16/03/2017 21:08 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên cả nước đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhằm làm rõ những vướng mắc liên quan trong quá trình giải quyết các vụ việc, tăng cường bảo vệ trẻ em, TTXVN giới thiệu chùm 2 bài viết với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại tình dục”, đi sâu phân tích nguyên nhân khiến những vụ xâm hại tình dục trẻ em thường bị “lãng quên” cũng như đưa ra giải pháp để bảo vệ trẻ em tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại, thúc đẩy vai trò của các bên liên quan trong công tác thực thi quyền trẻ em.
Luẩn quẩn trong vòng bế tắc
Tại cuộc tọa đàm về xâm hại tình dục trẻ em chủ đề “Im lặng hay lên tiếng” mới đây, bố của một nạn nhân bị xâm hại tình dục chia sẻ: Con gái anh mới 3 tuổi, sang nhà hàng xóm chơi và bị dụ dỗ, xâm hại. Hôm đó, con gái anh khóc và kể cho bà nghe. Khi biết sự việc, gia đình anh đã sang nhà hàng xóm nói chuyện, lúc đầu ông này chối quanh co rồi cuối cùng đã thú nhận.
Gia đình yêu cầu phải sang xin lỗi và nhận trách nhiệm nhưng "hung thủ" vẫn không có bất cứ động thái nào. Gia đình đã trình báo công an, cho cháu ra Hà Nội khám và bác sỹ kết luận, bé có dấu vết bị xâm hại tình dục.
Từ đó đến nay đã gần 2 năm, bố của bé gái đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng cũng như các tổ chức xã hội bảo vệ trẻ em để cầu cứu, tham gia hàng trăm các cuộc hội thảo, tọa đàm về phòng chống xâm hại trẻ em nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Thủ phạm vẫn “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Gần đây lại nổi lên hàng loạt các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu, Hoàng Mai (Hà Nội), Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều vụ việc khác dường như cũng đang rơi sự chờ đợi ... vô vọng của gia đình nạn nhân.
Nạn nhân phải bỏ đi biệt xứ, nhiều em bé bị rối loạn tâm thần, trầm cảm
Tiến sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh và trẻ em chưa hiểu rõ thế nào là xâm hại tình dục trẻ em. Do vậy, đã có không ít trường hợp bị xâm hại, thậm chí cả những người vi phạm pháp luật mà không biết.
Luật Trẻ em 2016 quy định: Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Tại Việt Nam, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn 2008 – 2011, trung bình mỗi năm có hơn 1.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại. Năm 2012 là 1.400 trường hợp. Trong hai năm 2014-2015 tăng lên 1.500-1.700 trường hợp. Tuy nhiên, thực tế số lượng có thể cao hơn vì khả năng thu thập thông tin và báo cáo số liệu của các địa phương vẫn hạn chế. Đồng thời, nhiều trường hợp gia đình có trẻ em bị hại thỏa thuận, đền bù, bãi nại… nên không được đưa vào báo cáo.
Ông Nguyễn Trọng An chia sẻ: Xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn hại nghiêm trọng về mặt thể chất, tâm lý và tình cảm đối với trẻ từ mức độ nhẹ đến rất trầm trọng. Đã có những trường hợp gia đình phải đem con bỏ đi biệt xứ, nhiều em bé bị rối loạn tâm thần, trầm cảm, tự tử.
Theo kết quả khảo sát năm 2011 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF): Có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường. Các em luôn có cảm giác xấu hổ, tội lỗi hoặc sống trong sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, hoảng loạn; không tập trung, không chú ý trong giao tiếp và học tập, hoài nghi, không tin tưởng và tìm cách xa lánh mọi người.
Một số trẻ mắc bệnh trầm cảm, muốn tự tử hoặc bỏ trốn, nghi ngờ, xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài. Ngoài ra, các em sau khi bị xâm hại còn phải gánh chịu nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có HIV/AIDS.
