(TT&VH) -
“Những ông trời con”, “đám kiêu binh”…, những cụm từ không mấy thiện cảm ám chỉ các cầu thủ B.BD. Theo đó, sự nuông chiều thái quá của lãnh đạo với các cầu thủ ngôi sao, là căn nguyên của cuộc khủng hoảng tại Thủ Dầu Một. Từ sự bất ổn trong khu kỹ thuật, dẫn đến chuỗi thành tích tệ hại của đội bóng.Nhưng, vấn đề là tại sao lãnh đạo lại nuông chiều và có thật, chuyện cầu thủ bẻ ghế HLV?
Khi B.BD chiêu binh mãi mã, cầu thủ đạt được hợp đồng cũng nhận ngay những đặc cách. Ví như không phải mất tiền “phế”, không đóng thuế các khoản lót tay tiền tỷ hay lương thưởng (CLB chịu tất). Ở giai đoạn đầu, một vài người thậm chí được mua nhà – đất với giá ưu đãi và trả chậm… Thủ phủ Thủ Dầu Một được ví như thiên đường cho mọi cầu thủ, từ nội đến ngoại binh và thậm chí cả các HLV. Tất nhiên, với cầu thủ, anh phải thuộc hàng sao; còn với HLV, đó cũng phải thuộc tầm thương hiệu.
Quang Thanh (phải) đầu mùa đã ký lại hợp đồng với giá 6 tỉ – Ảnh: Quang Nhựt Sau các cuộc “chạy đua vũ trang”, B.BD mở ra chu kỳ cực thịnh, thậm chí có thể coi là một hiện tượng của BĐVN (với 2 chức vô địch V-League, 2 ngôi á quân và suất vào chơi bán kết AFC Cup). Ngoài các HLV Lê Thụy Hải và Mai Đức Chung giờ không còn tại vị, những người hùng cầu thủ hiện vẫn còn trong biên chế chính của đội bóng. Cầu thủ B.BD nói rằng, họ đã trả ơn một cách sòng phẳng, sau những biệt đãi mà đội bóng từng đem lại cho họ. Chỉ là bây giờ, thời thế khác rồi. Cầu thủ B.BD bị xem rẻ, đó là điều không nhiều người nghĩ tới.
Lãnh đạo bỏ tiền ra và lãnh đạo quyết, đó là quy luật chung của phần lớn các ông chủ đội bóng VN. Rất hiếm khi có những ngoại lệ, ngay cả việc lấy quân. Các đời HLV ở B.BD không có quyền đưa ra yêu sách hay đề bạt, rằng tôi muốn cầu thủ này, tôi thích anh nọ với lãnh đạo. “Các ông cứ làm chuyên môn, còn việc mua ai, là chuyện của chúng tôi”, đó là thông điệp. Lấy ví dụ như việc mua Osita từ giai đoạn 2, V-League 2009, được quyết sau một cú điện thoại từ Bình Dương của ông chủ tịch, chứ hoàn toàn không có trong kế hoạch của HLV Mai Đức Chung khi ấy.
B.BD vắt qua nhiều đời HLV, và cũng không ít những bản hợp đồng thất bại với cầu thủ. Tiền đạo Amaobi ở lần tái hợp, Nkemi, Elenildo, Abbey, Thanh Tùng và thậm chí cả Osita là những bằng chứng. Tất cả đều đã đến Thủ Dầu Một qua kênh quan hệ của một (hoặc vài) nhân vật tai mắt của đội bóng, chứ không phải là ý nguyện của HLV trưởng. Lãnh đạo đã ném không biết bao nhiêu tiền qua cửa sổ, chỉ vì họ chưa bao giờ sẵn sàng lắng nghe hoặc nếu có, chỉ nghe những người mình cài cắm.
Đã có những quyết định đầy tính quân phiệt, trong cung cách làm bóng đá của lãnh đạo B.BD, dù đại bộ phận số này vẫn bị xem là những kẻ ngoại đạo với bóng đá. Những bổ sung và thay thế HLV liên miên, nhưng tuyệt nhiên không có sự tham khảo nào của các cầu thủ. Họ chỉ là những quân cờ trong tay lãnh đạo, và một ngày nọ, lãnh đạo bảo họ làm việc với ông thầy này hay hãy hợp tác thật tốt với HLV kia. Cầu thủ B.BD cảm giác mình không được tôn trọng, thậm chí bị xem thường.
Có thể, những phản ứng trên của các cầu thủ là sai, thậm chí rất sai. Bởi suy cho cùng, nghề của cầu thủ là đá bóng. Một cầu thủ chuyên nghiệp đúng nghĩa không nên và không được hành xử theo kiểu không thích thì phá, không thích thì không đá, và nếu có đá, chỉ “đá” HLV và lãnh đạo. Nhưng ít ra, những gì đã và đang xảy ra ở Bình Dương trong 2 mùa qua cũng cho thấy chính những ông chủ ở đội bóng này cũng phải thay đổi, từ sự chiều chuộng sẽ làm biến chất các cầu thủ, cho tới việc đá lấn sân các HLV chỉ là sự châm ngòi cho những cuộc nổi loạn trong lòng đội bóng.
Tùy Phong