Đến năm 2021, ít nhất sẽ sáp nhập 16 huyện và 631 xã

09/01/2019 21:42 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều 9/1, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Nội dung của Nghị quyết về cơ bản giữ nguyên như tờ trình của Bộ Nội vụ.

Bộ Nội vụ thông báo 4 nội dung cơ bản của Đề án Văn hóa công vụ

Bộ Nội vụ thông báo 4 nội dung cơ bản của Đề án Văn hóa công vụ

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ chiều 9/1, Bộ Nội vụ đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về ý nghĩa của Quy định số 08-QĐi/TW của Trung ương về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và Đề án Văn hóa công vụ vừa được Chính phủ ban hành đối với công tác quản lý cán bộ hiện nay. 

Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu cụ thể, năm 2019 sửa đổi, ban hành mới các quy định pháp luật trong đó có quy định liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, rà soát, bổ sung hoặc ban hành quy định mới đảm bảo việc triển khai thống nhất, đồng bộ. Từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về cả hai tiêu chuẩn: diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Ngoài những đơn vị chưa đạt hai tiêu chuẩn nêu trên, khuyến khích việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được phần lớn nhân dân đồng thuận.

Sắp tới Ủy ban Thường Quốc hội ban hành Nghị quyết để cụ thể hóa Nghị quyết 37 - NQ/TW của Đảng. Sau đó, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể. Trên tinh thần đó, Bộ Nội vụ sẽ dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể. 

“Sau 8 ngày Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương và Cổng thông tin Chính phủ để xin ý kiến dự thảo Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021", Vụ trưởng Phan Văn Hùng nói.

Theo ông Phan Văn Hùng, Nghị quyết của Bộ Chính trị không nêu con số cụ thể nhưng theo Đề án Chính phủ trình thống kê từ các địa phương có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số sẽ được sáp nhập. Ngoài ra, Nghị quyết cũng khuyến khích các địa phương sắp xếp thêm, tùy tình hình thực tế.

* Tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp cơ sở

Cũng tại họp báo, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) "Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Văn bản nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ ngày 3/12/2018, trong khi Chính phủ chưa ban hành nghị định, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban), chờ nghị định của Chính phủ. 

Bộ Nội vụ đã xây dựng 2 dự thảo liên quan đến việc này, gồm: Dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Hiện hai dự thảo này đã được trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương. Đây là hai nghị định làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Đến nay, một số tỉnh, thành phố đã thực hiện xong việc hợp nhất một số sở, ban ngành, phòng, ban. Tỉnh Lào Cai đã đi đầu họp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng vào tháng 6/2018; sau đó, tỉnh Hà Giang hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh, Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ khối cơ quan tỉnh vào tháng 9/2018.

Đầu tháng 10/2018, thành phố Hải Phòng hợp nhất một số cơ quan Đảng với chính quyên ở cấp huyện, như: Văn phòng Quận ủy với Văn phòng HĐND và UBND quận Hồng Bàng, huyện An Dương; Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ huyện Kiến Thụy; Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Kiến Thụy với Thanh tra huyện. Mới đây, tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy Đức Thọ với Phòng Nội vụ huyện, hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra huyện.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng vào tháng 10/2018 cũng đưa ra các phương án thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan như: Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh; Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh; hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ; Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch – Đầu tư với Sở Tài chính; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ...

Trước đó, vào tháng 4/2018, Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ đề xuất chỉ giữ 4 Sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế được tổ chức thống nhất trên cả nước. Còn lại hợp nhất, sáp nhập 17 sở, ngành; giảm 46 – 88 sở, ngành trong cả nước.

Cũng tại họp báo, đại diện Bộ Nội vụ đã trao đổi, trả lời các câu hỏi của báo chí về một số vụ việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận liên quan đến công tác cán bộ xảy ra thời gian gần đây. 

Chu Thanh Vân - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link