Xóa bỏ rào cản để bảo vệ phụ nữ và trẻ em
Tiến sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục. Thứ nhất là do ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động trực tiếp đến đời sống của từng gia đình, mỗi cá nhân, gây gia tăng những nhu cầu hưởng thụ bệnh hoạn, băng hoại đạo đức và biến chất theo sự cám dỗ của đồng tiền. Thứ hai là do giáo dục, đầu tiên là giáo dục gia đình giảm sút.
Nhiều bậc phụ huynh thiếu quan tâm đến con cái, thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và quyền trẻ em nói riêng; thiếu kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực và xâm hại. Tiếp đến là giáo dục trong nhà trường hiện nay cũng quá coi trọng về dạy kiến thức mà coi nhẹ giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Nguyên nhân thứ ba là Việt Nam đang thiếu mạng lưới cán bộ xã hội, cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em tại cộng đồng, hệ thống bảo vệ trẻ em của Việt Nam chưa hoàn thiện theo mô hình 3 cấp độ nên công tác dự phòng, ngăn ngừa, phát hiện sớm các vụ việc xâm hại trẻ em vẫn bị động và thiếu hiệu quả.
Lý giải về sự im lặng của gia đình, cộng đồng và các bên liên quan đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) cho rằng: Trong văn hoá phương Đông nói chung và Việt Nam, tình dục vốn bị coi là bản năng thấp kém của con người, nói về tình dục là việc đáng xấu hổ, nhất là chuyện bị xâm hại tình dục. Trong nhận thức của xã hội nói chung, bạo lực và lạm dụng tình dục là vấn đề của cá nhân và chủ yếu là của những cá nhân không tuân thủ chuẩn mực giới truyền thống hoặc không được dạy dỗ để tuân thủ các chuẩn mực đó.
Cộng đồng, gia đình và bản thân các nạn nhân đôi khi cũng chấp nhận cam chịu và tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng, kết nối để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó. Những giá trị cổ hủ, quan niệm sai lầm về nam tính/nữ tính cùng với những định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này. Đây cũng là những rào cản văn hoá khiến cho bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gia tăng trong thời gian qua.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cũng nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em năm 1990. Việt Nam cũng là nước có riêng một bộ luật về trẻ em và nhiều quy định luật pháp chính sách tiến bộ về bảo vệ trẻ em. Đồng thời, nước ta cũng có một bộ máy khá toàn diện về chăm sóc, bảo vệ trẻ em từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự chậm trễ của cơ quan thực thi pháp luật, thái độ bàng quan, dung túng của cán bộ công quyền đã khiến bạo lực và lạm dụng bị xem nhẹ hoặc rơi vào im lặng.
Xét về khía cạnh luật pháp, luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về pháp luật hình sự đã từng bảo vệ cho nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục chia sẻ: Hệ thống luật pháp của nước ta hiện nay vẫn còn những khoảng trống trong việc xử lý các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.
Đặc biệt, việc “trọng chứng” hơn “trọng cung” là vấn đề gây khó trong trường hợp này vì chính các cơ quan chức năng cũng không hỗ trợ nạn nhân thu thập chứng cứ. Bởi nếu đòi hỏi các “dấu vết vật chất” mới khởi tố bị can thì những vụ án xâm hại tình dục trẻ em nhưng không để lại dấu vết sẽ gần như bế tắc.
Như vậy, Luật hình sự của Việt Nam đang có khoảng trống, không bảo vệ được trẻ em. Luật pháp của một số nước trên thế giới còn quy định cụ thể thêm một số hình thức liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em như: âu yếm quá mức, sờ mó, đụng chạm chỗ kín; tàng trữ ảnh khỏa thân của trẻ; kể chuyện tình dục, gạ gẫm, rủ trẻ xem phim, ảnh, đọc truyện khiêu dâm… Với việc quy định chi tiết như vậy, việc xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em mới đem lại hiệu quả.
TTXVN/Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất