Quan họ này đành thành… quan họ khác! (Bài 1)

28/02/2011 07:10 GMT+7 | Văn hoá

Lễ hội truyền thống:

Từ sai văn hóa đến bi kịch văn hóa

Có lẽ chưa năm nào, hoa Xuân chưa rụng dưới chân giày mà những lễ hội Xuân lại “tan nát” thành “thảm họa” như năm nay.

Hội Gióng. Ảnh: Nhật Anh

Trong một đánh giá về trình diễn dân gian Việt Nam, trong đó có hội mùa Xuân, hội mùa Thu, GS Tô Ngọc Thanh viết: “Đã được thiêng hóa, trong bản chất của mình, mọi hành động hội đều mang tính biểu tượng và chứa đựng “năng lượng thiêng” ở mức cao nhất mà nhân dân có thể sáng tạo và gửi gắm”. Chẳng hạn, GS Thanh cho rằng, một cuộc hát đối đáp nam nữ trong hội cần được hiểu như một biểu tượng có tính chất ma thuật của sự kết hợp giao hòa đực cái. Tương tự, việc cướp và đẩy quả cầu sơn đỏ vào một cái hố tròn cũng có ý nghĩa âm dương nào đó. Do đó, trò diễn này không thể coi là một môn thể thao đơn thuần! Bởi vậy, việc không hiểu, áp dụng sai nguyên lý văn hóa, những biểu tượng thiêng sẽ dẫn đến “bi kịch văn hóa” (chữ dùng của GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian) là tầm thường hóa các hội truyền thống, tệ hơn, là bao nhiêu thứ… hóa khác làm biến dạng cả một báu vật văn hóa ngàn năm của dân tộc.

Hãy cùng chuyên đề số này nhìn lại một số hội Xuân “đình đám” để xem chúng đã bị tổ chức sai nguyên lý văn hóa đến đâu.

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN KIỀU TRINH

(TT&VH Cuối tuần) - Nhiều năm nay, câu chuyện quan họ hát mộc hay hát tăng âm mãi vẫn chưa thể có đáp số. Năm nay, năm đầu tiên ban tổ chức hội Lim quyết định “thí điểm” để quan họ hát mộc. Thế nhưng chỉ thí điểm được một ngày thì “âm mưu” phục hồi hát quan họ theo đúng truyền thống đã hoàn toàn phá sản! Hóa ra vấn đề “giải cứu” hội Lim không chỉ nằm ở cái micro hay bộ tăng âm…

>>> Chuyên đề:  Từ sai văn hóa đến bi kịch văn hóa

Âm thanh thời đại… “tổ bố”

Chuyện “quan…uan…uan họ… ọ…ọ” với tiếng vang dài loằng ngoằng không còn lạ lẫm với những người tới xem quan họ đồi Lim. Mỗi lán quan họ lại có một bộ loa đài đi kèm. Nhưng rất nhiều người lại tưởng đó là sự hiện đại. “Báo chí viết hay nhầm lẫn phương tiện khuếch đại là hiện đại”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chua chát. “Âm thanh là lĩnh vực hết sức chuyên nghiệp. Nên dùng không khéo thì phương tiện khuếch đại thành phản cảm”, ông Hiền phân tích. “Mà tâm lý nhiều người lại muốn mở hết cỡ. Thế nên tất nhiên ai dại đứng gần loa thì rách màng nhĩ. Lại muốn mở để cho người ở xa cũng nghe được, nhiều nhóm cùng mở thì đương nhiên thành cái chợ âm thanh hỗn loạn. Người chỉnh nhạc ư? Làm gì có ai có nghề ở nơi ấy, cứ vặn to, cho tiếng vang oang oang là họ sướng rồi. Nên hậu quả âm thanh thường kinh dị như karaoke là vậy”.

PGS.TS Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc gọi những âm thanh hỗn độn tại hội Lim là “âm thanh thời đại”. Âm thanh này được ông phân tách bao gồm tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng vang của hai âm thanh trên, tiếng rao hàng, quảng cáo, tiếng người đi hội. Nhưng kinh khủng nhất với ông là việc một bước thấy loa, đến đâu cũng loa.

Có điều cả hai nhà nghiên cứu đều công nhận không thể tránh khỏi phải dùng phương tiện khuếch âm với không gian đồi Lim nêm chặt từng ấy người trảy hội. Nêm chặt bởi nhà tổ chức dồn bọn quan họ vào các lều cạnh nhau. Và thực tế thì dồn bọn quan họ vào một nút như vậy vốn sai truyền thống, dẫn đến phá vỡ không gian quan họ.

Một canh hát do CLB Quan họ Đặng Xá tổ chức. Ảnh: Quang Hưng
 
“Xưa nghe nói các nhóm lượn lờ trên đồi giao đãi tự nhiên chứ không lập lều cố định biểu diễn cho khách xem và chi tiền thưởng. Quan họ xưa chỉ hát chơi với nhau, ai thích xem thì tự lân la mà dòm”, ông Hiền cho biết. Còn ông Loan lại mơ màng nhớ ngày đầu đến hội cách đây mấy chục năm khi đồi Lim còn vắng tanh. Thời ấy, ông cũng như bao người bây giờ, khao khát diện kiến tiếng hát quan họ, diện kiến lối chơi quan họ. Nhưng “thời oanh liệt nay còn đâu”. “Lúc đó, các liền anh liền chị chỉ chơi lối chơi nhỏ chứ không chơi cái “tổ bố” như bây giờ. Chỉ dăm ba bọn quan họ chơi trên đồi. Còn quan họ quảng đại thế này thì chả ai đủ sức mà nắn nót”, ông cám cảnh.

Nhưng không chơi cái “tổ bố” cũng không xong bởi người người ùn về không kiểm soát nổi. “Như ngày xưa thì người cách xa đến 10 cây số còn khó đến. Còn phương tiện giao thông như bây giờ thì người ở rất xa cũng đổ xô về. Đổ về và phá hết không gian hội xưa”, ông Loan nói.

Ông Loan cũng cho biết, với số người đổ về nhiều như vậy, phủ kín không gian ngoài trời rộng như hội Lim, để trang âm thật tiếng sao cho tiếng đàn nào ra đàn ấy thì đến Bộ VH-TT&DL còn chưa có nói gì đến ban tổ chức lễ hội ở một tỉnh. Mới đây để tổ chức một sự kiện trong không gian tương tự, ông Loan cho biết riêng chỉ thuê một chiếc micro thôi cũng đã mất đến 23 nghìn đô-la Mỹ cho một ngày. Tất nhiên, theo ông, muốn cao siêu thế thì không thể làm được, nhưng cũng vì chỉnh âm cho không gian rộng thế là khó lắm nên “quan họ này đành thành quan họ khác”.

Giải đông để giữ văn hóa làng

“Tôi nghĩ hội Lim từ lâu đã biến thành ngày hội du lịch, không còn là hội làng nữa”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nhận định. “Chính vì thế, tác dụng thực sự của hội Lim rất ít. Chính vì thế, người ta đến rất đông nhưng rồi khi ra về chẳng mấy hứng thú. Cách làm như thế cũng không tôn trọng và phát triển, khuyến khích văn hóa địa phương, văn hóa của các làng - đơn vị cơ bản của nông thôn. Khuyến khích văn hóa địa phương mới là điều quan trọng chứ không phải chạy theo chuyện đông người”.

“Xu hướng nâng cấp hội làng lên thành văn hóa cấp tỉnh là một chiều hướng hủy hoại văn hóa. Mà xu hướng nâng cấp lễ hội của ta giờ gần như phong trào. Hội Lim vốn là hội làng, của làng Lim thế rồi chúng ta nâng cấp di sản đấy thành hội Lim là hội của cả tỉnh. Hậu quả là, tập trung tất mọi người vào một không gian chỉ phù hợp với hội làng, làm nó chật như nêm. Trong khi đó còn bao nhiêu làng xung quanh hát quan họ. Và người hát quan họ đâu chỉ hát vào hội Lim. Ở những làng quanh đó, người ta vẫn hát quan họ, hát vào những thời điểm, những dịp khác nhau”.

Cũng có thể thấy bản thân việc nâng cấp, du lịch hóa không hề đem đến hiệu quả, nâng cao giá trị văn hóa cho hội Lim. Dễ thấy nhất là việc không gian truyền thống như đã nói ở trên bị phá vỡ bởi cách tổ chức của chúng ta. Cần phải có sự đánh giá nghiêm túc và rút ra những bài học về hội Lim và cách tổ chức hội.

“Cách tuyên truyền, quảng bá của chúng ta về các lễ hội như hội Lim cũng còn nhiều vấn đề”, ông Huy khảng khái. “Các phương tiện truyền thông chỉ tập trung nói về một vài ngày hội. Vì thế, cả miền Bắc đến hội Xuân, khách chỉ tập trung ở vài ba nơi đếm trên đầu ngón tay. Nào hội Lim, nào Bái Đính, chùa Hương, đền Trần... Trong khi đó, biết bao nhiêu chùa chiền có giá trị như chùa Tây Phương, chùa Đậu, đình Chu Quyến thì lại vắng khách”.

“Ngành văn hóa - du lịch phải chịu trách nhiệm về chiến lược tuyên truyền này - tuyên truyền quá tập trung mà không làm cho người ta thấy cái hay, cái đẹp của nhiều di sản, nhiều ngôi chùa khác nhau, nhiều ngày hội khác nhau, nhiều hoạt động khác nhau. Dễ nhìn thấy nhất là cho đến giờ dưới sự chỉ đạo của ngành văn hóa, chúng ta chưa hề có một bản đồ ngày hội nào với những giá trị riêng của chúng. Ai muốn xem hội ở đâu, chỗ nào quả là khó trong khi ở các nước chỗ nào cũng có bản đồ di sản”, ông Huy phân tích.

"Hãy bảo tồn quan họ trong một làng, khôi phục lại sinh thái văn hóa cho nó. Cách xa đó 5 cây số thì mời khách xuống xe đi bộ vào làng để nghe quan họ chúng tôi hát. Khi đó chẳng cần gì phải hát mi- cro. Một làng giữ được thì những làng khác sẽ giữ theo"

PGS.TS.Đặng Hoành Loan

Cùng ý kiến với ông Huy về việc nâng niu, phát triển không gian văn hóa làng, ông Loan cho rằng: “Cơ cấu nông thôn đã bị phá kinh khủng. Văn hóa làng cũng trong luồng xoáy ấy. Nếu muốn cứu hội Lim, cứu văn hóa nông thôn chỉ có cách chính Bộ VH-TT&DL phải xắn tay lên, bởi chỉ có đầu tư nhà nước mới cứu được các không gian văn hóa nông thôn. Không thể cứ để mặc người dân tự hành động được”.

Với hội Lim, ông Loan đề xuất: “Hãy bảo tồn quan họ trong một làng, khôi phục lại sinh thái văn hóa cho nó. Cách xa đó 5 cây số thì mời khách xuống xe đi bộ vào làng để nghe quan họ chúng tôi hát. Khi đó chẳng cần gì phải hát micro. Một làng giữ được thì những làng khác sẽ giữ theo. Tâm tính làng trong cộng đồng quan họ vẫn còn đậm lắm. Khi chúng tôi tổ chức canh hát cổ, trong một làng nọ chỉ có hai cô đi hát thôi mà níu kéo xin vé cứ rối cả làng lên”.

Ông Bùi Trọng Hiền, người từng tham gia phục hồi canh hát quan họ Đặng Xá mà ông cũng chỉ dám gọi là “giả cổ” lo lắng không hiểu Bộ VH-TT&DL có mấy mặn mà với ý tưởng phục hồi lại tục kết nghĩa tại các làng quan họ hay không. Canh hát này vẫn đang được những nhà nghiên cứu, những người chơi quan họ có hiểu biết tìm về.

Về lo lắng này của ông Hiền, ông Loan nhấn mạnh: “Bộ VH-TT&DL nên vào cuộc là chuyện đã rõ. Cái khó của bộ là thiếu những chuyên gia thực sự. Cho nên tôi nghĩ Bộ nên mạnh dạn thuê chuyên gia, và đã thuê rồi thì nên đồng tình với ý kiến chuyên môn của họ”.

Bài 2: Đến hội Gióng mà cũng diễn!

Kiều Trinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link