05/02/2011 07:11 GMT+7 | Văn hoá
Theo như lời kể lại của bà Thế Thanh, phái đoàn Việt Nam (trong đó có đại diện Bảo tàng Huế) đã theo giá bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi lên đến 8.600 euro thì bỏ cuộc vì không thể trả hơn, kết quả tranh được bán cho một người giấu tên với giá… 8.800 euro. Chênh nhau 200 euro trong cuộc đua giá, Việt Nam đã để vuột khỏi tay mình một tác phẩm vừa quý về mặt lịch sử chính trị, vừa rất quý về lịch sử mỹ thuật.
Giá trị lịch sử
Xuân Tử - chữ ký ở dưới góc trái của bức tranh Ngày tàn của vua Hàm Nghi, đọc từ trên xuống
Vua Hàm Nghi (1871-1944) vẽ tác phẩm Chiều tà vào năm 1915 tại Algeria, bằng sơn dầu, trong thời gian ông bị thực dân Pháp bắt đi lưu đày ở Bắc Phi.
Khi lên sàn, tác phẩm chỉ có giá khởi điểm 1.000 euro, nhưng không phải vì thế mà kém giá trị. Thật vậy, về mặt lịch sử, Hàm Nghi là vị vua nhà Nguyễn vì lòng yêu nước đã chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp nên bị bắt đi lưu đày và đã chết tại một đất nước xa xôi, vùng Bắc Phi. Bức tranh, với tên gốc của tác giả là La Route De El Biar (Con đường của El Biar); nó còn có một tên khác là Déclin Du Jour (Ngày tàn) mà ai đó đã ghi trên miếng giấy đính kèm vào bức tranh, với dòng chữ: “Quà tặng của vua An Nam”. Hiểu và gọi tên là Chiều tà, có lẽ những người tham dự phiên đấu giá muốn tinh thần của nó nhẹ nhàng hơn chăng (?).
Mặc dù Ngày tàn hay Chiều tà cũng chỉ để gọi bức tranh vẽ cảnh xế chiều, không khác nhau về bối cảnh và tính thời gian, nhưng lại rất khác về tâm trạng của người vẽ - một người đang bị đày đi biệt xứ. Trong ngữ cảnh này, Ngày tàn thích hợp hơn vì nó mang nỗi buồn của thân phận lưu vong, của linh cảm tuyệt vọng; còn Chiều tà dễ làm chúng ta liên tưởng đến những khung trời lãng mạn, với nỗi buồn man mác.
Đánh giá ý nghĩa của tác phẩm này đối với Việt Nam, ông Alexandre Millon, đại diện tổ chức bán đấu giá Drouot đã nhìn nhận: “… Đối với họ (người Việt), bức tranh có một giá trị thiêng liêng, vượt ra ngoài khuôn khổ nghệ thuật”.
Đúng là như vậy, nó là một chứng tích lịch sử của nhà Nguyễn thời bị thực dân Pháp xâm lược. Những vị vua yêu nước, bất khuất như Hàm Nghi, Duy Tân và những anh hùng dân tộc khác bị người Pháp bắt đi lưu đày đến bỏ thây xứ người, trong số họ ít ai để lại những sáng tác trong thời gian bị lưu đày giống như vua Hàm Nghi. Những bức tranh ông đã vẽ trong giai đoạn này là vô cùng quý giá. Nó đã làm chúng ta bồi hồi xúc động khi nghe và thấy bức tranh qua báo chí; chắc chắn chúng ta sẽ phải rưng rưng nếu được đối diện trực tiếp với tác phẩm đầy nỗi niềm này.
Giá trị lịch sử mỹ thuật
Bức tranh Chiều tà có thể coi là một phát hiện kỳ thú của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nó cho thấy chúng ta từng có một họa sĩ vẽ theo cách của phương Tây từ rất sớm. Sớm hơn nhiều họa sĩ Việt Nam tiền bối như Nam Sơn, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Lê Văn Đệ…
Vua Hàm Nghi vẽ bức Chiều tà vào năm 1915 và đã có triển lãm cá nhân tại Paris vào năm 1926. Rất sớm, chỉ kém hơn 1 năm so với sự kiện thành lập Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, năm 1925. Họa sĩ - vua Hàm Nghi với bút danh là Xuân Tử (cũng có nơi ghi Tử Xuân) từng theo học hội họa với thầy Marius Reynaud (1860-1935), mỗi tuần 2 buổi, rồi học điêu khắc với điêu khắc gia lừng danh, August Rodin (1840-1917). Tuy không có dịp gặp gỡ, trò chuyện, nhưng qua tranh ảnh, ông chịu ảnh hưởng về cách tư duy hình họa, màu sắc của danh họa Paul Gauguin (1848-1903); ông là bạn của chí sĩ - họa sĩ Kỳ Đồng (1875-1929).
