Nhà thơ Võ Quê: Ca Huế xứng đáng là di sản

25/02/2014 14:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Võ Quê vừa sưu tầm và ấn hành tập 1 Lời ca Huế (NXB Thuận Hóa) với 11 tác phẩm của Á Nam Trần Tuấn Khải, Tản Đà, Bửu Lộc… và các tác giả khuyết danh.

Công việc này của Võ Quê nhằm giới thiệu một cách đầy đủ phần lời các bài ca Huế vốn tồn tại dưới hình thức truyền khẩu. TT&VH có cuộc trò chuyện với ông về công việc thầm lặng này.

*  Thưa nhà thơ Võ Quê, từ đâu ông nảy ra ý định sưu tầm và ấn hành những lời ca Huế từ xưa đến nay, kể cả lời ca của những tác giả khuyết danh?

- Trên 30 năm gắn bó với nghệ thuật ca Huế, từ thực tiễn hoạt động tôi nhận thấy nguồn tư liệu nghiên cứu, biên khảo, lý luận phê bình về nghệ thuật ca Huế thật hiếm hoi, không có hệ thống như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác.

Nhà thơ Võ Quê

Nhà thơ Võ Quê

Các bài bản làn điệu ca Huế cũng trong tình trạng tản mạn, được truyền khẩu từ nghệ nhân các thế hệ nên đôi lúc ca từ có phần sai lệch, độ chuẩn xác không cao. Từ trước đến nay cũng có một số tác phẩm lời ca Huế được ấn hành nhưng số lượng bài bản không nhiều trong khi nghệ thuật ca Huế có một quá trình hình thành và phát triển tương đối dài.

Từ suy nghĩ đó mà tôi đã tập trung sưu tầm tư liệu cũng như lời ca Huế với mong muốn được lưu giữ có hệ thống, phổ biến trong giới nghệ sĩ, nghệ nhân đàn ca Huế và lưu hành trong giới thưởng ngoạn ca Huế trong và ngoài nước.

* Được biết, ông và nhiều bằng hữu cùng mở thính phòng ca Huế tại Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi, TP Huế) biểu diễn miễn phí vào tối thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần. Xin hỏi đối tượng thường xuyên đến thính phòng ca Huế gồm những ai?

- Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Câu lạc bộ Ca Huế (20/8/1983), ngày 20/8/2013 chúng tôi đã khai trương thính phòng ca Huế phục vụ miễn phí tại Bảo tàng Văn hóa Huế. Từ ngày mở thính phòng ca Huế đến nay, các nghệ nhân cao niên đã thường xuyên tới lui gặp gỡ nhạc hữu, đàn ca và có cơ hội truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Đã có một số văn nhân thi sĩ đến đây vừa thưởng thức vừa giới thiệu các bản ca Huế mới soạn lời.

Riêng giới thưởng ngoạn thì đã có đông đảo tri âm địa phương, các thầy cô giáo, sinh viên Nhạc viện Huế, Trường Trung cấp văn hóa nghệ thật Huế cũng như du khách trong và ngoài nước (Nhật, Ấn Độ, Pháp, Úc, Italy, Mỹ…).  

* Cuối tập 1 Lời ca Huế, ông có phát họa vài nét chân dung nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tác giả “Chiều chiều trước bến Văn Lâu…”. Ngoài cụ Thúc Giạ thì còn những ai đóng góp quan trọng vào việc hình thành và phát triển ca Huế?

- Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị cùng các ông hoàng bà chúa của triều Nguyễn trước đây  và nhiều văn nhân thi sĩ cùng thời Ưng Bình đã có công lớn trong việc hình thành và phát triển ca Huế. Tiếp đến là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba rồi các nghệ nhân, nhạc hữu như Tôn Thất Toàn, Vĩnh Phan, Bửu Lộc, Gia Cẩm, Trần Kích, Nguyễn Kế, Tôn Thất Viễn Dung, Lê Văn Cần, Nguyễn Văn Tân..; nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế như Cô Nhơn, Bích Liễu, Thu Tâm, Châu Loan, Minh Mẫn, Vân Phi, Quế Hương, Thanh Hương, Thanh Tâm… Ngoài các tên tuổi tài danh trên, hiện nay tại TP Huế đang hình thành một đội ngũ kế thừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật ca Huế.

* Thưa ông, ông có nghĩ đến một ngày nào đó, ca Huế cũng sẽ được UNESCO vinh danh?

- Nếu nghệ thuật ca Huế thật sự được sự quan tâm đúng mức từ phía Nhà nước, thì nghệ thuật ca Huế rất xứng đáng được vinh danh như các loại hình: Ca trù, Nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử Nam bộ, dân ca Quan họ…

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link