Đề xuất dựng tượng Rùa Vàng tại Hồ Gươm

28/03/2017 07:04 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một ý tưởng độc đáo đã được đề xuất lên lãnh đạo thành phố Hà Nội: dựng tượng thần Kim Quy - Rùa Vàng Hồ Gươm tại khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm để tạo nên một biểu tượng văn hóa, du lịch của không gian này.

1. Ý tưởng này được khởi xướng từ ông Tạ Hồng Quân, một cán bộ đang làm việc tại Hà Nội. Kèm theo ý tưởng, một bản dự án tương đối chi tiết cũng đã được ông Quân xây dựng, dựa trên cơ sở tham vấn các chuyên gia về văn hóa và mỹ thuật.

Sống tại Hà Nội, ông Quân là người nặng lòng và đặc biệt quan tâm tới những di sản văn hóa của thành phố. Vài năm trước, ông cũng từng tham gia vận động và đóng góp cho một số dự án xã hội hóa nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ý tưởng dựng tượng rùa vàng tại Hồ Gươm được ông Quân bắt đầu xây dựng từ năm 2011, thời điểm cụ rùa Hồ Gươm có dấu hiệu suy kiệt về sức khỏe và được các cơ quan chức năng “vớt” lên chăm sóc. Theo lời ông, gắn với những huyền tích đã có, sự tồn tại của cụ rùa tại Hồ Gươm, cũng như tâm thế mà cộng đồng người dân Thủ đô dành cho cụ, là một dấu ấn văn hóa đặc biệt tại không gian này. 

“Không chỉ là một biểu tượng sống của Hồ Gươm, những lần xuất hiện của cụ còn được cộng đồng gắn với những sự kiện đặc biệt của Hà Nội, cũng như trên toàn quốc. Hiếm có trường hợp sinh vật nào trên thế giới mang thân phận như vậy” - ông Quân nói - “Cộng cùng truyền thuyết Lê Lợi trả gươm, hay truyền thuyết thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây Loa Thành và chống giặc, rõ ràng chúng ta có cơ hội xây dựng một biểu tượng văn hóa - tâm linh đặc biệt cho Hà Nội”.

Từng đi khá nhiều nước, ông Quân cho biết: nhiều quốc gia hoặc thành phố lớn trên thế giới đã có những biểu tượng đặc trưng, và làm nên nét văn hóa đặc thù của địa phương. Điển hình, đó là biểu tượng gấu trúc, rồng tại Trung Quốc; là tượng con trâu đúc bằng đồng rất nổi tiếng ở cổng phố Wall tại New York (Mỹ); là chuột túi Kangaroo tại Australia hay gà trống Gaulois tại Pháp.

“Tại các nước Đông Nam Á, nhiều hình tượng con vật cũng được cách điệu và trở thành linh vật đặc thù như rồng, voi. Nhưng như tôi tìm hiểu, chưa nơi nào có linh vật được xây dựng từ hình tượng rùa” - ông Quân cho biết thêm - “Và lại càng không có sự kết nối độc đáo giữa lịch sử văn hóa, truyền thuyết và thực tại ở một địa điểm ngay giữa Thủ đô như trường hợp Hồ Gươm”.

2. Ý tưởng của ông Quân: huy động nguồn vốn xã hội hóa để dựng một bức tượng tại vị trí phù hợp quanh Hồ Gươm. Tượng được cách điệu từ những huyền tích sẵn có về thần Kim Quy tại Loa Thành, cũng như sự tích rùa thần tặng gươm và nhận gươm từ Lê Lợi.


Hai phương án đề xuất đặt tượng rùa vàng tại Hồ Gươm: Phương án 1 tại vị trí đặt đồng hồ Thuỵ sỹ góc Hồ Gươm hiện nay. Phương án 2 : không gian vườn hoa trước cửa Siêu thị Intimex nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn và toà nhà Ủy ban Nhân Dân thành phố

“Đó có thể là một biểu tượng được cách điệu, chứ không hẳn chỉ gắn với một truyền thuyết, hoặc một cụ rùa cụ thể nào” - ông Quân nói - “Do vậy, việc tạo hình, cũng như chọn vị trí, cần được sự góp ý của các chuyên gia văn hóa và cả cộng đồng”.

Sau khi gặp nhà sử học Dương Trung Quốc và được sự hỗ trợ về ý tưởng, ông Quân lại tiếp tục tìm gặp nhiều chuyên gia văn hóa để xin ý kiến đóng góp, cũng như gặp thêm giới điêu khắc để tìm hiểu về mặt tạo hình. Theo đề án đã được gửi lên lãnh đạo Hà Nội, ý tưởng này nhận được sự đánh giá khá tích cực từ các chuyên gia.

Điển hình, GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN) đánh giá trong đề án: “Đây là ý tưởng rất hay, rất nên làm và lựa chọn vị trí đặt tại Hồ Gươm. Cần tạo được mẫu sao cho đẹp về hình tượng, về mỹ thuật và tạo hình, qua đó trở thành biểu tượng của Hà Nội và cũng là của Việt Nam, trở thành giá trị văn hóa tinh thần có ý nghĩa trong và ngoài nước”.

Hiện tại, theo ý tưởng ban đầu của đề án, tượng rùa vàng có kích thước vừa phải với chiều dài từ 2,5 - 3,5m, chiều cao (cả phần đế) khoảng 2,5m và dự kiến đúc bằng đồng. Tương ứng với đặc thù cảnh quan của Hồ Gươm, tượng được đề nghị đặt tại khu vực gần ngã tư Hàng Khay - Hàng Bài (gần cột đồng hồ Thụy Sĩ) hoặc phía bên kia hồ, tại vườn hoa gần siêu thị Intimex.

“Tất nhiên, đây chỉ là ý tưởng ban đầu. Nếu đề xuất này được lãnh đạo Hà Nội chấp nhận, tôi nghĩ chúng ta nên tổ chức cuộc thi thiết kế, cũng như lấy ý kiến rộng rãi để tượng đạt được giá trị cao nhất về tạo hình và không gian” - ông Quân cho biết thêm.

Sẵn sàng chịu “ném đá” Thực tế, là không gian đặc thù của văn hóa lịch sử Hà Nội, khu vực Hồ Hoàn Kiếm thường được sự chú ý cao độ của cộng đồng. Những năm qua, rất nhiều công trình xây dựng, hoặc ý tưởng trang trí tại đây đều gây ra tranh luận.

Trao đổi với Thể thao &Văn hóa (TTXVN), ông Tạ Hồng Quân cho biết: “Trước mắt, tôi mong ý tưởng này được đưa ra để lấy ý kiến cộng đồng. Tôi sẵn sàng nghe và tiếp nhận những phản biện trái chiều, khi chúng ta cùng hướng tới cái đích chung là gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc thù của Hồ Gươm”.


Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link