Cũng xin nói thêm, hơn 20 năm qua, thị trường mỹ thuật Việt Nam đã xuất hiện nhiều nhà sưu tập và kinh doanh tác phẩm nghệ thuật Việt Nam tầm cỡ và thành đạt như Trần Hậu Tuấn, Bùi Quốc Chí, Ngô Tấn Trọng Nghĩa (Apricot)… nhưng hình như họ chỉ muốn bán ra mà ít khi mua vào, nếu không gặp đồ rẻ. Rất nhiều lần, họ đã bán được những bức tranh của các họa sĩ Việt Nam lên đến nhiều chục ngàn USD; hoặc như, vài họa sĩ không chuyên ở trong nước đã bán được tranh mình từ 40 ngàn USD cho đến cả triệu USD (18 tỷ đồng). Thế nhưng, việc bức tranh sơn dầu Ngày tàn quý giá đến thế mà thành phố Huế với những đại diện của họ đã phải bỏ cuộc chỉ vì không theo nổi cái giá 8.800 euro (chỉ hơn 10.000 USD).
Một so sánh nhỏ, giá này chỉ bằng giá một túi xách dành cho phụ nữ hiệu Louis Vuitton, thậm chí có cái Louis Vuitton giá 12.000 USD mà đại gia nọ đã mua cho “chân dài” (khoe trên báo) để nàng show up mỗi khi bước xuống từ một chiếc xe Lamborghini.
Vua Hàm Nghi mất ở Alger, hài cốt đưa về quê vợ ở Pháp, mấy chục năm nằm ở xứ người, với tâm cảnh của một người đi đày, hẳn giấc mơ hồi hương của người là một nung náu vô tận. Tác phẩm là nơi gởi gắm nỗi niềm đó, nên Chiều tà không những là di sản thuộc về lịch sử, nghệ thuật, mà còn là một căn cứ để tìm hiểu về cuộc đời một chí sĩ, một nghệ sĩ đặc biệt. Cho nên, thật hụt hẫng, đây là một cơ hội hy hữu khi chúng ta đã không “cung nghênh” và đưa được tác phẩm này về trưng bày ở các bảo tàng tại Việt Nam.
Hàm Nghi - vị vua nghệ sĩ lưu đày Trên báo Le Temps, phóng viên De Varingi từng viết về Hàm Nghi tại Algeria, có đoạn: “Nơi vua Hàm Nghi thích nhất và làm việc suốt ngày là thư phòng lót đá hoa. Trên bàn sách báo ngổn ngang, các họa phẩm treo đầy trên tường. Trên giá vẽ còn nhiều bức đang dở dang. Ngài còn chỉ nơi đánh đàn, hay chỗ để máy chụp ảnh... Những vật ấy lộ rõ cái chí ham hiểu biết, ham sáng tạo của ngài...”.
Vua Hàm Nghi có khiếu nghệ thuật, từng học dương cầm, vĩ cầm. Có ý kiến (ví dụ TS Thái Văn Kiểm, Trần Đông Phong…) cho rằng ông có kết bạn với danh họa Paul Gauguin (1848-1903) tại triển lãm tranh của Gauguin vào năm 1899, khi sang thăm Paris. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi ở Pháp, với tư liệu “sát sườn”, thì dõi theo chi tiết cuộc đời của 2 người, Hàm Nghi khó lòng “kết bạn” với Paul Gauguin được. Khi Hàm Nghi đến Algeria thì Gauguin đang ở Pont - Aven (Bretagne), cuối 1890 mới về Paris. Ngày 1/4/1891 Gauguin đi Papeete, ngày 8/5/1903 thì mất ở đảo Marquises, Hàm Nghi lúc ấy bị quản thúc không được rời Alger nửa bước. Giả sử có được sang Paris xem triển lãm năm 1899 thì Gauguin đã đi Papeete từ 1891 rồi!
Trịnh Cung
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất