẽ bị hủy bỏ. Việc này có thể dẫn tới những thảm họa lớn hơn về mặt chính trị. “Uy tín của Guttenberg sẽ hoàn toàn tiêu tan” - nhà phân tích quốc phòng Rainer Arnold nhận xét trên tờ Mitteldeutsche Zeitun, đánh giá ông sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức và rời khỏi chính trường.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link