Không gói gọn những gì đã học trong sách giáo khoa; biết bám sát những vấn đề thời sự, liên quan đến cuộc sống đang diễn ra hằng ngày; để cho thí sinh tự do phát biểu quan điểm của mình… Đó là những đổi mới trong cách ra đề thi của Bộ GD-ĐT những năm gần đây, đặc biệt trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa diễn ra.
Phần lớn các giáo viên đều nhận định đề thi được ra theo hướng rất mở, kích thích tư duy sáng tạo, vượt khỏi công thức: bám sát sách giáo khoa - đúng đáp án - có điểm cao đơn điệu như lâu nay.
Liên tục trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, đề thi môn địa lý nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa - trực diện hay gián tiếp bàn đến chuyện chủ quyền biển đảo đang nóng bỏng của đất nước. Đề thi môn văn không ngần ngại nhắc đến những hiện tượng đang là mối lo của xã hội: sự vô cảm, thờ ơ, thói dối trá, cơ hội, hội chứng mê muội thần tượng đến phát cuồng... Ngay cả ở những môn khoa học tự nhiên đơn thuần là công thức và tính toán, những vấn đề nóng của toàn cầu cũng được khéo léo lồng ghép. Đơn cử như đề thi môn hóa, có hai câu nói về khí ozone trong tầng khí quyển và chất thải công nghiệp.
Chưa bao giờ xảy ra hiện tượng một nội dung của đề thi tuyển sinh trở thành diễn đàn tranh luận trên mạng như đề thi văn khối D vừa qua. Điều này, chứng tỏ Bộ GD-ĐT đã thành công trong việc ra đề thi theo hướng mở và biết chạm đến vấn đề những người trẻ quan tâm. Có tranh luận nghĩa là có trăn trở, có quan tâm. Còn hơn với những đề thi cố làm cho xong để lấy điểm rồi muốn quên ngay sau khi rời khỏi phòng thi.
Tuy vậy, dư luận cũng băn khoăn, lo lắng về sự không đồng bộ giữa việc ra đề thi - cách chấm thi và phương pháp giáo dục trong trường phổ thông hiện nay.
Ngay trong cuộc họp báo kết thúc đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vào chiều tối 10.7, khi phóng viên đặt vấn đề nếu thí sinh có ý kiến khác thì có được tính điểm hay không, ông Trần Văn Nghĩa - Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, khẳng định: “Đề thi mở thì nội dung đúng hay sai không quan trọng”. Ông Nghĩa nói thêm: “Thí sinh có thể bình luận không đúng nhưng phải có lập luận và đưa ra được chứng cứ. Đề thi nhằm khuyến khích những bài giải khác đáp án nhưng phải có đầy đủ lý lẽ thì vẫn được cho điểm”. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khi trả lời Báo Thanh Niên cũng nhấn mạnh: “Nếu có câu, ý nào mà thí sinh có cách trình bày khác so với đáp án nhưng đúng thì vẫn cho điểm tối đa của câu, ý đó theo thang điểm”.
Thí sinh hy vọng quan điểm này của lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ được các giám khảo lĩnh hội nhất quán trong suốt quá trình chấm thi.
Một vấn đề không kém quan trọng cần đặt ra khi đề ra theo hướng mở. Đó là phương pháp dạy học trong trường phổ thông cũng phải hướng đến sự tự do, sáng tạo. Điều này phải trở thành hiện thực chứ không thể là lý thuyết suông như lâu nay. Bởi thực tế hiện nay không nhiều học sinh hứng thú với những giờ học văn trong trường phổ thông. Đây là môn học vẫn bị cho là khô khan, không ấn tượng. Đó là chưa kể việc giáo viên khuyến khích học sinh làm bài theo khuôn mẫu ngay từ tiểu học cũng là thực trạng báo động trong việc dạy và học văn hiện nay.
Mọi sự đổi mới, phát triển phải đồng bộ thì mới có hiệu quả. Hy vọng từ đổi mới trong công tác ra đề, Bộ GD-ĐT sẽ mạnh dạn cải tổ chương trình cũng như phương pháp dạy và học trong trường phổ thông.
Theo Thanh Niên