Sở VH-TTThanh Hoá cho biết đã cơ bản hoàn thành hồ sơ khoa học di tích Thành nhà Hồ để các cơ quan chức năng đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Thành Nhà Hồ ( hay còn gọi là thành Tây Đô, thành Tây Giai) thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, ở phía Tây thành phố Thanh Hóa.
Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly-lúc bấy giờ là tể tướng xây dựng vào năm 1397. Tương truyền thành này chỉ xây có ba tháng thì xong. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5m, có tấm nặng tới 15-20 tấn.
Thành có hình gần vuông. Chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng tiền- hậu- tả - hữu. Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau. Cổng tiền (phía Nam) là cổng chính, có ba cửa. Cửa giữa rộng 5,82m, cao 5,75m, hai cửa bên rộng 5m45, cao 5,35, (ba cổng còn lại chỉ có một cửa). Tường thành cao trung bình từ 5-6m, chỗ cao nhất là cổng tiền cao 10m.
Thành xây xong, Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông rời đô về Thanh Hóa. Tháng 2 năm Canh thìn ( 1400) sau khi lên ngôi vua thay nhà Trần, Hồ Quý Ly đổi tên nước thành nước Đại Ngu ( 1400 - 1407).
Theo sử sách ghi lại thì trong thành có điện Hoàng Nguyên, cung Diên thọ, Đông cung, núi Thọ kỳ, Dục tượng ... rất nguy nga, tráng lệ chẳng khác gì kinh đô Thăng Long. Đến nay do thời gian và chiến tranh hủy hoại các kiến trúc khác không còn nữa, chỉ còn tường thành và bốn cổng thành là còn nguyên vẹn.
Thành Nhà Hồ là một di tích văn hóa - lịch sử được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia. Đây là thành cổ duy nhất được xây dựng bằng đá, gắn với một triều vua tuy ngắn (1400 -1407) nhưng đã có những cách tân đáng ghi nhận như cải cách thi cử, mở mang trường học, đề cao chữ nôm, phát hành giấy bạc.
Ngày nay Thành Nhà Hồ đã và đang được từng bước trùng tu, tôn tạo nhằm trước hết là khôi phục và gìn giữ một công trình kiến trúc độc đáo đã có trên 600 năm và là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước mỗi lần đến Thanh Hóa.
Theo yêu cầu của UNESCO, Ban Quản lý di tích Thành nhà Hồ (trực thuộc Sở Văn hoá - Thông tin Thanh Hoá) đã xây dựng tư liệu, thư viện, hồ sơ khoa học 132 đầu sách, tạp chí nghiên cứu về Thành nhà Hồ; 18 lý lịch di tích lịch sử văn hóa và 7 quy hoạch, dự án về kinh tế - xã hội, giao thông, du lịch, khai thác khoáng sản ở huyện Vĩnh Lộc có liên quan đến di tích Thành nhà Hồ. Ngoài ra, còn có 248 bản vẽ và 1 bản đồ hiện trạng tổng thể Thành nhà Hồ; bản đồ xác định vị trí và bản đồ khoanh vùng tài sản đề cử. |
Nguyễn Lân (tổng hợp)