06/05/2012 14:01 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Cũng giống như người Tây Nguyên nói chung, người Cơ Tu tin vào thế giới đa thần và cũng có tục lệ làm nhà mồ trong lễ bỏ mả.
1. Trong cái tín ngưỡng sơ khai này, người chết sẽ đi về một thế giới khác huyền hoặc của rừng núi, của ông bà, và luôn ở bên cạnh con người - thế giới của ma.
Người chết nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ rủ người sống đi theo, làm ảnh hưởng đến cuộc sống trên trần thế. Nên người Gia-rai, người Ba-na, nếu trong gia đình có người chết, họ chôn tạm một chỗ, sau một thời gian có thể là một năm, hai năm, thậm chí là nhiều năm, sẽ tiến hành lễ bỏ mả. Tức là làm một cái nhà mồ thật đẹp cho người chết, rồi đưa người chết từ mả tạm vào đó, sau lễ bỏ mả, thì người ta có thể vĩnh viễn lãng quên người đã khuất, không cần thiết quan tâm đến nhà mồ nữa, nhà mồ sẽ đổ nát dần và chìm vào núi rừng như nó từng sinh ra.
Nhà mồ Cơ Tu tại trung tâm huyện Tây Giang, Quảng Nam.
Trong thời gian chưa làm lễ bỏ mả, thì người ta vẫn phải nuôi người chết, bằng cách đem thực phẩm ra mả khẩu phần y như lúc sống vậy.
Lễ bỏ mả tương đối tốn kém, để dựng một nhà mồ hoàn hảo ở Tây Nguyên, ngày xưa có thể tốn đến 50 con trâu bò, nên có nơi người ta tiến hành làm lễ bỏ mả tập thể, và như vậy phải đợi nhiều người trong họ chết trong nhiều năm. Như vậy đằng nào thì lễ bỏ mả cũng làm người Tây Nguyên chi phí rất nhiều, và họ dễ dàng nghèo đi bởi thế giới tâm linh từ ngàn đời. Bất luận thế nào, ngôi nhà mồ cũng được làm đẹp đẽ và thực sự là một công trình nghệ thuật với nhiều bức tượng huyền hoặc.
2. Trong những sắc tộc Tây Nguyên, thì người Cơ Tu có nhà mồ thuộc loại đơn giản, tuy không kém phần đẹp đẽ.
Nhà mồ của người Gia-rai và người Ba-na thời xưa rất lớn, thậm chí chiếm một khu vực lớn như một căn nhà thực sự với một nhà mồ trung tâm, xung quanh có tượng xen với hàng rào và những cột Kút, cột Klao cao vút. Những bức tượng thường có là: tượng khỉ (con người thời đầu), tượng nam khoe dương vật, nữ khoe âm vật, nam nữ giao phối, tượng người đánh trống, tượng nữ thần gác thế giới ma, tượng người ngồi khóc… tượng công, và các cặp vú dưới dạng ngà voi kéo dài…
Cận cảnh một bức tượng trong nhà mồ. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Những tác phẩm điêu khắc hồn hậu này được các nghệ nhân làm ngay trong lễ bỏ với ba dụng cụ cái rìu, con dao và cái đục.
Người Cơ Tu cũng có nghi thức chôn tạm và tiến hành lễ bỏ mả sau một thời gian nhất định. Nhà mồ Cơ Tu thường có mái dốc xuống hai đầu che quan tài, phần nóc cao chính giữa chạm đôi gà vươn cổ sang hai bên, bốn góc mái có thể là bốn đầu con chồn, con chó hay một động vật nào đó. Phần mái đôi khi được chạm khắc thành từng đợt hoa văn hình học cầu kỳ và nổi cao.
Quan tài đặt phía dưới phần mái có dạng con trâu hai đầu. Hai đầu trâu được nối bởi một gờ hoa văn chạy dọc quan tài, trên quan tài còn chạm khắc nhiều trang trí hình học nổi và tô vẽ mầu sặc sỡ.
Quây nhà mồ xung quanh quan tài là một khuôn chữ nhật, các đầu lồng vào nhau với bốn cặp chim phượng hoàng đất, từng đôi trống mái, tượng trưng cho tình yêu và lòng chung thủy. Xung quanh quây gỗ này người ta có thể tạc một số tượng nhỏ về đời sống trên trần thế của người đã khuất, những thân nhân của anh ta.
3. Hiện tại ở khu làng văn hóa Cơ Tu huyện Tây Giang có một nhà mồ hình mẫu được làm rất đẹp đẽ có tính chất tượng trưng. Lác đác trong vài buôn làng còn vài nhà mồ được làm theo kiểu cũ bằng gỗ, nhưng chỉ còn là hiện tượng hiếm hoi thôi.
Rừng già từ lâu đã hết, tập tục cũng thay đổi ít nhiều, người Cơ Tu hiện chuyển sang làm nhà mồ bằng bê tông, theo kiểu dáng cũ, thậm chí rất đồ sộ cả một khu vực, tuy nhiên nhà mồ bê tông không tan vào rừng và đất như những nhà mồ truyền thống, mà lâu dài như kiểu chôn cất của người miền xuôi. Không hiểu như vậy tín ngưỡng thờ tổ tiên có thay đổi không?
(*) Tiếp theo kỳ 1 "Dưới mái nhà Gươl nhà Đong trên TT&VH số Chủ Nhật, 29/3)
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất